Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương ngày 22/12, ông Putin đã nói với các quan chức quân sự cấp cao tại cuộc họp của Bộ Quốc phòng hôm 21/12: phương Tây phải chịu trách nhiệm về tình trạng "căng thẳng gia tăng ở châu Âu" hiện nay.
Tổng thống Putin cũng đề cập đến việc Mỹ và NATO tập kết quân đội ở gần biên giới Nga, tổ chức các cuộc tập trận quy mô lớn khiến người ta lo ngại. Trong bài phát biểu được phát trên truyền hình này, ông Putin tuyên bố: "Nếu phương Tây tiếp tục đường lối xâm lược rõ ràng, chúng ta sẽ có những biện pháp đáp trả kỹ thuật - quân sự (military-technical) tương xứng và giáng trả mạnh mẽ những hành động không thân thiện. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, chúng ta hoàn toàn có quyền làm điều này."
Ông Putin cũng nói về sự chống lưng của Mỹ đối với Ukraine: "Những chuyện Mỹ đã làm với Ukraine đều ở ngay ngưỡng cửa nhà chúng ta. Họ cần hiểu rằng chúng ta không còn nơi nào để lui. Nga không thể cho phép họ triển khai tên lửa ở Ukraine, nơi chỉ cách Moscow vài phút. Dưới sự bảo vệ của họ (Mỹ), nước láng giềng của chúng ta (Ukraine) đã trang bị vũ khí và khuyến khích những kẻ cực đoan ở gần với Nga, chẳng hạn như ở Crimea. Họ nghĩ rằng chúng ta sẽ chỉ khoanh tay đứng nhìn sao?". Đây được giới quan sát cho là dường như ông nhằm đưa ra lý do để Nga tiến hành một chiến dịch quân sự mới ở Ukraine.
Ảnh vệ tinh cho thấy Quân đội Nga tập kết ở gần biên giới Ukraine (Ảnh: AP) |
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu cũng nói, hiện nay có một công ty quân sự tư nhân giấu tên của Mỹ đang hoạt động tại khu vực Donetsk của Ukraine đã mua vũ khí hóa học và lên kế hoạch tiến hành các vụ khiêu khích ở các thành phố Afdeyevka và Krasniliman miền đông Ukraine, nhưng ông không cung cấp thêm bất kỳ bằng chứng nào. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby đã bác bỏ tuyên bố của ông Shoigu.
Nga đã luôn phủ nhận có âm mưu tấn công Ukraine, đồng thời yêu cầu Mỹ và NATO đưa ra các bảo đảm pháp lý đối với an ninh của Nga; đồng thời yêu cầu NATO ngừng việc mở rộng về phía đông. Tuần trước, Nga đã chuyển yêu cầu của họ tới cho Mỹ và NATO, tuyên bố NATO không được kết nạp các thành viên mới hoặc thiết lập các căn cứ quân sự ở lãnh thổ các nước Liên Xô cũ. Tuy nhiên, trong bài phát biểu này, ông Putin đã cảnh báo rằng ngay cả khi Washington đưa ra các đảm bảo về an ninh, ông cũng sẽ không tin vào điều đó. Ông nói: "Chúng ta cần những bảo đảm ràng buộc về pháp lý lâu dài, nhưng chúng ta không thể tin vào những bảo đảm này vì người Mỹ rất dễ dàng rút khỏi tất cả các hiệp ước quốc tế mà họ thấy không còn hứng thú vì một lý do nào đó, mà không có bất kỳ lời giải thích nào".
Ông Putin cũng nói rằng Nga phản đối xung đột đổ máu và hy vọng giải quyết vấn đề thông qua các kênh chính trị và ngoại giao. Tuy nhiên, ông cũng nói, trước tình hình quốc tế phức tạp, Nga cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển các lực lượng vũ trang của mình một cách có kế hoạch, từng bước và có hệ thống, trong đó bao gồm các ưu tiên được xác định trong phiên bản mới nhất của "Chiến lược An ninh Quốc gia Liên bang Nga."
Tổng thống Ukraine Zelensky thị sát quân đội ở tuyến trước (Ảnh: Đông Phương). |
Điện Kremlin tuyên bố rằng Tổng thống Putin đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vào tối hôm thứ Ba (22/12) để thảo luận về tình hình ở Ukraine. Ông Putin thúc giục tiến hành các cuộc đàm phán nghiêm túc về các yêu cầu an ninh của Nga và nói việc có thể tổ chức được một hội nghị thượng đỉnh mới về vấn đề Ukraine thực hiện theo mô hình Normandy hay không phụ thuộc vào việc Ukraine có thực hiện thỏa thuận Minsk một cách cụ thể hay không.
Ông Putin không nói đến khả năng tiến công Ukraine cụ thể. Các nhà ngoại giao Nga trước đó đã tuyên bố rằng Nga có thể áp dụng các biện pháp khác, chẳng hạn như di chuyển tên lửa tầm trung đến tầm tấn công các mục tiêu ở châu Âu. Moscow tuyên bố rằng đây sẽ là sự trừng phạt đối với việc Mỹ đơn phương rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung vào năm 2018.
Bộ Ngoại giao Nga ngày 10/12 công bố dự thảo thỏa thuận an ninh với Mỹ và NATO. Phía Nga đưa ra một loạt điều kiện đối với Mỹ và NATO trong dự thảo, bao gồm "NATO sẽ không mở rộng về phía đông", không kết nạp các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ vào NATO.
Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ về các vấn đề châu Âu và Á-Âu Karen Donfried ngày 21/12 nói, mặc dù các thành viên EU và NATO nói chung cảm thấy bị sốc, họ tin rằng nhiều yêu cầu của Nga là không thể và sẽ làm suy yếu liên minh quân sự phương Tây, nhưng Washington có kế hoạch vào tháng tới bắt đầu các cuộc đàm phán song phương với Moscow về các đề xuất an ninh.
Bà Donfried nói với các phóng viên rằng: "Chúng tôi sẽ thảo luận về các đề xuất của Nga. Có một số việc chúng tôi chuẩn bị tiến hành và chúng tôi nghĩ rằng sẽ rất tốt nếu có các cuộc thảo luận”; “phía Nga biết rõ rằng một số thứ trong điều đó sẽ không thể nào chấp nhận được."
Bà Donfried cho biết ngày diễn ra cuộc đàm phán chưa được thống nhất với Moscow, nhưng cuộc đàm phán sẽ được tổ chức đồng thời với cuộc đàm phán giữa Nga và NATO và trong Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE). Bà nói rằng các quốc gia thành viên NATO sẽ gặp nhau vào thứ Ba để thảo luận về các hình thức đàm phán có thể có với Nga, và OSCE cũng đã bắt đầu công tác chuẩn bị.
Donfried nhấn mạnh: “Tôi xin nói rõ: nếu không có (sự có mặt) của Châu Âu, sẽ không có các cuộc đàm phán về an ninh Châu Âu”. Đây là mối lo ngại của một số nước Đông Âu về việc Mỹ và Nga có thể mặc cả với nhau. Bà nói rằng “Chìa khóa ở đây là sự thống nhất và gắn kết của liên minh”.