"Tôi muốn rời Sri Lanka sớm nhất có thể": Hàng nghìn người dân xếp hàng xin hộ chiếu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Người dân Sri Lanka trước xếp hàng đổ xăng, thì giờ xếp hàng dài trước văn phòng di trú để xin hộ chiếu rời khỏi đất nước này.
Nhiều người ngồi, nằm chờ trước cửa văn phòng di trú ở Colombo để xin hộ chiếu rời khỏi đất nước (Ảnh: AP)
Nhiều người ngồi, nằm chờ trước cửa văn phòng di trú ở Colombo để xin hộ chiếu rời khỏi đất nước (Ảnh: AP)

Mỗi ngày có khoảng 3.000 người dân Sri Lanka nộp giấy tờ và khoản tiền 15.000 rupee (42 USD) để lấy hộ chiếu. Văn phòng di trú của nước này phải hoạt động bất kể ngày đêm, 6 ngày trong tuần để đương đầu với nhu cầu tăng mạnh.

Nhiều người xin hộ chiếu phải đợi thâu đêm, như bà Madushini, 35 tuổi, chủ sở hữu một nhà khách nhỏ ở tỉnh Udawalawa, ban đầu là nạn nhân của COVID-19 và giờ là đến khủng hoảng tài chính. Hiện giờ, bà muốn tìm một công việc ở Mỹ, nơi mà một người họ hàng của bà đang sinh sống.

“Lượng khách nước ngoài đặt phòng giờ đã hết, tôi cần phải tìm cách kiếm tiền và đảm bảo cho cuộc sống cảu con trai mình,” bà nói. “Cả đất nước giờ đóng cửa, và chúng tôi không có đủ số tiền đó.”

Một số người chờ đợi trong hàng chờ không dám đi ăn hay uống vì lo sợ sẽ mất chỗ, mồ hôi trên người họ nhễ nhại.

Samantha, đầu bếp thất nghiệp 34 tuổi, đã nhận được một lời mời làm việc trong một khách sạn ở Cyprus và đã xếp hàng suốt 18 giờ đồng hồ khi trả lời phỏng vấn hãng AFP.

“Tôi muốn rời khỏi Sri Lanka sớm nhất có thể,” ông nói. “Ở đây tôi không có việc làm và không có tiền. Tôi sẽ xếp hàng chờ cho đến khi lấy được hộ chiếu thì thôi.”

Đại dịch COVID-19 đã gây ra một cuộc khủng hoảng ngoại hối mà các nhà phê bình cho là lỗi một phần là do sự quản lý yếu kém của chính phủ. Tình trạng này khiến cho Sri Lanka, vốn dựa vào ngành công nghiệp du lịch, không thể nhập khẩu đủ nhiên liệu, thuốc men và nhu yếu phẩm khác.

Lạm phát trong tháng 6 ở mức 54,6%, theo các con số thống kê chính thức, và hòn đảo nằm ở Ấn Độ Dương này đã vỡ nợ đối với khoản tiền 51 tỉ USD. Nguồn thu ngoại tệ từ nước ngoài cũng bị ảnh hưởng bởi COVID-19.

Cơ quan di trú nước này vốn đã phải tăng năng suất, cấp nhiều hộ chiếu hơn trong khoảng thời gian từ đầu năm đến nay so với toàn bộ năm ngoái. Theo thống kê, số lượng hộ chiếu được cấp thường rơi vào khoảng 50.000/tháng, nhưng trong tháng 6 vừa qua đã tăng lên tới 122.000. Rất nhiều người xin hộ chiếu đến từ các vùng nông thôn, di chuyển bằng xe buýt.

Một người phụ nữ ngồi trên xe tuk tuk trong lúc chờ xin hộ chiếu ở Colombo (Ảnh: AP)

Một người phụ nữ ngồi trên xe tuk tuk trong lúc chờ xin hộ chiếu ở Colombo (Ảnh: AP)

“Tôi biết một số người ở Arab Saudi. Họ hứa sẽ giúp tôi tìm công việc giúp việc trong nhà ở đó,” bà Shantakala, 46 tuổi, đến từ Chilaw, nói. “Chồng tôi sẽ coi sóc ruộng vườn ở quê hương. Việc làm nông không thể giúp chúng tôi đủ sống, nên tôi phải ra đi.”

Nhiều sinh viên ở nước này cũng phải bỏ ngang việc học. “Chúng tôi cần phải thoát khỏi đây, đi tìm việc làm và hỗ trợ gia đình mình trong tình cảnh khó khăn này,” Imesh Tarusha, 18 tuổi, nói.

Trong hôm 21/7, ông Ranil Uwickremesinghe đã tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Sri Lanka, kế nhiệm ông Gotabaya Rajapaksa, người đã bỏ trốn khỏi đất nước và từ chức sau làn sóng biểu tình rộng khắp.

Ông Wickremesinghe, 73 tuổi, đã được bầu trong hôm thứ Tư, tuyên thệ nhậm chức trước Tổng chưởng lý Jayantha Jayasuriya tại khu phức hợp Quốc hội được thắt chặt an ninh.

Colombo cũng đang trong các cuộc đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để hưởng gói cứu trợ, nhưng có rất ít hy vọng.

“Đất nước tôi rất đẹp nhưng lại không có nhiên liệu. Rất khó khăn,” Shantakala nói. “Tôi hy vọng đất nước sẽ tốt đẹp hơn, nhưng không biết sẽ mất bao lâu.”

Theo SCMP