Gotabaya Rajapaksa: Từ vị anh hùng dân tộc đến Tổng thống tháo chạy của Sri Lanka

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Cựu tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa và các anh em của ông, từng được xem như những người hùng của đất nước Sri Lanka, khi chiến thắng lực lượng ly khai sau cuộc nội chiến đẫm máu kéo dài 26 năm.

Cựu Tổng thống Mahinda Rajapaksa (trái) cùng các anh em của ông, Tổng thống Gotabaya Rajapaksa (giữa) và cựu Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Basil Rajapaksa (Ảnh: CNN)
Cựu Tổng thống Mahinda Rajapaksa (trái) cùng các anh em của ông, Tổng thống Gotabaya Rajapaksa (giữa) và cựu Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Basil Rajapaksa (Ảnh: CNN)

Thế nhưng, trong những ngày cuối cùng của 'triều đại' Rajapaksa ở Sri Lanka, một câu chuyện rất khác lại được dựng lên.

Đầu giờ sáng ngày 13/7, Tổng thống Gotabaya Rajapaksa đã hối hả rời khỏi đất nước Nam Á, vài ngày sau khi hàng nghìn người biểu tình giận dữ ập vào bên trong tư dinh của ông, nhảy xuống bể bơi và yêu cầu ông phải từ chức. Lúc bấy giờ, ông Rajapaksa đã hứa hẹn từ chức.

Nhưng thay vì ở lại đất nước để thực hiện điều đó, ông lên một chiếc máy bay quân sự rời khỏi Colombo, thủ đô đang chìm trong khủng hoảng của Sri Lanka, và thẳng hướng tới Maldives.

Việc ông rời khỏi nước được xem như khoảnh khắc lịch sử đối với quốc đảo 22 triệu dân, nơi mà gia tộc Rajapaksa đã cầm quyền trong phần lớn 2 thập kỷ qua.

“Khung cảnh ông Gotabaya Rajapaksa rời khỏi Sri Lanka trên một chiếc máy bay quân sự cho thấy sự sụp đổ của gia tộc này,” Ganeshan Wignaraja, một nhà nghiên cứu kỳ cựu đến từ hãng phân tích ODI Global của Anh, nhận định. “Di sản của họ, tôi không nghĩ là tích cực. Nhưng người ta hy vọng rằng Sri Lanka sẽ tiến lên theo một con đường mới.”

Trong khi người dân Sri Lanka vẫn đang bơi trong bể bơi của tổng thống, ngồi hát trong phòng ăn của tổng thống và nhảy múa xung quanh khu nhà ở của tổng thống, rõ ràng là có nhiều người đang tỏ ra lạc quan – ít nhất là ở thời điểm hiện tại. Điều sẽ xảy ra trong ngày tới sẽ quyết định tương lai của đất nước này, khi mà dự định của ông Rajapaksa vẫn còn chưa rõ ràng.

Người biểu tình ập vào tư dinh của Tổng thống Sri Lanka (Ảnh: CNN)

Người biểu tình ập vào tư dinh của Tổng thống Sri Lanka (Ảnh: CNN)

Sự trỗi dậy của gia tộc Rajapaksa

Trong lúc đất nước Sri Lanka có những bước đi đầu tiên tiến vào kỷ nguyên mới, nhiều chuyên gia cho rằng quốc gia này sẽ rút kinh nghiệm từ những sai lầm trong quá khứ – bắt đầu bằng sự trỗi dậy và sụp đổ của gia tộc Rajapaksa.

Gotabaya Rajapaksa không phải thành viên đầu tiên trong gia tộc trở thành Tổng thống Sri Lanka. Người anh trai của ông, Mahinda Rajapaksa, cũng giống như ông Gotabaya được coi là “anh hùng chiến tranh”, từng đắc cử Tổng thống vào năm 2005 và gần như đạt được danh hiệu “huyền thoại” vào năm 2009 khi ông tuyên bố chiến thắng trong cuộc nội chiến kéo dài 26 năm trước phiến quân 'Những con Hổ Giải phóng Tamil'.

Ông Mahinda Rajapaksa và em trai Basil Rajapaksa trong ảnh chụp ngày 4/4/2010 (Ảnh: CNN)

Ông Mahinda Rajapaksa và em trai Basil Rajapaksa trong ảnh chụp ngày 4/4/2010 (Ảnh: CNN)

Chiến thắng đó đã trao cho ông Mahinda Rajapaksa một “suối nguồn” các khoản tiền đầu tư chính trị gần như vô tận và ông sẽ ung dung nắm quyền lực 10 năm, trong khoảng thời gian mà ông nhận được sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng cử tri. Ông nổi tiếng đến nỗi thường được gọi là “appachchi” – tạm dịch là 'người cha của dân tộc' – và người dân Sri Lanka thường quỳ gối mỗi khi ông đi qua, và lo lắng mỗi khi sức khỏe của ông gặp vấn đề.

Trong phần lớn nhiệm kỳ của mình, ông Mahinda Rajapaksa đã vận hành đất nước Sri Lanka giống như một doanh nghiệp gia đình, chỉ định anh em của mình vào các vị trí quan trọng; ông Gotabaya làm Bộ trưởng quốc phòng, Basil làm Bộ trưởng Phát triển Kinh tế và Chamal làm Chủ tịch Quốc hội.

Ông Mahinda (trái) và em trai mình, ông Gotabaya ở Colombo, Sri Lanka năm 2019 (Ảnh: CNN)

Ông Mahinda (trái) và em trai mình, ông Gotabaya ở Colombo, Sri Lanka năm 2019 (Ảnh: CNN)

Thời gian cứ vậy qua đi, bất chấp nhiều lời phàn nàn về chủ nghĩa gia đình trị, nhưng anh em nhà Rajapaksa vẫn nổi tiếng, tỷ lệ ủng hộ cao. Sri Lanka chứng kiến nhiều năm tăng trưởng kinh tế tốt, chủ yếu nhờ việc chính phủ vay mượn các khoản tiền lớn từ nước ngoài để rót cho các dịch vụ công trong nước.

Nhưng điều gì tốt cũng không thể tồn tại mãi mãi.

Sự trở lại quyền lực

Mặc dù cuộc nội chiến đóng vai trò quan trọng để kiến tạo nên “huyền thoại” về Mahinda Rajapaksa, nhưng nó cũng mang theo những tín hiệu đầu tiên đánh dấu sự sụp đổ của ông.

Theo một báo cáo mà LHQ đưa ra năm 2011, binh sĩ chính phủ Sri Lanka phải chịu trách nhiệm cho các cáo buộc lạm dụng, trong đó có hành động cố ý nã pháo vào thường dân, hành quyết và chặn nguồn cung thực phẩm và thuốc men chuyển cho các cộng đồng người dân bị ảnh hưởng bởi chiến sự. Báo cáo của LHQ nói rằng “một số nguồn tin tin cậy ước tính rằng, có tới 40.000 thường dân thiệt mạng.”

Chính phủ của ông Mahinda Rajapaksa luôn luôn kịch liệt bác bỏ những cáo buộc như vậy.

Tuy nhiên, nhiều vấn đề từ đó bắt đầu nảy sinh.

Nhiều đối thủ chính trị cáo buộc ông Mahinda Rajapaksa ngầm cho phép các tổ chức cực hữu hoạt động. Cùng lúc, sự phẫn nộ của người dân trước chủ nghĩa thân hữu của ông Mahinda cũng tăng dần khi xuất hiện nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế bất ổn.

Vào năm 2015, Sri Lanka đã nợ Trung Quốc 8 tỉ USD, và giới chức chính phủ nước này dự báo rằng các khoản nợ nước ngoài đang tăng dần – cả nợ Trung Quốc và các nước khác – sẽ ngốn hết 94% tổng GDP của đất nước. Năm đó, ông Mahinda Rajapaksa đã thất cử trong cuộc chạy đua với người từng là Bộ trưởng Y tế của ông.

“Sri Lanka là một đất nước dân chủ và người dân bị sốc trước chủ nghĩa thân hữu ngày càng lan rộng,” ông Wignaraja nói. “Sự kết hợp giữa chủ nghĩa gia đình trị và khả năng quản lý nền kinh tế yếu kém...khiến cho người dân cảm thấy phẫn nộ trước những người mà họ từng bỏ phiếu bầu.”

Nhưng những diễn biến trên có thể chỉ đủ để làm sụp đổ một triều đại nhỏ, chứ chưa đủ để làm sụp đổ gia tộc Rajapaksa.

Ông Gotabaya và vợ, bà Ayoma, tại Colombo, Sri Lanka năm 2019 (Ảnh: CNN)

Ông Gotabaya và vợ, bà Ayoma, tại Colombo, Sri Lanka năm 2019 (Ảnh: CNN)

Vào tháng 4/2019, các nhóm phiến quân Hồi giáo đã sát hại ít nhất 290 người trong loạt vụ đánh bom tại nhiều nhà thờ và khách sạn hạng sang ở Sri Lanka. Một đất nước hoảng loạn lại tìm đến sự cứu giúp của một gia tộc đã từng giúp họ thoát khỏi cuộc nội chiến đẫm máu. Ít tháng sau, ông Gotabaya Rajapaksa được bầu làm tân Tổng thống của đất nước. Và cũng giống như anh trai ông, ông tiếp tục đi theo lối gia đình trị.

“Người dân một lần nữa đặt trọn niềm tin của họ vào chúng tôi,” ông Mahinda Rajapaksa phát biểu sau chiến thắng tuyệt đối trong kỳ bầu cử Quốc hội năm 2020. “Chúng tôi sẽ không làm họ thất vọng và sẽ luôn luôn trân trọng niềm tin mà họ đặt trọn vào nơi chúng tôi.”

Ngay sau đó, ông Gotabaya đã chỉ định ông Mahinda Rajapaksa vào một vị trí trong chính phủ của mình.

Sự sụp đổ của gia tộc Rajapaksa

Thế nhưng, cũng giống như 'triều đại' của anh trai của mình, nhiều vết rạn nứt bắt đầu xuất hiện trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông Gotabbaya Rajapaksa, khi có nhiều câu hỏi liên quan tới cách quản lý nền kinh tế của chính phủ của ông.

Giới chuyên gia nói rằng những vấn đề trong nền kinh tế của Sri Lanka không hoàn toàn do lỗi của chính phủ - nhưng nỗi quan ngại của người dân càng trở nên trầm trọng hơn sau những quyết định tồi tệ của chính phủ.

Murtaza Jafferjee, chủ tịch hãng phân tích Advocata Institue ở Colombo, nói rằng hoạt động đi vay tiền ồ ạt của Sri Lanka để rót vốn cho các dịch vụ công diễn ra trùng thời điểm với hàng loạt cú sốc mà nền kinh tế Sri Lanka phải gánh chịu, từ các thảm họa thiên nhiên cho tới các thảm họa nhân tạo.

Đối diện với tình trạng thâm hụt trầm trọng, ông Rajapaksa đã cắt giảm thuế trong nỗ lực kích thích nền kinh tế.

Thế nhưng động thái này gây tác dụng ngược, thay vì làm tăng doanh thu cho chính phủ. Các hãng xếp hạng quốc tế sau đó hạ thấp mức xếp hạng của Sri Lanka tới mức gần vỡ nợ, có nghĩa rằng nước này không còn quyền tiếp cận các thị trường nước ngoài nữa. Sri Lanka sau đó phải sử dụng tới nguồn dự trữ ngoại hối để thanh toán các khoản nợ của chính phủ. Điều này ảnh hưởng tới việc nhập khẩu thực phẩm, nhiên liệu và các mặt hàng thiết yếu khác, từ đó làm giá cả tăng đột biến.

Trên đường phố, nơi mà gia tộc Rajapaksa từng được người dân ngưỡng mộ mỗi khi đi qua, người dân giờ cảm thấy họ không còn đủ khả năng nuôi sống gia đình hay tiếp nhiên liệu cho phương tiện của họ. Giờ đây, người dân phải xếp hàng nhiều giờ liền để mua xăng, thường xuyên đụng độ với cảnh sát và quân đội trong lúc chờ đợi. Nhiều siêu thị “cháy hàng”. Nguồn cung thuốc men ở mức thấp nguy hiểm.

Người biểu tình tràn vào tư dinh của ông Gotabaya (Ảnh: CNN)

Người biểu tình tràn vào tư dinh của ông Gotabaya (Ảnh: CNN)

Người dân bắt đầu đổ lỗi cho gia tộc Rajapaksa. Suốt nhiều tháng qua, những người dân Sri Lanka phẫn nộ đã đổ ra các tuyến phố, cáo buộc ông Gotabaya và Mahinda Rajapaksa quản lý nền kinh tế một cách yếu kém.

Các cuộc biểu tình ban đầu diễn ra một cách hòa bình nhưng đến tháng 5 bắt đầu chuyển thành bạo lực, buộc ông Mahinda Rajapaksa phải từ chức Thủ tướng. Nhưng quyết định của ông gần như không có tác dụng xoa dịu sự phẫn nộ của người dân – và người em trai của ông vẫn đang giữ chức Tổng thống.

Trong suốt nhiều tuần ông Gotabaya níu giữ quyền lực của mình, không sẵn lòng để cho triều đại của ông sụp đổ.

Nhưng cuối cùng ông không có lựa chọn nào khác, khi mà khu tư dinh hào nhoáng ông từng sử dụng giờ bị chiếm đóng bởi những người biểu tình

Như ông Wignaraja chỉ ra, hình ảnh đó đã đánh dấu sự kết thúc của một kỷ nguyên./.

Theo CNN