Sri Lanka: Lời cảnh tỉnh cho nhiều quốc gia

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Các cuộc biểu tình đã buộc Tổng thống và Thủ tướng của Sri Lanka từ chức, đánh đi tín hiệu cảnh báo tới nhiều quốc gia đang có khoản nợ lớn và tình trạng thiếu thực phẩm, năng lượng.
Binh sĩ và người biểu tình chụp ảnh "tự sướng" bên trong khu nhà ở tổng thống ở Colombo, Sri Lanka ngày 10/7 (Ảnh: Shutterstock)
Binh sĩ và người biểu tình chụp ảnh "tự sướng" bên trong khu nhà ở tổng thống ở Colombo, Sri Lanka ngày 10/7 (Ảnh: Shutterstock)

Tình hình bất ổn ở Sri Lanka được thể hiện rõ nhất trong hôm Chủ nhật vừa qua (10/7), khi người biểu tình tiếp tục chiếm đóng khu nhà ở của tổng thống sau khi ập vào đây, và hiện vẫn chưa rõ Tổng thống Gotabaya Rajapaksa đang ở đâu.

Tổng thống Sri Lanka đến nay vẫn chưa trực tiếp xác nhận về tuyên bố mà Chủ tịch Quốc hội đưa ra, trong đó nói rằng ông sẽ từ chức trong hôm thứ Tư. Thông tin duy nhất mà ông đưa ra kể từ khi người biểu tình chiếm khu nhà ở Tổng thống là một tuyên bố từ văn phòng của ông, yêu cầu các quan chức thực thi kế hoạch phân phối đợt hàng khí đốt, đến nước này trong hôm 10/7 vừa qua.

Khủng hoảng tài chính và chính trị Sri Lanka – bắt nguồn từ nhiều vấn đề xuất hiện cùng lúc bao gồm khoản nợ cao, lạm phát tăng và quản lý kinh tế yếu kém – giờ đã biến thành một lời cảnh tỉnh đối với một số quốc gia cũng đang gánh trên vai khoản nợ lớn, dễ bị tác động do tình trạng thiếu nguồn cung thực phẩm, lạm phát và Mỹ nâng tỷ lệ lãi suất.

Người dân xếp hàng dài chờ mua bánh mì ở Sidon, Lebanon hồi tháng trước (Ảnh: Getty)

Người dân xếp hàng dài chờ mua bánh mì ở Sidon, Lebanon hồi tháng trước (Ảnh: Getty)

Các quốc gia như Zambia và Lebanon hiện đang chớm lao vào một cuộc khủng hoảng, bởi vậy, họ đang xin các khoản vốn vay thêm hoặc tái cấu trúc lại các khoản nợ của họ. Trong khi đó, chính phủ mới của Pakistan, vừa nhậm chức trong tháng 4, cho hay họ đã né được một pha vỡ nợ trong gang tấc trong vài tuần gần đây, mà nguyên nhân cũng là do giá nhiên liệu tăng. Dự trữ ngoại hối nhà nước mà ngân hàng trung ương Pakistan nắm giữ đã giảm mạnh. Điều này khiến Trung Quốc phải ra tay cứu viện bằng khoản vốn vay 2,3 tỉ USD để tăng dự trữ ngoại hối của Pakistan.

Chính quyền Islamabad hiện đang xin một gói cứu trợ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Quốc gia này đã gỡ bỏ chương trình trợ giá xăng trị giá 600 triệu USD trong tháng 6 để bình ổn nguồn tài chính của Chính phủ và tạo điều kiện đàm phán với IMF. Họ cũng liên tiếp nâng giá xăng và điện trong vài tuần qua để giữ nhịp với giá dầu quốc tế.

Ở Lào, lạm phát đã lên mức 24% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm ngoái. Thiếu nguồn dự trữ USD đã buộc nước này phải hạn chế nhập khẩu xăng và các mặt hàng thiết yếu khác. Ngân hàng Thế giới ước tính Lào có lượng dự trữ ngoại hối khoảng 1,3 tỉ USD vào cuối năm 2021, chỉ đủ để trả tiền hàng hóa nhập khẩu cho 2 tháng.

Ngân hàng Thế giới mới đây đã cắt giảm dự báo đà tăng trưởng ở các nền kinh tế đang phát triển xuống còn 3,4% trong năm nay, mức trước đó là 4,6%, do ảnh hưởng của giá thực phẩm và năng lượng leo thang, cùng với chi phí vay mượn tăng nhanh chóng sau khi Mỹ tăng tỷ lệ lãi suất.

Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã khiến cho giá nhiên liệu và thực phẩm tăng mạnh, trong khi việc Mỹ tăng tỷ lệ lãi suất đã đẩy giá trị của nhiều đồng tiền xuống mức thấp nhất trong nhiều năm, từ đó khiến giá nhiên liệu và các mặt hàng nhập khẩu khác thêm phần đắt đỏ. Thực trạng này khiến cho các nước đang có nợ công cao đối diện với nhiều lựa chọn khó khăn.

Biển hiệu "hết xăng" tại một trạm xăng ở Colombo, Sri Lanka trong tháng trước (Ảnh: Shutterstock)

Biển hiệu "hết xăng" tại một trạm xăng ở Colombo, Sri Lanka trong tháng trước (Ảnh: Shutterstock)

Trong trường hợp của Sri Lanka, đại dịch COVID-19 – làm “bay hơi” khoản ngoại tệ kiếm được từ ngành du lịch – cùng với tình trạng lạm phát trên toàn cầu đã đẩy nền kinh tế của họ tới mép vực. Nhưng gốc rễ của tình trạng tài chính bấp bênh này lại là khoản nợ chồng chất do chính phủ đầu tư cho cơ sở hạ tầng và giảm thuế mạnh, ngoài ra lệnh cấm sử dụng phân hóa học cũng làm giảm sản lượng mùa màng, rút hết nguồn lực của chính phủ.

Sri Lanka đã vỡ nợ trong tháng 5, do thiếu trầm trọng lượng ngoại hối dự trữ nên nước này không đủ khả năng đảm bảo được nguồn cung năng lượng, dẫn tới tình trạng mất điện thường xuyên và thiếu xăng tại các trạm xăng. Lạm phát thực phẩm lên tới 80,1% trong tháng trước.

Đối với phần lớn người dân Sri Lanka, cuộc sống thường nhật trong những tháng gần đây chỉ quanh quẩn với việc đi xếp hàng nhiều giờ đồng hồ để mua xăng hoặc ngồi chờ cho đến khi có điện. Còn đối với những người ập vào bên trong khu nhà ở của tổng thống trong hôm Chủ nhật vừa qua, họ nhanh chóng có được đôi chút trải nghiệm sống sang ngay giữa lúc đất nước đang khủng hoảng kinh tế.

Nhiều tháng biểu tình phản đối chính phủ cùng sự phẫn nộ của người dân về cách xử lý các vấn đề kinh tế của chính phủ cuối cùng đã đến điểm bùng nổ trong hôm 9/7, khi hàng nghìn người biểu tình ở thủ đô Colombo ập vào và chiếm đóng khu nhà ở của Tổng thống Rajapaksa và Thủ tướng Ranil Wickremesinghe. Trong một đoạn tweet, ông Wickremesinghe nói rằng ông sẽ từ chức để dọn đường cho các lãnh đạo đảng chính trị ở Sri Lanka thành lập một chính phủ lâm thời, sau đó tổ chức bầu cử vào một ngày nào đó chưa cụ thể.

Lực lượng an ninh dùng vòi rồng giải tán người biểu tình ở Colombo ngày 9/7 (Ảnh: Shutterstock)

Lực lượng an ninh dùng vòi rồng giải tán người biểu tình ở Colombo ngày 9/7 (Ảnh: Shutterstock)

Những diễn biến đó càng làm những người chiếm đóng khu nhà ở tổng thống thêm vui mừng, họ nằm trên giường, ngồi trên ghế trong khu nhà ở tổng thống, chơi đàn piano và còn chỉ trích IMF. Trong khi, một số người lại tỏ ra giận dữ khi chứng kiến điều kiện sống quá tốt của giới lãnh đạo, trong khi bản thân họ phải chật vật sống qua ngày.

“Chúng tôi không có nhiên liệu, thực phẩm và khí đốt để nấu nướng,” Wijitha Humara, một người đàn ông 60 tuổi, nói với Wall Street Journal (WSJ). “Vậy mà trong lúc chúng tôi đang chật vật như vậy, ông Gotabaya lại có một cuộc sống xa xỉ.”

Người biểu tình Sri Lanka ngồi và nằm trên ghế sofa trong khu nhà ở tổng thống hôm 10/7 (Ảnh: AP)

Người biểu tình Sri Lanka ngồi và nằm trên ghế sofa trong khu nhà ở tổng thống hôm 10/7 (Ảnh: AP)

Chính phủ một số nước trên thế giới đang nỗ lực ngăn chặn tầm ảnh hưởng của lạm phát thực phẩm và năng lượng bằng cách đưa ra các gói trợ giá mới, tăng cường các chương trình chi tiêu xã hội để chống lại tình trạng thiếu lương thực và sự bất bình của người dân. Nhiều quốc gia còn đang chuẩn bị phê duyệt các chương trình hỗ trợ mới, ngay cả khi họ đang đau đầu với vấn đề thâm hụt ngân sách và vừa bước ra khỏi đại dịch COVID-19. Các nhà phân tích cảnh báo rằng các gói trợ giá và chi tiêu xã hội mới có thể đẩy chính phủ nhiều nước chìm sâu hơn vào cơn bĩ cực tài chính.

Ở châu Âu, chính phủ các nước từ Đức cho tới Hy Lạp, Tây Ban Nha và Thổ Nhĩ Kỳ trong những tháng gần đây đều tuyên bố xem xét giảm thuế và trợ giá năng lượng. Ở châu Phi, Nigeria gần đây tuyên bố về gói trợ giá nhiên liệu lên tới 9,6 tỉ USD, trong khi Zambia sắp chi 200 triệu USD để tiếp tục rót cho chương trình trợ giá nhiên liệu, bất chấp khoản nợ đang tăng ở cả hai quốc gia này. Trong khi đó, các nước ở châu Á, bao gồm Philippines, Singapore và Indonesia đang tăng chi tiêu xã hội, thường là nhắm vào các hộ gia đình có thu nhập thấp, bằng cách hỗ trợ tiền mặt.

Bất ổn chính trị ở Sri Lanka cũng có thể làm chậm những nỗ lực thoát khỏi khủng hoảng kinh tế của họ. Thủ tướng Wickremesinghe cũng đảm nhận luôn vị trí Bộ trưởng Tài chính và tham gia trực tiếp vào các cuộc đàm phán với IMF để xin gói cứu trợ nhiều tỉ USD.

Trong hôm 10/7, IMF nói rằng họ sẽ theo dõi sát sao các diễn biến ở Sri Lanka. “Chúng tôi hy vọng sẽ có một giải pháp cho tình hình hiện tại, cho phép nối lại các cuộc đối thoại của chúng tôi về chương trình hỗ trợ của IMF,” họ nói.

Một người biểu tình Sri Lanka tắm trong bể bơi của khu nhà ở tổng thống hôm 10/7 (Ảnh: Reuters)

Một người biểu tình Sri Lanka tắm trong bể bơi của khu nhà ở tổng thống hôm 10/7 (Ảnh: Reuters)

Hôm Chủ nhật vừa qua, sự bình ổn đã xuất hiện trở lại trên đường phố thủ đô Colombo. Do sự hiện diện khá mỏng của lực lượng an ninh, nên người biểu tình có thể tự do ra vào khu nhà ở của tổng thống mà không gặp khó khăn gì. Ông Kumara kể rằng ông đã kêu gọi mọi người không làm hỏng tài sản bên trong, bởi chúng đều là tài sản công./.

Nguồn tham khảo: Wall Street Journal