Tình hình bão lũ miền Trung phức tạp, người dân dễ mắc bệnh gì?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Hiện, tình hình bão lũ miền Trung đang vô cùng phức tạp. Bão lũ thường đi kèm với thiên tai, dịch bệnh gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khoẻ của người dân.
PGS.TS. Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Ảnh: Minh Thuý)
PGS.TS. Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Ảnh: Minh Thuý)

Trao đổi với PV VietTimes, PGS. TS. Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế)– cho biết: Bão lũ thường đi kèm với thiên tai, dịch bệnh. Khi lũ lụt xảy ra, các điều kiện vệ sinh môi trường sẽ không đảm bảo, điều kiện cung cấp nước uống gặp khó khăn, môi trường bị ô nhiễm vì xác súc vật chết, cây cối. Người dân sẽ phải đối mặt với nguy cơ không có nơi phóng uế, thu gom rác thải nếu không chuẩn bị từ trước, đặc biệt là vấn đề thiếu lương thực, thực phẩm sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến vấn đề dinh dưỡng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh.

Từ những ảnh hưởng của thiên tai lũ lụt, người dân ở những vùng bị ảnh hưởng rất dễ mắc các bệnh về đường tiêu hoá do mất an toàn thực phẩm, nguồn nước không đảm bảo, vệ sinh chưa tốt. Không chỉ vậy, người dân còn dễ mắc cúm, cảm lạnh, đau mắt, nước ăn chân cùng nhiều bệnh về da liễu khác. Đây đều là những bệnh người dân dễ mắc phải khi ở nơi có lũ lụt.

Người dân sơ tán vì lũ lụt (Ảnh: Hoàng Triều - nguồn: baothuathienhue.vn)

Người dân sơ tán vì lũ lụt (Ảnh: Hoàng Triều - nguồn:

baothuathienhue.vn)

Để ngăn chặn nguy cơ mắc bệnh ở những nơi xảy ra bão lũ, các địa phương, cơ sở y tế phải thực hiện tổng thể các biện pháp gồm: vệ sinh môi trường, cung cấp nước sạch cho người dân trong và sau lũ lụt. Khi nước lũ rút, giếng nước phải được nạo vét, làm sạch. Sau đó, việc phun khử trùng, tẩy uế môi trường xung quanh và xác động vật chết phải được thực hiện thường xuyên. Các đơn vị phải tăng cường rà soát, phát hiện sớm người mắc bệnh, chủ động điều trị, ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh bùng phát.

Theo ông Phu, việc tuyên truyền cho người dân phòng, chống dịch trước, trong và sau khi lụt bão xảy ra là cực kỳ quan trọng để người dân nhận thức đúng về công tác phòng, chống dịch bệnh, chủ động phòng bệnh.

“Trong thời điểm hiện nay, tôi đặc biệt lưu ý người dân phải cảnh giác với bệnh sốt xuất huyết, cúm, nhất là những người dân ở miền Trung, sống trong vùng rừng núi cần chủ động phòng dịch bệnh” – ông Phu nói.

Ngoài ra, để tránh tình trạng “dịch chồng dịch”, ông Phu lưu ý việc đeo khẩu trang rất cần thiết để phòng dịch COVID-19. Nhiều ý kiến cho rằng đeo khẩu trang thường xuyên là biện pháp tối ưu giúp Việt Nam kiểm soát, phòng dịch COVID-19 hiệu quả, được thế giới công nhận.

Hiện, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đang giao Bộ Y tế xây dựng hướng dẫn về việc đeo khẩu trang đúng cách trong tình hình mới, có quy định rõ về đối tượng đeo khẩu trang, địa điểm đeo khẩu trang và chế tài xử phạt khi không đeo khẩu trang ở những nơi quy định.