Để tìm hiểu rõ hơn về hồ sơ sức khoẻ điện tử cũng như hiệu quả mà phần mềm hồ sơ sức khoẻ mang đến cho người dân và nhân viên y tế, PV VietTimes đã có cuộc trao đổi với PGS. TS. Trần Quý Tường - Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin, Bộ Y tế.
PV: Khi nhận được giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2020 trong hạng mục cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc, với cương vị là lãnh đạo Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế, ông có cảm xúc như thế nào?
PGS. TS. Trần Quý Tường: Tôi rất vui mừng vì sự cố gắng, nỗ lực vươn lên của tập thể Cục Công nghệ thông tin (CNTT), Bộ Y tế, trong thời gian qua đã được Hội Truyền thông số Việt Nam, các chuyên gia CNTT, các nhà khoa học về chuyển đổi số ghi nhận, đánh giá và trao gải thưởng “Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc”. Đây là nguồn động viên cổ vũ to lớn cho chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh triển khai Chương trình chuyển đổi số Y tế, góp phần thực hiện thành công Chương trình chuyển đổi số quốc gia theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ. Tôi muốn gửi lời cảm ơn đến Ban tổ chức giải thưởng chuyển đổi số Việt Nam năm 2020.
PGS. TS. Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin, Bộ Y tế (Ảnh: Minh Thuý) |
PV: Xin ông cho biết ý tưởng và kế hoạch xây dựng hồ sơ sức khoẻ điện tử ở Bộ Y tế được bắt đầu như thế nào?
PGS. TS. Trần Quý Tường: Ý tưởng mỗi người dân có một hồ sơ sức khỏe điện tử đã được nung nấu từ rất lâu. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo Bộ Y tế sớm nghiên cứu, xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử cách đây nhiều năm. Trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4 như hiện nay thì việc xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử là rất cần thiết, có tính thời sự cao, bảo đảm cho người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử từ khi bắt đầu cất tiếng khóc chào đời đến khi mất đi, càng cần phải sớm thực hiện.
Đặc biệt, từ khi Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành trung ương (khóa XII) về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới được ban hành đã đưa ra các mục tiêu nhiều giải pháp nhằm nâng cao sức khoẻ cả về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người Việt Nam. Trong đó, mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, 95% dân số được quản lý sức khoẻ; 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm.
Để đạt được mục tiêu trên, Bộ Y tế đã triển khai nhiều giải pháp thực hiện, trong đó có việc triển khai đồng bộ hệ thống công nghệ thông tin trong quản lý trạm y tế, tiêm chủng, quản lý bệnh tật, hồ sơ sức khoẻ người dân gắn với quản lý thẻ, thanh toán bảo hiểm y tế. Nhằm thiết lập hệ thống sổ sức khoẻ điện tử đến từng người dân, đồng thời thực hiện cập nhật các thông tin, chỉ số sức khoẻ khi đi khám sức khoẻ, chữa bệnh, ngày 12/11/2019, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử.
Bản kế hoạch có 4 mục tiêu cụ thể gồm: xây dựng, hoàn thiện hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử, đảm bảo quản lý đầy đủ các thông tin theo quy định tại quyết định số 831/QĐ-BYT ngày 11/03/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế về ban hành mẫu hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, cung cấp các giao diện tương tác với Bộ Y tế, Sở Y tế, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, chuyên gia y tế và người dân; thu thập trực tiếp thông tin sức khỏe của người dân hoặc thu thập từ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh vào hồ sơ sức khỏe điện tử thông qua các tiêu chuẩn của ngành y tế đã ban hành bao gồm tiêu chuẩn quốc tế HL7 và chuẩn định dạng dữ liệu đầu ra sử dụng trong quản lý, giám định và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo Quyết định số 4210/QĐ-BYT ngày 20/9/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Đến năm 2020, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử, tối thiểu 80% người dân được lập hồ sơ sức khỏe điện tử. Hình thành cơ sở dữ liệu về sức khỏe người dân tại Sở Y tế và Trung tâm dữ liệu Y tế Quốc gia. Năm 2025, đạt mục tiêu 95% người dân trên toàn quốc có hồ sơ sức khỏe điện tử, được cập nhật thông tin sức khỏe thường xuyên và được kết nối với tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên cả nước.
PGS. TS. Trần Quý Tường khẳng định hồ sơ sức khỏe điện tử giúp mỗi người dân biết và tự quản lý thông tin sức khỏe liên tục, suốt đời (Ảnh: Minh Thuý) |
PV: Ý nghĩa của việc xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử là như thế nào, thưa ông?
PGS. TS. Trần Quý Tường: Đối với người dân, hồ sơ sức khỏe điện tử giúp mỗi người dân biết và tự quản lý thông tin sức khỏe liên tục, suốt đời của mình. Từ đó, chủ động phòng bệnh, chủ động chăm sóc sức khỏe của mình. Khi đi khám bệnh, thông qua hồ sơ sức khỏe, người bệnh cung cấp cho thầy thuốc hồ sơ sức khỏe, tiền sử bệnh tật và quá trình khám chữa bệnh một cách nhanh chóng, chính xác, đầy đủ tạo thuận lợi cho việc chẩn đoán và điều trị của thầy thuốc.
Đối với người thầy thuốc, hồ sơ sức khỏe điện tử cung cấp cho người thầy thuốc đầy đủ các thông tin về bệnh tật, tiền sử bệnh tật, các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, từ đó kết hợp với thăm khám hiện tại, người thầy thuốc có nhận định về sức khỏe của người bệnh toàn diện hơn, chẩn đoán bệnh kịp thời, chính xác hơn, phát hiện bệnh sớm hơn, điều trị kịp thời khi bệnh còn ở giai đoạn sớm mang lại hiệu quả điều trị cao hơn, giảm bớt chi phí khám bệnh, chữa bệnh của mỗi người dân.
Hơn nữa, khi thông tin về sức khỏe của người bệnh được thông suốt giữa các tuyến sẽ giúp việc chẩn đoán và phối hợp điều trị tốt hơn. Hồ sơ sức khỏe điện tử giúp người thầy thuốc chăm sóc sức khoẻ cho người dân liên tục, toàn diện theo nguyên lý của y học gia đình tốt hơn.
Hồ sơ sức khoẻ bệnh nhân được xây dựng bằng CNTT thay cho hồ giấy trước đây (Ảnh: Minh Thuý) |
Đối với công tác quản lý, việc triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử giúp cho ngành có được dữ liệu về sức khỏe của người dân đầy đủ, chính xác và kịp thời. Đây là cơ sở dữ liệu về sức khỏe rất lớn (big data) của ngành mà việc tổng hợp, phân tích dữ liệu thông tin sẽ giúp ngành y tế có các chỉ đạo rất kịp thời về phòng chống dịch bệnh nói riêng và có được các dự báo, hoạch định chính sách về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân tốt hơn vì có những bằng chứng thực tiễn, có cơ sở khoa học hơn. Mặt khác, big data là nền tảng để phát triển các ứng dụng thông minh phục vụ chăm sóc sức khỏe người dân tốt hơn.
Đối với bảo hiểm y tế, khi thông tin về việc khám, chữa bệnh của người bệnh thông suốt, minh bạch, sẽ giúp cho việc quản lý chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế dễ dàng hơn, góp phần hạn chế việc lạm dụng thuốc và xét nghiệm nếu có.
Như vậy, việc xây dựng hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử rất có ích cho người dân, rất có lợi cho ngành y tế, tạo thuận lợi cho thầy thuốc khi hành nghề, là một nội dung quan trọng có ý nghĩa thực tiễn, có tính thời sự cao trong việc xây dựng y tế điện tử, từng bước ứng dụng và phát triển y tế thông minh, chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, góp phần hiện đại hóa ngành y tế đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
PV: Hồ sơ sức khoẻ điện tử đã phát huy thế mạnh chăm sóc sức khoẻ cho người dân như thế nào khi dịch COVID-19 bùng phát thưa ông?
PGS. TS. Trần Quý Tường: Khi dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam, việc theo dõi và chăm sóc sức khoẻ cho người già, người có bệnh nền là hết sức quan trọng bởi đây là những đối tượng có nguy cơ bệnh nặng khi nhiễm virus SARS-CoV-2. Việc theo dõi sức khoẻ cho người dân giúp việc phòng bệnh và cứu chữa bệnh kịp thời hơn, giảm tử vong do COVID-19.
Nhận thấy tầm quan trọng của việc theo dõi sức khoẻ người già, người cao tuổi mắc bệnh mạn tính khi tình hình dịch COVID-19 phức tạp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo các địa phương triển khai hồ sơ sức khoẻ điện tử. Bộ Y tế cũng đã có văn bản yêu cầu các địa phương đẩy mạnh việc triển khai hồ sơ sức khoẻ điện tử, ưu tiên những người cao tuổi, mắc bệnh mãn tính, và những trường hợp phải cách ly.
Bác sĩ khám bệnh cho bệnh nhân (Ảnh: Minh Thuý) |
PV: Hiện nay Bộ Y tế đang tăng cường khám, chữa bệnh từ xa ở các cơ sở y tế nhằm giúp người dân được tiếp cận với dịch vụ y tế hiện đại. Vậy việc triển khai hồ sơ sức khoẻ điện tử và khám, chữa bệnh từ xa có kết nối với nhau không thưa ông?
PGS. TS. Trần Quý Tường: Đúng vậy, Bộ Y tế đang đẩy mạnh việc tư vấn khám, chữa bệnh từ xa và vừa qua đã công bố hoàn thành 1.000 điểm kết nối y tế từ xa (Telehealth) giữa các bệnh viện, trong đó có việc kết nối các bệnh viện tuyến trên với các bệnh viện ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, giúp cho người dân ở các vùng xa, hẻo lánh vẫn có thể tiếp cận với các thầy thuốc giỏi ở tuyến trên ngay tại địa phương mình.
Để việc tư vấn khám, chữa bệnh từ xa có hiệu quả cao, thì việc kết nối đồng bộ hồ sơ sức khỏe điện tử, hồ sơ bệnh án điện tử của người dân với hệ thống Telehealth là rất cần thiết. Nhờ việc kết nối đồng bộ này mà các thầy thuốc ở tuyến trên mới biết đầy đủ thông tin sức khỏe, bệnh tật của người dân, từ đó việc nhận định, chẩn đoán bệnh chính xác hơn, giúp cho việc cứu chữa bệnh hiệu quả hơn.
PV: Trong quá trình triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử ở các địa phương cóthuận lợi, khó khăn gì, thưa ông?
PGS. TS. Trần Quý Tường: Triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử ở các địa phương có nhiều thuận lợi cơ bản thể hiện qua việc lãnh đạo Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương rất quan tâm và chỉ đạo sát sao việc triển khai phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử trên địa bàn quản lý. Về cơ sở vật chất và hạ tầng kỹ thuật CNTT, hầu hết các trạm y tế xã tương đối khang trang, có đủ máy tính, có mạng internet đáp ứng được yêu cầu triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử; Các trạm y tế đã triển khai ứng dụng CNTT, đã kết nối, trích chuyển dữ liệu khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; Các nhân viên y tế ở trạm có khả năng sử dụng thành thạo máy tính và đã sử dụng được phần mềm khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Bệnh nhân thanh toán viện phí tại bệnh viện (Ảnh: Minh Thuý) |
Về kỹ thuật, phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử do Cục CNTT chủ trì xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế (HL7), có khả năng tiếp nhận được thông tin khám chữa bệnh phục vụ giám định bảo hiểm y tế quy định tại Quyết định số 4210/QĐ-BYT ngày 20/09/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc quy định chuẩn và định dạng dữ liệu đầu ra sử dụng trong quản lý, giám định và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Vì vậy, phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử có khả năng kết nối, liên thông dữ liệu với hầu hết các hệ thống thông tin bệnh viện trên địa bản tỉnh nói riêng và toàn quốc nói chung.
Bên cạnh thuận lợi, khi triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử ở các địa phương gặp phải một số tồn tại, khó khăn chính là: Đây là việc làm mới, chưa có tiền lệ, khi triển khai các địa phương còn lúng túng; Nhiều tỉnh chưa bố trí kinh phí triển khai; người dân chưa thấy hết lợi íchcủa việc triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử, nên chưa tích cực cộng tác, hỗ trợ ngành y tế trong việc triển khai.
PV: Trong thời gian tới, để việc triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử thực sự đi vào thực tế, Cục CNTT cần làm gì?
PGS. TS. Trần Quý Tường: Bên cạnh các công tác chỉ đạo, đôn đốc các địa phương đẩy mạnh triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử theo kế hoạch của Bộ Y tế, Cục CNTT cần tham mưu để Bộ Y tế ban hành các quy định như: Chuẩn kết nối liên thông hồ sơ sức khỏe điện tử với hệ thống mã định danh y tế cho người dân và các hệ thống thông tin y tế liên quan; quy chế sử dụng, quản lý, vận hành, đảm bảo an toàn thông tin hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử; quy định về lập, cập nhật, khai thác hồ sơ sức khỏe điện tử; quy định về cơ chế tài chính để duy trì, vận hành hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử.
+ Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!