Trước đây, các nhà khoa học sử dụng các ánh sáng năng lượng cao (ví dụ tia cực tím) để tạo ra các gốc tự do, tiêu diệt các tế bào ung thư. Song, những tia sáng năng lượng cao này không thể thâm nhập đủ sâu để tiêu diệt các khối u trong cơ thể con người.
Trong khi đó, các hạt ánh sáng năng lượng thấp (ví dụ các hạt từ tia hồng ngoại) có thể xâm nhập sâu vào các khối u, nhưng không đủ năng lượng để tạo ra gốc tự do chống ung thư.
Bằng cách nghiên cứu và phát triển công nghệ “biến hoán mạnh photon”, nhóm nghiên cứu đã thu hẹp khoảng cách giữa 2 công nghệ ánh sáng năng lượng thấp và năng lượng cao. Tia photon vừa có thể thâm nhập sâu vào trong cơ thể, vừa tạo ra các gốc tự do chống ung thư, can thiệp chính xác vào khu vực cần chữa trị, đồng thời, sử dụng các vật liệu không độc hại.
Công nghệ mới này được các nhà khoa học ví von là bước đột phá, chiếc “chén thánh” của khoa học vật liệu. Bởi, họ có thể chuyển đổi photon từ năng lượng thấp sang năng lượng cao hơn bằng cách tận dụng cấu trúc nano tinh thể silicon, từ đó giúp điều trị ung thư hiệu quả.
Không chỉ ứng dụng trong y học, bước đột phá này còn có các ứng dụng bổ sung trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng mặt trời và điện toán lượng tử.
(Theo RT)