Bệnh viện Trung ương Quân đội 108:

Điều trị ung thư thực quản bằng cách mổ nội soi hoàn toàn

VietTimes -- Các bác sĩ của Bệnh viện Trung ương quân đội (TWQĐ) 108 vừa phẫu thuật điều trị ung thư thực quản bằng phương pháp nội soi 2 đường bụng ngực cho bệnh nhân N.V.M (70 tuổi, Bắc Giang). Nhờ ưu điểm của phương pháp mới ít xâm lấn nên ông M. nhanh chóng phục hồi sức khỏe và được ra viện sớm.
Các bác sĩ của Bệnh viện TWQĐ 108 phẫu thuật nội soi chữa ung thư thực quản cho bệnh nhân M.
Các bác sĩ của Bệnh viện TWQĐ 108 phẫu thuật nội soi chữa ung thư thực quản cho bệnh nhân M.

Chiều nay, 18/10, đại diện BV TWQĐ 108 cho hay, khi ông M. nhập viện, các bác sĩ đã xác định ông M. bị ung thư thực quản giai đoạn 2,  là lý do khiến ông thường xuyên đau trước ngực.

Để giải quyết khối u cho ông M. các bác sĩ đã quyết định phẫu thuật cho ông M. Điều đặc biệt, giáo sư Yamada, chuyên gia hàng đầu về phẫu thuật thực quản của Nhật Bản, đã cùng các bác sỹ của Bệnh viện TWQĐ 108 tiến hành ca phẫu thuật theo phương pháp mới: Mổ nội soi hoàn toàn 2 đường bụng ngực, thay thực quản bằng dạ dày đặt sau xương ức.

Chia sẻ thêm về ưu điểm của phương pháp phẫu thuật nội soi hoàn toàn, PGS.TS. Nguyễn Anh Tuấn – Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật Ống tiêu hóa, Bệnh viện TWQĐ 108 - thông tin: "Phương pháp điều trị ung thư thực quản phổ biến hiện nay là phẫu thuật nội soi theo đường ngực, để cắt toàn bộ thực quản. Sau đó mổ mở hoặc mổ nội soi, để cắt một phần dạ dày, tạo thành ống cuốn rồi nối với thực quản ở phần cổ, để phục hồi lưu thông tiêu hóa".

 Theo PGS.TS. Nguyễn Anh Tuấn, phương pháp này rất phức tạp, lại có nhiều hạn chế. Đầu tiên, các bác sĩ phải mổ mở ổ bụng, khiến bệnh nhân phải chịu dau đớn với một vết mổ dài. Bên cạnh đó, ống cuốn làm từ dạ dày dễ bị tổn thương khi xạ trị bổ sung, hoặc khi ung thư thực quản tái phát. Miệng nối ống cuốn và thực quản cổ thường bị thiếu máu nuôi dưỡng, gây ra tình trạng hẹp miệng nối, khiến cho bệnh nhân ăn uống khó khăn, ảnh hưởng đến chất lượng sống.

Trong khi đó, phương pháp mới sẽ khắc phục được những hạn chế của các phương pháp đang được sử dụng phổ biến hiện nay. Bệnh nhân không còn đường mở bụng nên chỉ còn một đường mở duy nhất tại cổ, nên thời gian hồi phục nhanh do các vết mổ nhỏ, hạn chế gây tổn thương tới các cơ quan còn lành lặn khác, giúp hạn chế tai biến, mất an toàn người bệnh.

Nhờ phương pháp phẫu thuật mới, ông M. đã hồi phục nhanh, được ra viện sớm. 

PGS.TS. Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ “Với việc triển khai phương pháp mới, chúng tôi hi vọng sẽ mang lại cho người bệnh ung thư thực quản kết quả điều trị tốt hơn”.