Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên

E-magazine Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Người đến từ vùng dịch không phải F1, F2 khuyến khích tự theo dõi sức khỏe

VietTimes –  Sau khi TP.HCM tái xuất hiện ca nhiễm COVID-19, một số địa phương lập tức yêu cầu người từ TP.HCM đến phải cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú, trong khi nhiều nơi không có yêu cầu trên. Vậy địa phương nào đúng? Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Phó Trưởng BCĐQG phòng, chống dịch COVID-19 sẽ đưa ra lời giải đáp cùng nhiều vấn đề đáng quan tâm về dịch COVID-19.

PV: Sau gần 90 ngày không có ca bệnh ngoài cộng đồng, TP.HCM lại vừa xuất hiện ca lây nhiễm cộng đồng. Một số địa phương lập tức yêu cầu những người đến từ 4 quận ở TP. Hồ Chí Minh phải cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú 14 ngày, trong khi nhiều tỉnh, thành không có yêu cầu trên. Các địa phương này làm như vậy có đúng quy định của Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 (gọi tẳt là BCĐQG) không, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Ngay khi xuất hiện ca bệnh tại cộng đồng ở TP.HCM, Thủ tướng đã họp và chỉ đạo phải quyết liệt ngăn chặn, phát hiện, khoanh vùng dập dịch và điều trị tích cực. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ đạo việc khoanh vùng ở mức hợp lý và áp dụng giãn cách xã hội ở phạm vi nhất định, để không gây tâm lý hoang mang cho người dân, nhằm thực hiện mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế - xã hội vừa phòng, chống dịch.

Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của BCĐQG và hướng dẫn của Bộ Y tế từ trước đến nay với các trường hợp từ vùng dịch đến nhưng không phải là F1 thì tự theo dõi sức khỏe, nếu có biểu hiện sốt, ho, khó thở hoặc triệu chứng nghi ngờ thì báo ngay cho y tế cơ sở để xét nghiệm, tư vấn. Vì thế, một số địa phương yêu cầu người dân đến từ TP.HCM không phải là F1 cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú cần nghiên cứu kỹ các văn bản chỉ đạo của BCĐQG và hướng dẫn của Bộ Y tế, để vừa làm tốt công tác phòng, chống dịch, vừa không gây tâm lý hoang mang cho người dân theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng.

PV: Bộ Y tế có khuyến khích các tỉnh cách ly những người từ TP.HCM đến không, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Đối với những trường hợp đến từ TP.HCM nhưng không phải F1, F2 thì chỉ nên khuyến khích họ tự theo dõi sức khỏe, nếu xuất hiện các triệu chứng sốt, ho, khó thở thì khai báo với cơ sở y tế để được xét nghiệm, tư vấn, vì những người là F1, F2 đã được TP.HCM sàng lọc, theo dõi chặt chẽ từ đầu, lấy mẫu xét nghiệm, đến nay, đều đã có kết quả âm tính với virus SARS –CoV-2.

PV: Các địa phương yêu cầu cách ly người đến từ TP.HCM là không sai, còn các địa phương không yêu cầu cách ly cũng là hợp lý ạ?

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Các tỉnh không yêu cầu cách ly người đến từ TP.HCM là do áp dụng linh hoạt biện pháp phòng, chống dịch. Còn các địa phương yêu cầu cách ly do có thể tỉnh đang vận dụng tinh thần chỉ đạo của BCĐQG là nâng mức cảnh báo cao hơn một cấp để chủ động trong phòng, chống dịch. Thời gian qua, Việt Nam thành công trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 cũng nhờ nâng mức cảnh báo lên một cấp và có thể một số tỉnh cũng vận dụng như vậy.

PV: Giữa các địa phương đang có sự áp dụng không thống nhất về việc phòng, chống dịch, khiến người dân có chút băn khoăn, thưa ông!

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Việc này cũng giống ở Sơn Lôi (Vĩnh Phúc) trước đây. Khi có ca bệnh đầu tiên từ Trung Quốc về, các tỉnh, thành đều yêu cầu người dân đã đến/đi từ tỉnh Vĩnh Phúc phải cách ly. Nhưng về sau, khi hiểu rõ hơn về cơ chế lây bệnh của SARS –CoV-2 và dần hoàn chỉnh các biện pháp phòng chống dịch, chúng ta đã điều chỉnh là chỉ cách ly những người đã đến/đi từ vùng dịch là F1, còn các đối tượng khác yêu cầu về nơi cư trú tự theo dõi sức khỏe.

PV: Việc chỉ đạo khoanh vùng, giãn cách xã hội phạm vi hẹp trên địa bàn TP.HCM chứng tỏ chúng ta đã tự tin hơn trong phòng, chống dịch?

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Với kết quả bước đầu qua 2 giai đoạn chống dịch, chúng ta đã có kinh nghiệm, nên BCĐQG và Bộ Y tế đã có hướng dẫn phù hợp. Trước đây, BCĐQG đề nghị khoanh vùng cách ly 28 ngày nhưng bây giờ là 14 ngày. Trước là khoanh vùng diện rộng thì bây giờ khoanh vùng diện hẹp. Trước đây chỉ đạo giãn cách xã hội diện rộng, nhưng bây giờ chỉ giãn cách xã hội ở những vùng có dịch trong phạm vi phù hợp và chúng ta đã thành công trong phòng, chống dịch thời gian qua, bảo đảm vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế. Bởi nếu chỉ tập trung chống dịch mà không phát triển kinh tế thì không có nguồn lực để bảo đảm an sinh xã hội cũng như không có nguồn kinh phí đảm bảo công tác phòng, chống dịch. Nếu làm tốt công tác phòng, chống dịch sẽ bảo đảm phát triển kinh tế xã hội.

PV: Việc chỉ đạo“khoanh vùng, cách ly trong phạm vi phù hợp” vừa dễ lại vừa khó cho địa phương. Như vậy, thế nào là “phù hợp” thưa Thứ trường?

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Trước đây phát hiện ca bệnh tại một phường, xã thì cách ly cả phường, xã đó, nhưng nay bệnh xuất hiện ở khu vực nào thì cách ly khu vực đó. Điều này đòi hỏi chính quyền địa phương phải xác định rõ phạm vi cách ly và có biện pháp cách ly nghiêm ngặt, như ở Hà Nội chỉ cách ly khu phố Trúc Bạch, Đà Nẵng chỉ cách ly khu vực có ca bệnh.

PV: Thưa ông! Chỉ đạo khoanh vùng hẹp và không phải cách ly người đến từ TP.HCM chứng tỏ sau gần 1 năm “chiến đấu” với dịch, ngành y tế đã hoàn toàn tự tin?

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Không phải tự tin mà là kinh nghiệm được rút ra từ các đợt dịch trước. Khi mới có ca bệnh, chúng ta phải tự mày mò tìm kiếm các biện pháp, sau một thời gian, đến nay cơ bản đã tìm ra nguyên lý đường lây và biện pháp phòng, chống. Kinh nghiệm lớn nhất là phải ngăn chặn từ xa. Những người nhập cảnh phải được cách ly và xét nghiệm ngay; kiểm soát chặt đường biên, cửa khẩu, không để người nhập cảnh trái phép. Nếu phát hiện người dương tính với virus SARS-CoV-2 phải cách ly tuyệt đối và điều trị kịp thời. Kinh nghiệm phòng, chống dịch của Việt Nam đã được đúc kết thành khuyến cáo của Bộ Y tế là 5K, trong đó đặc biệt yêu cầu thực hiện tốt 2K (khẩu trang và khử khuẩn).

Chính vì vậy, khi xuất hiện ca bệnh ở TP.HCM, BCĐQG lập tức chỉ đạo BCĐ phòng, chống dịch TP.HCM vào cuộc. Bộ Y tế và UBND TP.HCM đã chủ động các biện pháp khoanh vùng, cách ly, áp dụng công nghệ thông tin trong truy vết, xây dựng bản đồ an toàn về phòng, chống dịch. Sau khi cách ly thì phải khoanh vùng, dập dịch tại chỗ, phát hiện những trường hợp F1, F2 để xét nghiệm và nếu có bệnh thì phải đưa đi cách ly ngay và điều trị. Vì thế, đến nay, đã 9 ngày trôi qua, TP Hồ Chí Minh không xuất hiện thêm ca nhiễm cộng đồng và tất cả các ca F1, F2 đều âm tính.

PV: Xin Thứ trưởng nói rõ thêm về vấn đề “xây dựng bản đồ an toàn về phòng chống dịch”?

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Bộ Y tế và BCĐQG phòng, chống dịch đã đưa ra tiêu chí đánh giá an toàn cho các khu vực: bệnh viện, trường học, trung tâm thương mại, các cơ sở lưu trú. Các địa phương và các cơ sở y tế tự đánh giá rồi cập nhật lên trang web về mức độ an toàn của khu vực. Người dân khi truy cập vào trang web có thể biết cơ sở y tế nào an toàn hay không để đến khám và điều trị. Hiện, các địa phương đang tiếp tục đánh giá và cập nhật vào bản đồ.

PV: Xin ông cho biết ý kiến về tình hình ở TP.HCM sau khi có ca bệnh xuất hiện tại cộng đồng?

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Khi xuất hiện ca nhiễm tại cộng đồng ở TP Hồ Chí Minh, bằng kinh nghiệm, BCĐQG và Bộ Y tế đã chủ động vào cuộc ngay từ đầu, khoanh vùng, truy vết, cùng hàng loạt biện pháp khác, nên ổ dịch được khống chế rất nhanh. Hiện tại, tình hình dịch tại TP Hồ Chí Minh đang khá ổn định.

PV: Bộ Y tế đánh giá thế nào về tình hình dịch COVID-19 ở Việt Nam trong giai đoạn tới và đã có những giải pháp gì hữu hiệu, thưa ông?

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Mặc dù Việt Nam đã có kết quả trong phòng, chống dịch COVID-19, nhưng nguy cơ xuất hiện ca bệnh tại cộng đồng vẫn luôn hiện hữu.

Biện pháp hiện nay vẫn là nhất quán nguyên tắc ngăn chặn, phát hiện sớm, khoanh vùng, cách ly để dập dịch; sẵn sàng về nhân lực, thuốc men, vật tư y tế để ứng phó trong mọi tình huống. Việc Đà Nẵng, TP.HCM khoanh vùng dập dịch nhanh là do đã chuẩn bị sẵn mọi mặt.

Về lâu dài, phải đẩy mạnh nghiên cứu sản xuất vaccine trong nước và sớm đưa vào sử dụng. Bộ Y tế cũng đang đàm phán với các đối tác nước ngoài để sớm có vaccine.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên trao đổi với PV VietTimes

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên trao đổi với PV VietTimes

Trong công tác phòng chống dịch COVID-19, chúng ta có thuận lợi là có sự chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương đến địa phương, sự vào cuộc của các cấp, ngành và sự đồng lòng của người dân. Chúng ta cũng đã có kinh nghiệm chống dịch và hiện nay, các trang thiết bị, test kit phục vụ chẩn đoán COVID-19 được thị trường cung cấp tốt hơn trước rất nhiều.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Đó là dịch trên thế giới vẫn diễn biến rất phức tạp, chúng ta vẫn phải tổ chức các chuyến bay đưa người Việt Nam về nước và đón chuyên gia nước ngoài sang làm việc. Tại các tỉnh biên giới vẫn phát hiện người nhập cảnh bất hợp pháp, không chịu cách ly theo quy định. Do đó, nguy cơ dịch COVID-19 xâm nhập cộng đồng luôn thường trực.

Thêm nữa, sau thời gian dài không có dịch, nhiều người, kể cả những đơn vị liên quan đến công tác phòng dịch, cũng có sự chủ quan, lơ là. Việc sản xuất vaccine vẫn trong giai đoạn nghiên cứu, dự kiến phải đầu 2022 mới có thể đưa vào sử dụng.

PV: Trong đợt dịch COVID-19, có thể thấy công tác truyền thông của Bộ Y tế mạnh mẽ và bài bản nhất từ trước đến nay. Điều này có ý nghĩa thế nào trong chống dịch, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Quan điểm của Bộ Y tế từ khi có dịch COVID-19 là phải công khai, minh bạch để người dân hiểu được đường lây, biện pháp phòng, chống dịch, từ đó chủ động phòng, chống. Việc công khai diễn biến tình hình dịch sẽ giúp người dân yên tâm. Nhờ thế mà mặc dù ban đầu một số ý kiến còn nghi ngờ Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch, nhưng nay quốc tế đã thừa nhận Việt Nam công khai, minh bạch trong công tác này. Bộ Y tế xác định luôn làm tốt công tác tuyên truyền để người dân không chủ quan và thực hiện tốt khuyến cáo 5K.

PV: Chuyển công tác từ lãnh đạo một địa phương lên làm lãnh đạo Bộ Y tế vào đúng thời điểm dịch COVID-19 xâm nhập vào nước ta, ông có cảm thấy quá khó khăn?

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Sau khi về nhận nhiệm vụ tại Bộ Y tế chỉ được một thời gian rất ngắn thì dịch COVID-19 bùng phát, tôi phải cùng lãnh đạo Bộ tập trung tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và triển khai quyết liệt ngay từ đầu công tác phòng, chống dịch. Đây là bệnh dịch mới nổi, nên bước đầu cũng phải tìm hiểu, nhưng tôi có thuận lợi là ở địa phương đã tham gia chỉ đạo và trực tiếp thực hiện công tác phòng, chống dịch khá lâu. Ca nhiễm SARS đầu tiên ở Việt Nam có liên quan đến địa phương tôi công tác, khi đó tôi cùng các đơn vị y tế của tỉnh trực tiếp tham gia chỉ đạo xử lý.

Cụ thể: Ngày đó, một chuyên gia người Singapore đến Công ty CP may của Hưng Yên làm việc, do mất điện, các phòng phải mở hết cửa. Khi chuyên gia này về Hà Nội thì phát hiện mắc SARS. Chúng tôi nhanh chóng khoanh vùng khử khuẩn, những người tiếp xúc được đi theo dõi sức khỏe. Lúc đó, mặc dù ở BV Việt Pháp còn bị lây sang cả thầy thuốc, có ca tử vong, nhưng những người ở Hưng Yên tiếp xúc với chuyên gia trên thì không ai mắc, nên chúng tôi dự đoán có thể do mở cửa, thông gió.

Vì thế, khi về Bộ Y tế, tôi đã cùng các đồng chí thành viên BCĐ Quốc gia, Bộ Y tế chỉ đạo sát hơn, nhất là khi xảy ra dịch ở Sơn Lôi (Vĩnh Phúc), Hà Nội, Bình Thuận… Sau đó, viết thành sổ tay phòng, chống dịch. Đó là tài liệu cho các địa phương căn cứ triển khai. Khuyến cáo của Bộ Y tế trong phòng dịch COVID-19 cũng là không bật điều hòa, mở thông thoáng cửa và bật quạt. Trong quá trình chống dịch, tôi phải nghiên cứu thêm các tài liệu của nước ngoài, giai đoạn đầu của dịch, nhiều hôm tôi thức cùng anh em ở Bộ Y tế đến 2h sáng. Ngày 30 Tết vừa rồi vẫn phải tập trung nghiên cứu, trao đổi để 0h ngày mùng 1 Tết bắt đầu triển khai việc khai báo y tế đối với những người nhập cảnh Việt Nam!

PV: Khi dịch COVID-19 bùng phát, Anh và một số nước châu Âu chủ trương miễn dịch cộng đồng nhưng Việt Nam đã nói “không”. Thực tế đã chứng minh hướng đi của Việt Nam là đúng. Ông có thể chia sẻ về điều này?

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Ngay khi dịch bùng phát tại một số nước trên thế giới, một số nước cho rằng cần miễn dịch cộng đồng. Ở nước ta khi đó cũng có ý kiến tranh luận, nhưng Bộ Y tế đã dựa trên phân tích khoa học và xác định đã là bệnh thì phải chống, nhất là với loại virus mà chưa hiểu hết về nó. Bộ Y tế đã tham mưu để Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt từ đầu và thành lập ngay BCĐ Quốc gia phòng, chống dịch; nâng mức cảnh báo phòng dịch cao hơn một cấp. Giờ thì Việt Nam đang nghiên cứu sản xuất vaccine để người dân được tiêm vaccine vào đầu năm 2022. Khi nào có trên 70% người dân được tiêm vaccine thì mới có thể nói đến miễn dịch cộng đồng!

PV: Xin trân trọng cám ơn Thứ trưởng đã dành cho VietTimes cuộc trao đổi này!

Thanh Hằng (thực hiện)

Trình bày: Đăng Khoa

Ảnh: Thanh Hằng - Cù Béo - Hải Linh