Thứ trưởng Bộ Y tế chỉ ra 4 việc Bắc Giang phải làm ngay để dập dịch

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Để nhanh chóng dập dịch COVID-19 ở khu công nghiệp, Bắc Giang phải nhanh chóng giải quyết 4 vấn đề quan trọng.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn (Ảnh - BYT)
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn (Ảnh - BYT)

Đây là ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn trong đêm ngày 15/5 khi làm việc với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bắc Giang về công tác phòng chống dịch COVID-19.

Nhanh chóng khoanh vùng, cách ly

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh: Bắc Giang có 4 vấn đề cần phải tập trung trong thời gian tới để dập dịch.

Vấn đề đầu tiên là chống dịch tại khu công nghiệp. Các khu công nghiệp bên cạnh việc đảm bảo sản xuất, đối với những nơi có dịch, tỉnh phải phong toả, cách ly. Nếu khoanh vùng tốt, cách ly tốt thì dịch sẽ không lây lan trên diện rộng.

Vấn đề thứ hai là chống dịch ở khu cách ly. Thứ trưởng nhấn mạnh, bài học của các tỉnh từ Đà Nẵng đến Hải Dương và các địa bàn khác cho thấy nếu tổ chức cách ly dân sự trong tình hình dịch căng thẳng rất khó hiệu quả. Vì thế, Thứ trưởng đề nghị giao cho Ban chỉ huy quân sự tỉnh Bắc Giang phối hợp với quân khu sử dụng đơn vị quân đội để tổ chức khu cách ly. Phải có sự giám sát chặt chẽ, lắp camera để giám sát đảm bảo cho khu cách ly an toàn.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn chỉ đạo tại cuộc họp (Ảnh - BYT)

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn chỉ đạo tại cuộc họp (Ảnh - BYT)

Vấn đề thứ 3 là bệnh viện điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Trong tình hình dịch lan rộng bên cạnh cơ sở y tế hiện hữu, Thứ trưởng yêu cầu Bắc Giang phải trưng dụng các bệnh viện chuyên khoa làm cơ sở tiếp thu điều trị bệnh nhân COVID-19. Tỉnh đã đề xuất 4 bệnh viện dã chiến. Bộ Y tế ủng hộ nhưng Bộ đề xuất, Bắc Giang nên tận dụng cơ sở điều trị và mở rộng quy mô cơ sở đó để điều trị. Ví dụ Bệnh viện Phổi đang có khả năng điều trị cho 200 người, tỉnh có thể nghiên cứu mở rộng lên quy mô 300, 500 giường để dễ huy động lực lượng. Bởi thực tế, vì nguồn nhân lực có hạn mà phân tán ra nhiều bệnh viện sẽ gây ảnh hưởng đến các y, bác sĩ.

Vấn đề cuối cùng là chống dịch trong cộng đồng. Thứ trưởng khẳng định: Tỉnh cần phải hết sức cảnh giác ca COVID-19 trong cộng đồng. Bởi, công nhân ngoài ở nhà máy cũng về nhà và tham gia vào sinh hoạt cộng đồng.

Ngoài ra, Thứ trưởng cũng lưu ý tỉnh cần khởi động tổ COVID-19 cộng đồng để kiểm tra giám sát của đi từng ngõ gõ từng nhà rà từng đối tượng. Vì đây là lực lượng quan trọng để góp phần truy vết, khoanh vùng dập dịch.

Tại buổi làm việc, Bộ Y tế đã mang xuống 4.000 test nhanh hỗ trợ Bắc Giang trong thời gian ngắn, đồng thời, đưa đến địa phương một đoàn chuyên gia để hỗ trợ Bắc Giang phòng chống dịch, trong đó có lãnh đạo Viện y học lao động, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Cục y tế Dự phòng, Cục Quản lý môi trường y tế , và Bệnh viện Bạch Mai. Đây là lực lượng nòng cốt sẽ “cắm chốt” tại đây giúp đỡ hỗ trợ Bắc Giang trong công tác truy vết, điều trị, xét nghiệm.

Dịch lây nhanh trong khu công nghiệp

Theo ông Lê Ánh Dương - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang - tính đến 20h ngày 15/5, Bắc Giang đã có 206 ca mắc COVID-19. Hiện Bắc Giang có 3 vùng dịch. Tuy nhiên, vùng dịch ở công ty Hosiden Việt Nam, Khu CN Quang Châu, huyện Việt Yên đang rất phức tạp.

Ông Lê Ánh Dương - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang (Ảnh - BYT)

Ông Lê Ánh Dương - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang (Ảnh - BYT)

Theo ông Dương, đây là ổ dịch có tốc độ lây lan nhanh, phức tạp do làm việc trong phòng lạnh, khép kín, trần thấp. Qua test nhanh chiều tối ngày 14/5, tỉnh đã phát hiện 12 ca bệnh cùng một phân xưởng số 4. Sau 1 ngày lấy mẫu toàn bộ người lao động, số ca F0 tăng rất nhanh so với ngày đầu tiên, tăng 147 trường hợp. Số ca bệnh phát hiện chiếm tỷ lệ 37,9% trên tổng số mẫu xét nghiệm đã có kết quả.

“Như vậy, tổng cộng từ 14/5 đến chiếu tối 15/5 đã có 159 ca dương tính với SARS- CoV-2, đều là công nhân của phân xưởng, chủ yếu là phân xưởng số 4, có 1 ca của phân xưởng 1 của Công ty TNHH Hosiden Việt Nam ” -ông Dương nói.

Vì thế, tỉnh sẽ xem xét cho dừng lại hoạt động của công ty không đủ điều kiện về phòng chống dịch. Tinh thần là không đóng cửa khu công nghiệp nhưng đóng cửa một số khu công nghiệp nhỏ. Hiện, Bắc Giang đã thành lập Bệnh viện dã chiến số 3 và đã chuẩn bị phương án cho Bệnh viện dã chiến số 4,5. 2 Bệnh viện này đã được chuẩn bị đầy đủ điều kiện để khi cần thiết sẽ đưa vào sử dụng.

Chống dịch bằng “2 chân”

Khuyến cáo về biện pháp phòng, chống dịch cấp bách cho Bắc Giang, PGS.TS. Trần Như Dương - Phó viện trưởng Viện vệ sinh Dịch tễ Trung ương -cho biết: Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên tỉnh không nên để ý đến các công ty, khu công nghiệp mà “quên” truy vết cộng đồng. Chống dịch trong khu công nghiệp phải đồng bộ và đi bằng “2 chân” – 1 chân trong khu công nghiệp và 1 chân trong cộng đồng.

Vì thế, Bắc Giang cần phải kích hoạt ngay tổ COVID cộng đồng trong khu dân cư thì mới nắm được tình hình và truy vết được chính xác. Trong khu công nghiệp, nhà máy phải thành lập tổ an toàn COVID tại đây.

Toàn cảnh cuộc họp khẩn đêm ngày 15/5 tại Bắc Giang (Ảnh - BYT)

Toàn cảnh cuộc họp khẩn đêm ngày 15/5 tại Bắc Giang (Ảnh - BYT)

ThS. Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh – cho rằng: Ngoài việc sàng lọc trong khu công nghiệp, tỉnh phải sàng lọc ở cơ sở khám chữa bệnh, người nhà, nhân viên y tế để không bỏ lọt. Bởi nếu để lọt trong khu khám chữa bệnh sẽ rất phức tạp. Tỉnh phải kích hoạt Bệnh viện dã chiến số 2 đi vào hoạt động, đưa bệnh nhân COVID-19 không có triệu chứng về điều trị. Còn Bệnh viện Đa khoa tỉnh sẽ dành những ca bệnh nặng sau này.

Chia sẻ kinh nghiệm chống dịch, ông Dương Chí Nam - Phó cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế - cho hay: Để công tác khoanh vùng, dập dịch trong khu công nghiệp được tốt, tỉnh cần truy ngay công ty nào cung cấp thực phẩm cho Công ty Hosiden. Bởi công ty cung cấp thực phẩm cho Công ty này sẽ cung cấp cho các công ty khác. Do đó cần rà soát để truy vết ngay.

Mặt khác, từ kinh nghiệm thực tiễn chống dịch ở Hải Dương, ông Nam cho rằng, tỉnh phải có kế hoạch chi tiết, cụ thể ngay từ đầu cho phương án cách ly. Vì nếu không có kế hoạch ngay từ đầu khi thực hiện cách ly đông và tập trung sẽ rất lúng túng. Cần phải tính các phương án về ăn uống ra sao, nguồn thực phẩm thế nào, để đảm bảo an toàn thực phẩm. “Trong khu cách ly mà để ngộ độc thực phẩm thì coi như hệ thống y tế sập”, ông Nam nói.

Một vấn đề nữa mà ông Nam cũng đề cập, đó là đảm bảo an toàn trong khu cách ly, tránh lây chéo. Bắc Giang cần thực hiện giảm mật độ tối đa trong khu cách ly, giảm số người sử dụng chung nhà vệ sinh trong phòng cách ly, đảm bảo nguyên tắc cán bộ y tế và quân đội chỉ khử khuẩn không gian bên ngoài. Còn tại các phòng cách ly phải chuẩn bị cây lau, chậu, hoá chất để người trong phòng tự vệ sinh.

Đồng quan điểm trên, PGS.TS. Trần Như Dương khuyến cáo tỉnh cần dự kiến đưa một khối lượng lớn người đicách ly tập trung nên phải tính toán. Đưa đi nhanh rất quan trọng nhưng phải an toàn. Phải có bài bản, nhịp nhàng. Trước khi đưa lên xe đi cách ly phải tổ chức sàng lọc những đối tượng có nguy cơ như sốt, ho phải bố trí xe riêng chứ không đưa tất cả cùng một xe được.