Quan điểm này được bà Nguyễn Thị Hồng – Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) – đưa ra tại phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội diễn ra vào ngày 6/11.
Thống đốc cho biết, điều hành tăng trưởng tín dụng tiến tới xóa bỏ là một trong các giải pháp điều hành của NHNN, kết hợp với các công cụ chính sách khác. NHNN điều hành bám sát theo Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ.
“Qua tham khảo ý kiến các chuyên gia, nhà quản lý, có thể thấy trong điều kiện hiện nay, chưa thể bỏ việc điều hành tăng trưởng tín dụng, vì nhu cầu vốn của nền kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào tín dụng”, bà Hồng nói.
Phát biểu tranh luận tại phiên họp, đại biểu Hà Sỹ Đồng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị - băn khoăn việc duy trì “room” tín dụng có nguy cơ tạo cơ chế xin cho và nảy sinh các tiêu cực khác hay không?
Trả lời đại biểu Đồng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, thời gian qua, NHNN đã nhiều lần tổ chức các buổi tọa đàm để xin ý kiến chuyên gia và đại biểu Quốc Hội về vấn đề này.
Qua phân tích và đánh giá, các đại biểu đều thống nhất với đặc thù của nền kinh tế Việt Nam hiện nay, vốn phụ thuộc vào vốn tín dụng của ngân hàng rất lớn; tỷ lệ dư nợ trên 120% GDP và đang ở mức cảnh báo theo khuyến nghị của các tổ chức quốc tế.
“Nhu cầu vốn này của hệ thống ngân hàng vẫn còn một nguồn vốn dài hạn từ hệ thống ngân hàng. Vì vậy, nếu bỏ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng có thể tín dụng sẽ tăng rất mạnh, có thể rủi ro đối với hệ thống ngân hàng”, bà Hồng nhấn mạnh.
Hiện nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm việc phát triển phân khúc khác của thị trường vốn như trái phiếu doanh nghiệp để đảm bảo nhu cầu vốn trung và dài hạn. Còn các tổ chức tín dụng chủ yếu cung ứng nguồn vốn ngắn hạn và vốn lưu động.
Để tránh trường hợp tùy ý trong việc phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với tổ chức tín dụng, bà Hồng cho biết NHNN hàng năm có định hướng, nhưng trên cơ sở này cũng có nguyên tắc chung, đó là xếp hạng tín nhiệm của các tổ chức tín dụng.
Ngoài ra, có một số tiêu chí khác như mặt bằng lãi suất giảm, tham gia vào quá trình tái cấu trúc... sẽ được cộng điểm.
Về việc xây dựng đề án tái cơ cấu ngân hàng yếu kém, bà Hồng cho rằng đây là vấn đề rất khó, chưa có tiền lệ, trong khi năng lực cán bộ còn hạn chế, cơ chế chính sách hỗ trợ cần sự giúp đỡ từ các cơ quan liên quan.
“Hiện nay, NHNN đang trong quá trình thực hiện theo tiến độ và trình các cơ quan liên quan”, Thống đốc NHNN cho hay./.