Kiên quyết “xử” nợ xấu
Trao đổi với báo giới về Chỉ thị 01 liên quan đến tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và Chỉ thị 02 về tăng cường xử lý nợ xấu của TCTD ngày 30/1, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho hay, “các TCTD sẽ phải chấp hành phân loại nợ theo Thông tư 02, 09 và tuân thủ các quy định trong Thông tư 36”.
Điều đó có nghĩa là, sẽ không có sự lùi hoãn đối với Thông tư 36 - một quy định quan trọng trong vấn đề đảm bảo an toàn dòng tín dụng chảy vào nền kinh tế, với mục tiêu và kỳ vọng là “nhằm ngăn chặn, hạn chế hiện tượng sở hữu chéo, thao túng, lợi ích nhóm và đầu tư đa ngành...” - theo lời ông Phạm Huyền Anh, Vụ trưởng Vụ Chính sách An toàn hoạt động ngân hàng thuộc Thanh tra giám sát NHNN.
Cũng trong Chỉ thị 02, lần đầu tiên Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình áp thời hạn và hạn mức xử lý nợ xấu cụ thể cho các TCTD.
Theo đó, hàng tháng các tổ chức này buộc phải báo cáo kế hoạch xử lý nợ xấu. Đến 30/6/2015, các TCTD phải xử lý được tối thiểu 60% số nợ xấu phải xử lý theo kế hoạch năm 2015. Riêng chỉ tiêu bán nợ xấu cho VAMC phải đạt không dưới 75% tổng số nợ xấu dự kiến bán cho VAMC cả năm 2015.
Đây là những giải pháp và yêu cầu rất cụ thể, thể hiện sự kiên quyết của người đứng đầu NHNN trong việc đưa tỉ lệ nợ xấu về mức dưới 3% vào cuối năm 2015, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Cũng theo Chỉ thị 02, các biện pháp che giấu nợ xấu, phản ánh sai lệch chất lượng tín dụng và kết quả kinh doanh của các TCTD đều bị nghiêm cấm. Đặc biệt, cơ quan này sẽ xử nghiêm việc lợi dụng xử lý nợ xấu để trục lợi, vi phạm pháp luật, gây thiệt hại cho các ngân hàng.
Một yêu cầu quan trọng khác là hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan tới xử lý nợ xấu; xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án mua, xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường để VAMC thực hiện ngay trong năm 2015. Những vướng mắc trong quá trình xử lý nợ xấu liên quan tới các luật khác như BĐS, DN, Đầu tư,... sẽ được soạn thảo và trình Quốc hội, UBTVQH xem xét.
Hướng tới vĩ mô ổn định
Nếu tại Chỉ thị 02, Thống đốc NHNN yêu cầu các TCTD quyết liệt thực hiện nợ xấu, gắn với tăng trưởng tín dụng có kiểm soát, mở rộng hoạt động kinh doanh và phát triển mạng lưới TCTD theo định hướng trong đề án tái cơ cấu ngành, thì Chỉ thị 01 giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị.
Theo đó, Thống đốc giao các đơn vị tại trụ sở chính NHNN, các chi nhánh NHNN địa phương và các TCTD, nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra (dưới 5%), ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý (6,2%), đảm bảo thanh khoản của các TCTD và nền kinh tế; duy trì ổn định mặt bằng lãi suất, phấn đấu tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay trung, dài hạn thêm từ 1%/năm đến 1,5%/năm.
Trong năm 2015, NHNN định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng 16-18%, tín dụng tăng khoảng 13-15%; ổn định tỷ giá với mức điều chỉnh không quá 2%, ổn định thị trường ngoại tệ, thị trường vàng. Ưu tiên tập trung tín dụng cho các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, DN nhỏ và vừa, DN ứng dụng công nghệ cao.
Chỉ thị 01 cũng nêu rõ, các đơn vị trực thuộc NHNN, các TCTD, chi nhánh NH nước ngoài,... tiếp tục triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015, phấn đấu cơ bản thực hiện đầy đủ các nội dung của Đề án; Điều hành các giải pháp tín dụng linh hoạt theo hướng mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, chất lượng tín dụng...
Bà Nguyễn Thị Hồng cho biết, hai chỉ thị quy định rất chi tiết các nhiệm vụ cụ thể cho từng đối tượng, chỉ cần thực hiện tốt chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả cho hệ thống ngân hàng, góp phần vào sự ổn định kinh tế vĩ mô.
Trong số 17 nhiệm vụ giao cho đơn vị nằm ở trụ sở NHNN, theo bà Hồng, nhiệm vụ rà soát hành lang pháp lý là công việc vô cùng quan trọng, nhất là việc rà soát sửa đổi các văn bản pháp luật phù hợp với Hiến pháp 2013, Luật DN, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Đất đai,...
Một nhiệm vụ khó khăn khác là: các đơn vị tại trụ sở chính phải bám sát kinh tế thế giới và trong nước, bám sát để phản ứng với những diễn biến khó lường của nền kinh tế thế giới thời đại ngay nay. Từ đó, có những phản ứng thích hợp, trách những cú sốc đối với nền kinh tế trong nước.
Với thị trường ngoại hối, NHNN sẽ bám sát, phối kết hợp chính sách tỷ giá, chính sách tiền tệ, chính sách tiền đồng để ổn định thị trường này, ổn định tỷ giá, giảm tình trạng đô-la hóa trong nền kinh tế và tiếp tục nâng cao vị thế tiền đồng Việt Nam.
Về thị trường vàng, theo Phó thống đốc Hồng, thời gian qua thị trường này hoạt động ổn định. Năm 2015, Thống đốc giao tổ chức thực hiện theo Nghị định 24, quản lý thị trường vàng miếng, vàng nguyên liệu, vàng trang sức mỹ nghệ theo hướng thu hẹp thị trường vàng miếng, mở rộng thị trường vàng trang sức mỹ nghệ.
Theo VEF