Thời COVID-19, người dùng "mạnh dạn" mua sắm trực tuyến món hàng giá trị lớn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Hiện tại, hành vi tiêu dùng mua sắm trực tuyến phát triển rất tốt. Do COVID-19 mà những mặt hàng giá trị lớn mà trước kia người tiêu dùng không dám mua thì nay đã mạnh dạn mua sắm trực tuyến.

Nhiều mặt hàng giá trị lớn được mua sắm qua các trang thương mại điện tử
Nhiều mặt hàng giá trị lớn được mua sắm qua các trang thương mại điện tử

Thông tin trên được ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) - nêu tại Diễn đàn Doanh nghiệp chuyển đổi số Việt Nam 2020 với chủ đề “Thoát hiểm và bứt tốc trong COVID-19” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam vừa phối hợp với Liên minh Invest Global tổ chức.

Ông Đặng Hoàng Hải cho rằng COVID-19 đã tạo ra lượng người tham gia vào thị trường thương mại điện tử rất lớn, mua nhiều mặt hàng giá trị lớn mà trước đây họ chưa từng mua. Nhóm logistics rất lạc quan với lượng người tham gia rất lớn, tăng tới 73%.

Theo Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, hiện tại, hành vi tiêu dùng mua sắm trực tuyến phát triển rất tốt. Do COVID-19 mà những mặt hàng trước kia người tiêu dùng không dám mua thì nay đã mạnh dạn mua sắm trực tuyến.

Chung quan điểm với ông Đặng Hoàng Hải về tương lai của nền kinh tế số Việt Nam, ông Nguyễn Minh Vũ - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao - nhìn nhận, hiện Việt Nam đang có lợi thế về chuyển đổi số rất lớn. Dân số gần 100 triệu dân là một thị trường rất lớn. Hơn 70% người dân sử dụng internet, thiết bị thông minh cộng với cộng đồng doanh nghiệp, công nghệ năng động và sự hỗ trợ rất lớn từ Chính phủ là những yếu tố hết sức thuận lợi, tạo tiền đề cho đất nước, các doanh nghiệp phát triển và chuyển đổi số trong giai đoạn tới.

Toàn cảnh diễn đàn.

Toàn cảnh diễn đàn.

Nhắc tới kết hoạch đến năm 2045, Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thuộc nhóm dẫn đầu khu vực châu Á, Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ cho rằng: “Thách thức lớn nhất của việc chuyển lên môi trường số nằm ở vấn đề thay đổi thói quen. Thói quen đó có thay đổi được hay không phụ thuộc rất lớn vào chất lượng nguồn nhân lực, và vào cả quyết tâm của lãnh đạo các doanh nghiệp”.

Chuyển đổi số: Phải có chiến lược phù hợp với chính doanh nghiệp

Tại phiên thảo luận, ông Nguyễn Hoàng Long - Phó Tổng Giám đốc Viettel Post - cho rằng mỗi doanh nghiệp thì đều có chiến lược chuyển đổi số khác nhau. Mỗi doanh nghiệp phải lựa chọn cách đầu tư phù hợp với chính doanh nghiệp mình nhằm mục đích mang sự tiện lợi nhất đến khách hàng.

Ông Nguyễn Hoàng Long - Phó Tổng Giám đốc Viettel Post (người ngồi giữa).

Ông Nguyễn Hoàng Long - Phó Tổng Giám đốc Viettel Post (người ngồi giữa).

Nói riêng đối với doanh nghiệp ngành bưu chính, ông Long cho biết, bưu chính trước kia thường chuyển thư nhưng khi có internet thì thư tay giảm rất nhiều. Hiện thư chủ yếu là thư giao dịch viết tay.

Do đó, “hàng Viettel Post vận chuyển hầu hết là hàng thương mại điện tử. Chúng tôi đã phải trải qua thời gian rất dài để có thời điểm hiện tại, từ việc khách hàng không sử dụng máy tính sang sử dụng máy tính, từ việc sử dụng máy tính chuyển sang điện thoại thông minh. Bây giờ, khách hàng cần thông tin, thì tất cả đều được số hoá, dùng chatbot” - ông Long nêu thực tế triển khai tại doanh nghiệp.

Không chỉ đề cập câu chuyện chuyển đổi số cho doanh nghiệp làm sao để hiệu quả, Phó Tổng giám đốc Viettel Post cũng thẳng thắn bày tỏ quan điểm về trải nghiệm khách hàng mà nhiều doanh nghiệp đang tập trung chuyển đổi số chưa có nhiều thời gian quan tâm. Ông cho rằng việc kinh doanh trong thời đại nào thì cũng đều hướng tới khách hàng và khách hàng hài lòng, thỏa mãn. Điều đó càng đặc biệt quan trọng đối với thương mại điện tử và trong bối cảnh của logistics chuỗi cung ứng với mô hình vận hành hiện đại.

“Chúng ta thấy, trong giao tiếp, nếu như người nhận hàng shipper của chúng tôi đến nhận hàng với thái độ hằn học hoặc làm cho xong việc thì sẽ khác với thái độ ân cần và coi khách hàng là trung tâm, là nguồn nuôi sống chính mình và gia đình” – Phó Tổng giám đốc Viettel Post bày tỏ.

Đánh giá ở khía cạnh nguồn nhân lực để phục vụ, đáp ứng quá trình chuyển đổi số trong giai đoạn tới, ông Trương Anh Dũng - Tổng cục trưởng Tổng Cục giáo dục Nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) - nhận định: "Lợi thế của Việt Nam là có hạ tầng phát triển nhanh, nhân lực trẻ, sáng tạo, thích ứng nhanh. Chúng tôi có 800 trường cao đẳng trung cấp, trước đây học trực tuyến xa lạ nhưng khi COVID-19 xảy ra học trực tuyến được áp dụng phổ biến. Lúc đầu đúng là có tâm lý lo ngại làm sao để học chất lượng, học sinh chưa được trang bị tốt, nhưng đến nay 60% các trường đã tổ chức học trực tuyến, các ứng dụng cũng sẵn có trên mạng để phát triển".

“Tuy nhiên, thách thức hiện nay là thay đổi thói quen, học đi đôi với hành, thực hành liên tục với thầy cô và nhà trường. Thay đổi tất cả sẽ rất khó nhưng trước mắt chúng ta có thể thay đổi nội dung lý thuyết” – ông Trương Anh Dũng nói.

Tại diễn đàn, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam - ông Trử Văn Lâm đánh giá, đại dịch COVID-19 đã tác động và để lại hệ lụy nghiêm trọng đối với hầu hết các nền kinh tế. Ngân hàng Thế giới dự báo năm 2020, nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng âm tới - 5,2% và đây là cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ chiến tranh thế giới lần thứ hai.

Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam Trử Văn Lâm .

Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam Trử Văn Lâm .

Ông cho rằng nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, hội nhập quốc tế sâu rộng, đã và đang chịu nhiều tác động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội. COVID-19 đã tác động trực tiếp đến các ngành sản xuất, xuất nhập khẩu, hàng không, du lịch, y tế, giáo dục, lao động, việc làm. Tuy không rơi vào tình trạng tăng trưởng âm như một số nước, song mức tăng trưởng GDP 2,12% của 9 tháng vừa qua đã trở thành mức thấp nhất trong hơn 10 năm qua.

Doanh nghiệp là lực lượng xung kích và nòng cốt của nền kinh tế, không thể khác, chuyển đổi số là điều kiện sống còn và cấp thiết nhất trong bối cảnh hiện nay. Ông Trử Văn Lâm nhấn mạnh: “COVID-19 chính là nguyên nhân đưa cả thế giới vào cuộc khủng hoảng, nhưng cũng chính là mệnh lệnh khiến cả thế giới phải thay đổi”.