Thiệt thòi đủ đường khi chống dịch, giải pháp nào giúp nhân viên y tế được hưởng đãi ngộ tương xứng?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Theo thống kê của Hội thầy thuốc trẻ Việt Nam, đến hết tháng 12/2021, hơn 62% cán bộ y tế chưa nhận được phụ cấp, hơn 80% không thể chi trả, hoặc chỉ có thể chi trả một phần chi phí sinh hoạt của bản thân và gia đình. 

Toạ đàm đại dịch COVID-19 và chính sách đối với nhân viên y tế (Ảnh - Minh Thuý)
Toạ đàm đại dịch COVID-19 và chính sách đối với nhân viên y tế (Ảnh - Minh Thuý)

Một số địa phương chậm chi trả phụ cấp cho nhân viên y tế

Tại buổi toạ đàm đại dịch COVID-19 và chính sách đối với nhân viên y tế do Cổng thông tin Chính phủ tổ chức vào sáng nay, 21/1, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết: Đại dịch COVID-19 là thách thức lớn với sức khỏe cộng đồng. Tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu là 420 triệu ca, hơn 5,8 triệu ca tử vong với nhiều chủng của virus SARS-CoV-2 như biến thể Delta, Omicron. Tại Việt Nam, cả nước ghi nhận trên 2 triệu ca mắc, hơn 39.000 trường hợp tử vong.

Dịch COVID-19 đã gây áp lực lớn đến hệ thống y tế, nhất là đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế. Với những căng thẳng, áp lực và nguy cơ lây nhiễm luôn thường trực, những chiến sĩ áo trắng vẫn thầm lặng gánh trên vai sứ mệnh cao cả là chữa bệnh cứu người.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên (Ảnh - Minh Thuý)

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên (Ảnh - Minh Thuý)

Theo số liệu nghiên cứu tác động của đại dịch COVID-19 với sức khỏe và điều kiện kinh tế, xã hội, việc làm của cán bộ y tế, do Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam chủ trì khảo sát trên 2.700 nhân viên y tế cả nước tính tới hết tháng 12/2021, cho thấy, hơn 62% cán bộ y tế chưa nhận được bất kỳ một khoản phụ cấp nào, hơn 80% không thể chi trả, hoặc chỉ có thể chi trả một phần chi phí sinh hoạt của bản thân và gia đình.

Thông tin về vấn đề này, ông Tuyên cho hay: Đây là kết quả nghiên cứu về những tác động của đại dịch COVID-19 đối với sức khỏe, điều kiện kinh tế xã hội và việc làm của cán bộ y tế do Hội thầy thuốc trẻ Việt Nam chủ trì khảo sát từ tháng 9-11/2021, được công bố tại Hà Nội ngày 8/12/2021.

Thời điểm đó dịch đang diễn biến phức tạp, cả hệ thống chính trị tập trung cho công tác phòng chống dịch nên việc chi trả chưa kịp thời. Khi đó, tất cả nhân viên y tế lên đường không đòi hỏi gì về chế độ, sẵn sàng làm nhiệm vụ. Ở đâu bệnh nhân cần thì nhân viên y tế có mặt ở đó.

Đến nay, khi dịch cơ bản được kiểm soát, hầu như các đơn vị, địa phương đã chi trả phụ cấp cho nhân viên y tế. Bộ Y tế đã có văn bản gửi các địa phương hướng dẫn về chi trả chế độ cho nhân viên y tế của địa phương, quy định rõ đối tượng được hưởng, thời gian, kinh phí chi trả, đơn vị chi trả.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Bộ Y tế đã nhận được thông tin từ một số địa phương, sau khi dịch đã ổn định nhưng chưa chi trả hỗ trợ công tác phòng chống dịch cho nhân viên y tế. Vì thế, Bộ Y tế đã có công văn gửi y tế các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố khẩn trương chi trả phụ cấp ngành cho nhân viên y tế.

Nhiễm bệnh khi chống dịch, hơn 200 bác sĩ vẫn làm việc

Chia sẻ về những khó khăn mà các bác sĩ phải trải qua trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu – Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội – tâm sự: “Khó khăn lớn nhất của chúng tôi không phải là mệt mỏi, chịu nóng nực, vất vả do công việc, mà là khi người bác sĩ chữa bệnh không giữ lại được tính mạng người bệnh trên tay mình. Có những học trò của chúng tôi không ăn cơm được, bị stress, xin nghỉ phép đóng cửa ở trong phòng 2-3 ngày chỉ vì không thể quên được những ca bệnh mà mình không bảo vệ được”.

PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu – Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (Ảnh - Minh Thuý)

PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu – Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (Ảnh - Minh Thuý)

Hiện nay khi dịch đã chuyển sang giai đoạn mới thì người dân không thể thực hiện "Zero COVID-19" mà phải sống chung với dịch bệnh. Giai đoạn này, điều mà các bác sĩ lo lắng nhất chính là cuộc chiến chống dịch lâu dài, các bác sĩ không biết lúc nào được dừng điều trị COVID-19. Biết là thế nhưng không bác sĩ nào bỏ cuộc, luôn giữ vững tinh thần hết mình vì bệnh nhân.

Theo Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, thời gian qua, hơn 200 bác sĩ của Bệnh viện đã mắc COVID-19. Mặc dù nhiễm bệnh nhưng không ai xin nghỉ, tiếp tục xin xuống Bệnh viện điều trị COVID-19 để chăm sóc cho người bệnh.

“Chúng tôi không sợ COVID-19. Chúng tôi chỉ sợ người dân hoảng loạn, thiếu niềm tin. Sức ép của chúng ta hiện nay là làm sao truyền thông để người dân tin tưởng thực hiện các hướng dẫn, khuyến cáo của ngành y tế. Chúng ta đã có hướng dẫn rất rõ ràng về điều trị COVID-19 tại nhà đối với người lớn như thế nào, đối với trẻ em như thế nào. Rất mong người dân bình tĩnh, giảm sức ép đối với các nhân viên y tế để các bác sĩ tập trung cứu bệnh nhân nặng!” – ông Hiếu nói.

Tháo gỡ nút thắt trong chính sách đãi ngộ với nhân viên y tế

Theo ông Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội – trong 3 năm chiến đấu với đại dịch COVID-19, chúng ta không thể đong đếm hết những khó khăn, hi sinh vất vả của đội ngũ y tế phải gồng mình vượt qua trong thời gian qua.

Hệ thống pháp luật hiện nay đầy đủ, nhưng chưa lường hết các chính sách đối với nhân viên y tế trong đại dịch COVID-19. Việc chậm trễ, không tính đến đặc thù trực tiếp tác động đến nhân viên y tế và các lực lượng tham gia chống dịch đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của họ. Tuy nhiên, các nhân viên y tế vẫn cố gắng vượt qua khó khăn, thách thức để chống dịch.

Ông Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội (Ảnh - VGP)

Ông Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội (Ảnh - VGP)

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội nhận định: Cơ chế, chính sách đối với nhân viên y tế đang tồn tại 3 nút thắt sau:

1. Ngành Y đào tạo dài hơn các ngành khác nên cần có bảng lương phù hợp với quá trình đào tạo.

2. Ngành Y chăm lo sức khoẻ người dân, cần có phụ cấp đặc thù như ngành lực lượng vũ trang.

3. Do đặc thù nghề nghiệp, nhân viên y tế phải đương đầu chống dịch nên họ cần được chăm lo tốt đời sống gia đình và chính bản thân mình.

Nhằm tháo gỡ nút thắt trong chế độ đãi ngộ với nhân viên y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho hay: Trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Y tế đã hết sức quan tâm đến chính sách của nhân viên y tế. Cụ thể, ngay từ khi có đại dịch, Bộ Y tế đã phối hợp với các bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị quyết 37 ngày 29/3/2020, Nghị quyết 16 ngày 8/2/2021 về một số chế độ đặc thù phòng chống dịch COVID-19. Trong đó có nâng phụ cấp lên 2 lần so với quy định cũ. Chế độ phụ chống dịch vừa qua đã phần nào bù đắp đối với lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Bác sĩ chăm sóc bệnh nhân COVID-19 nặng (Ảnh - Minh Thuý)

Bác sĩ chăm sóc bệnh nhân COVID-19 nặng (Ảnh - Minh Thuý)

Hiện, Bộ Y tế đang tiếp tục tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết quy định chế độ tiêm vaccine COVID-19 là 7.500 đồng/mũi/kíp tiêm; chế độ đối với người tình nguyện như học sinh, sinh viên tại các trường đại học, cao đẳng; người có chuyên môn không hưởng lương từ ngân sách nhà nước… để hưởng phụ cấp chống dịch. Cán bộ y tế tham gia chống dịch được hỗ trợ theo 3 mức: 300.000 đồng/người/ngày, 200.000 đồng/người/ngày, 150.000 đồng/người/ngày, tương ứng với từng công việc, và hỗ trợ tiền ăn, chi phí phục vụ sinh hoạt trong thời gian phải ở lại chống dịch.

Ngoài ra, để hỗ trợ lực lượng tuyến đầu tham gia chống dịch, Bộ Y tế đã phối hợp với các bộ, ngành, báo cáo Chính phủ ban hành Nghị quyết điều chỉnh, sửa đổi một số chính sách phòng chống dịch, trong đó nâng phụ cấp phòng chống dịch lên 1,5 lần đối với người lao động, bao gồm cả người tình nguyện, sinh viên, học sinh và người có chuyên môn không hưởng lương ngân sách nhà nước làm việc tại cơ sở điều trị tại TP. HCM, Đồng Nai, Long An, Bình Dương và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương trong thời gian từ 1/8-31/10/2021.

Như vậy, về cơ bản, các chế độ chính sách đối với nhân viên y tế, đặc biệt là cán bộ y tế trực tiếp tham gia chống dịch, đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ quan tâm và chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện.