Sở Y tế TP.HCM lý giải việc hàng ngàn nhân viên y tế đồng loạt xin nghỉ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Giám đốc Sở Y tế TP.HCM - PGS.TS Tăng Chí Thượng trả lời về kịch bản ứng phó với biến chủng mới Omicron và tình trạng hàng ngàn nhân viên y tế xin nghỉ việc.
PGS.TS Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TP.HCM trả lời về tình trạng hàng ngàn nhân viên y tế xin nghỉ việc. Ảnh: Tuổi trẻ
PGS.TS Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TP.HCM trả lời về tình trạng hàng ngàn nhân viên y tế xin nghỉ việc. Ảnh: Tuổi trẻ

Hàng ngàn nhân viên nghỉ việc vì kiệt sức

Tại kỳ họp thứ 4 HĐND TP.HCM khoá X, nhiệm kỳ 2021 – 2026, trong phiên chất vấn Giám đốc Sở Y tế TP.HCM - PGS.TS Tăng Chí Thượng đã trả lời những vấn đề “nóng” liên quan đến dịch bệnh COVID-19.

Đại biểu Tăng Hữu Phong chất vấn Sở Y tế khi số lượng nhân viên y tế cơ sở/10.000 dân tại TP.HCM hiện nay chưa đến 4%. Trong đợt dịch vừa rồi, lực lượng nhân viên y tế phải chống chịu ở mức cao nhất. Ngoài ra, TP.HCM còn phải đối mặt với việc một số nhân viên y tế xin nghỉ việc. Hiện nay quy định biên chế của trạm y tế phường xã là 5 người, nếu phường xã quy mô 18.000 dân thì không quá 10 người. TP.HCM có nhiều phường xã có trên 50.000, 100.000 người trở lên. Cá biệt, có những xã như Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) có 125.000 dân.

Ông Tăng Chí Thượng thừa nhận về phân bổ nhân lực y tế cơ sở, TP.HCM ở mức thấp nhất, chỉ có 2,31 nhân viên/1 vạn dân, thấp hơn Hà Nội (khoảng 8 nhân viên y tế cơ sở/1 vạn dân). Sở Y tế đã có tờ trình UBND TPHCM về củng cố, nâng cao y tế cơ sở, đề xuất chính sách ưu đãi cho nhân viên y tế…

Giám đốc Sở Y tế cho hay: “Các năm trước, bình quân có khoảng 400 – 500 nhân viên y tế xin nghỉ việc mỗi năm. Riêng năm nay, đã có khoảng 1.000 người xin nghỉ, chắc chắn là do kiệt sức sau gần 8 tháng chống dịch”.

Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng cho biết, lãnh đạo ngành y tế TP.HCM tìm cách "giữ chân" nhân viên y tế bằng cách đề xuất các chính sách hỗ trợ thu nhập. Ngoài ra, Sở Y tế cũng vừa kiến nghị cơ chế mới và mong muốn sớm được thông qua.

Đại biểu Tăng Hữu Phong chất vấn GĐ Sở Y tế TP.HCM. Ảnh: Tiền Phong

Đại biểu Tăng Hữu Phong chất vấn GĐ Sở Y tế TP.HCM. Ảnh: Tiền Phong

Đã có kịch bản ứng phó biến chủng Omicron

Về ứng phó với biến chủng mới Omicron, giám đốc Sở Y tế TP.HCM khẳng định ngành y tế liên tục theo dõi sát biến chủng Omicron. Trước mắt, các ca bệnh trên thế giới nhiễm chủng này không diễn tiến nặng. Ông Thượng cũng khẳng định vaccine hiện hữu vẫn có tác dụng đối với chủng mới.

Hiện nay, ngành y tế đã dành riêng Bệnh viện dã chiến số 12 để thu dung, điều trị cho bệnh nhân nhiễm chủng mới (nếu có). BS Thượng cho biết, hiện ngành y tế đang tiến hành giám sát chặt người nhập cảnh vào TP.HCM, làm xét nghiệm nếu có kết quả dương tính sẽ giải trình tự gene ngay. Giám đốc Sở Y tế cũng khẳng định TP.HCM chưa phát hiện biến chủng mới.

Về vấn đề F0 không khai báo với chính quyền địa phương, ông Thượng cho rằng hiện TP.HCM không triển khai tầm soát như trước, mà tập trung xét nghiệm những người có nguy cơ.

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, từ 1/10, khi thành phố gỡ bỏ giãn cách, số ca mắc COVID-19 và số ca tử vong giảm mạnh. Tuy nhiên từ ngày 20/10 đến nay, số ca nhiễm mới, số người tử vong có dấu hiệu tăng trở lại.

Theo PGS.TS Tăng Chí Thượng, tuy số ca mắc tăng nhưng thành phố vẫn ở cấp độ 2. “Chúng tôi cảnh báo TP.HCM vẫn còn trong tình trạng dịch. Số ca nhiễm, tử vong vẫn còn cao, chưa trở lại bình thường như trước đây”, Giám đốc Sở y tế nhấn mạnh.

Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, ngành y tế xây dựng 7 kịch bản điều trị F0 tại nhà, thành lập thêm bệnh viện dã chiến, hình thành các bệnh viện dã chiến 3 tầng; phân cụm để dễ dàng hơn trong việc chuyển tuyến; triển khai chiến dịch bảo vệ người trong nhóm nguy cơ (cao tuổi, bệnh nền, chưa tiêm vắc xin…) bằng tiêm đủ, tiêm nhắc lại, 5K,…