Thành công ở những nước phát triển, hiệu quả hạn chế ở những nước đang phát triển
Theo các chuyên gia của Trường Đại học Y tế Công cộng Harvard – Hoa Kỳ thì tự chủ bệnh viện chính là việc tăng cường chất lượng cung ứng dịch vụ khám chữa bệnh (KCB).
Một công bố của Bộ Y tế Việt Nam chỉ ra Anh là nước thực hiện tự chủ BV khá thành công vào những năm 1980, tạo nền móng cho cải cách toàn diện BV vào những năm tiếp theo. Tính tiếp cận xã hội hoàn toàn được đảm bảo và chính phủ cấp kinh phí cho các hoạt động đào tạo, nghiên cứu. Hoạt động chuyên môn được chú trọng. Bộ Y tế có vai trò mạnh hơn trong việc xác lập các mục tiêu, tiêu chuẩn, kế hoạch để nâng cao dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Tỷ lệ giường bệnh tư nhân trong các BV công chiếm tỷ lệ rất nhỏ < 2%. Không có các bao cấp chéo từ các dịch vụ công ích, không trộn lẫn công tư trong cùng một đợt điều trị. Các bệnh nhân đều có chung chuẩn mực về dịch vụ lâm sàng, thuốc, xét nghiệm.
Tuy nhiên, bối cảnh cải cách BV của Anh rất khác so với các nước có thu nhập thấp, trung bình và các nền kinh tế đang chuyển đổi. Vì thế, Ngân hàng Thế giới đã cảnh báo việc thực hiện tự chủ BV thành công ở các nước phát triển không có nghĩa sẽ thành công ở các nước đang phát triển, vì sự khác biệt về điều kiện kinh tế và hệ thống y tế.
Một bệnh viện tư ở Thái Lan nằm trong top 10 bệnh viện được khuyên đi du lịch chữa bệnh |
Thí điểm tự chủ BV ở Thái Lan cũng thành công với việc nâng cao chất lượng và tăng nguồn thu bằng cách thu hút bệnh nhân bảo hiểm y tế (BHYT); thu phí dịch vụ cao hơn đối với các phòng hạng sang hơn; việc sử dụng thuốc, xét nghiệm chẩn đoán, chẩn đoán hình ảnh cho tất cả bệnh nhân như nhau. Nhân viên BV được tuyển dụng theo Luật tư nhân và BV được tự đặt mức lương cao hơn để thu hút người giỏi.
Tuy nhiên, Thái Lan mới chỉ áp dụng tự chủ ở 1 BV là BV Ban Phaeo và trong bối cảnh Thái Lan đã có BHYT toàn dân – đảm bảo được các chức năng xã hội.
Indonesia lại thực hiện mô hình BV tự chủ và hình thức tư nhân trong cùng BV, như hợp tác với các nhà đầu tư quốc tế để mua sắm máy móc, trang thiết bị kỹ thuật cao, cung cấp dịch vụ giường/phòng nghỉ theo yêu cầu. Việc phối hợp công tư trên đều theo hình thức ký biên bản ghi nhớ.
Song, nghiên cứu của Đại học Harvard về kinh nghiệm thực hiện tự chủ tại 5 nước đang phát triển: Ghana, Kenya, Zimbabwe, Indonesia và Ấn Độ, lại cho thấy kết quả không như mong muốn cả về hiệu quả, chất lượng dịch vụ và trách nhiệm giải trình. Bởi BV tự chủ vẫn là một khái niệm khá mới, khả năng quản lý BV kém hiệu quả, các BV không có kế hoạch tài chính bền vững và thiếu hệ thống thông tin đầy đủ, chính xác.
Một nghiên cứu của Thomas Bossert tại 10 BV của Indonesia chỉ ra: Nguồn kinh phí cho BV tự chủ tăng lên, đặc biệt có sự cải thiện về công tác quản lý, nhưng lại phát sinh mất công bằng, giá viện phí tăng khá cao, khả năng tiếp cận dịch vụ của người nghèo giảm đi rõ rệt, hiệu quả hoạt động và công tác nhân sự không rõ rệt.
Công bố cũng cho thấy tự chủ BV ở Trung Quốc ít thành công, khi làm cho các BV theo đuổi lợi ích kinh tế và mở rộng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị một cách hỗn loạn. Các khuyến khích tự chủ tài chính làm suy yếu tính quản lý, dẫn tới việc vận hành không theo quy định của nhà nước. Các BV công vận hành như một BV tư trong một hệ thống phí dịch vụ không được quản lý. Việc định giá dịch vụ và BHYT không bảo vệ trách nhiệm xã hội của BV để cung cấp dịch vụ có chất lượng cho người nghèo và cải thiện y tế công cộng.
Bên cạnh đó, việc cung ứng thuốc, dịch vụ kỹ thuật cao và các dịch vụ tư nhân không hợp lý, lạm dụng cho các bệnh nhân giàu có, làm tăng chi phí y tế. Đặc biệt, đã xảy ra xung đột và mất lòng tin giữa bệnh nhân và BV.
Nguyên căn
32 công trình nghiên cứu về hiệu quả tự chủ của các BV công lập tại 19 nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, đăng trên tạp chí Health Policy and Planning - 2018, cũng chỉ ra: Khác với các nước phát triển, các BV công lập tại các nước đang phát triển gặp nhiều thách thức khi chuyển đổi sang cơ chế tự chủ tài chính.
Ca mổ ung thư ỏ Bệnh viện Trung ương Huế |
Theo các công trình nghiên cứu, nguyên nhân khiến các nước đang phát triển phải chuyển đổi các BV công sang cơ chế tự chủ là do: Phương thức quản lý quan liêu truyền thống không khuyến khích các nhà quản lý BV nỗ lực cải thiện hiệu quả hoạt động của BV; tham nhũng; sử dụng quá nhiều tài nguyên nhưng hiệu quả kém, chất lượng dịch vụ KCB không đáp ứng yêu cầu, người bệnh và nhân viên y tế không hài lòng. Mô hình tự chủ BV được xem như một giải pháp tăng cường hiệu quả của các BV.
Về chất lượng chăm sóc: 2 nghiên cứu về các BV ở Indonesia có sự cải thiện về hài lòng của người bệnh, trong khi 1 nghiên cứu về các BV Trung Quốc cho thấy ngược lại, và 1 nghiên cứu ở Colombia không thấy ảnh hưởng đáng kể về điều này.
Các nghiên cứu tại Việt Nam và Afghanistan đã đề cập đến ảnh hưởng của tự chủ BV đối với tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong. Ở Việt Nam, tự chủ BV không ảnh hưởng đáng kể đến tỷ lệ tử vong của người bệnh tại BV, trong khi ở Afghanistan thì làm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong, do tăng khả năng kiểm soát nhiễm trùng BV.
Tự chủ BV đã cải thiện chất lượng các dịch vụ hỗ trợ tại BV (như bảo trì tòa nhà và thiết bị, dịch vụ khách hàng) ở Trung Quốc, Kenya, Việt Nam, Ấn Độ và Afghanistan.
Hai nghiên cứu ở Indonesia đã chỉ ra rằng tự chủ BV không ảnh hưởng đáng kể đến hiệu quả hoạt động. Về công suất sử dụng giường, cho thấy sự gia tăng tỷ lệ lấp đầy giường ở Kenya và Columbia, trong khi không có thay đổi nào đáng kể ở Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam, và giảm ở Indonesia.
Một chỉ tiêu khác đã được đánh giá là thời gian nằm viện. Các nghiên cứu ở Indonesia và Việt Nam cho thấy thời gian nằm viện ngắn hơn, trong khi ở Kenya cho thấy thời gian nằm viện trung bình dài hơn.
Các nghiên cứu thực hiện tại các BV ở Việt Nam, Indonesia, Uganda và Zambia cho thấy tự chủ BV đã định hình lại chất lượng dịch vụ dựa trên khả năng chi trả của người bệnh. Các nghiên cứu ở Việt Nam, Trung Quốc và Colombia cho thấy sự gia tăng số lượng dịch vụ chẩn đoán sau khi triển khai tự chủ BV, còn tại Pakistan cho thấy dẫn đến việc không có sẵn các loại thuốc thiết yếu.
Các nghiên cứu ở 6 quốc gia cho thấy quyền tự chủ của BV khiến cho tăng cường chăm sóc đặc biệt và cung cấp các dịch vụ chuyên biệt có nguồn thu tốt hơn, bỏ qua các dịch vụ cơ bản và xem nhẹ chăm sóc ngoại trú. Hơn nữa, tự chủ đã làm tăng khối lượng hoạt động và thủ thuật của BV.
3 công trình nghiên cứu đã chỉ ra: Một trong những tác động quan trọng nhất của tự chủ BV là làm giảm chức năng xã hội của BV, đồng thời, gia tăng chi phí mua sắm.
Kết quả nghiên cứu về quyền tự chủ BV ở Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia, Việt Nam, Ấn Độ và Trung Quốc cho thấy sự gia tăng doanh thu của các BV thông qua việc huy động vốn đầu tư vào các lĩnh vực khác nhau, từ nguồn thu hoạt động KCB. Mặt khác, tự chủ làm tăng chi phí BV, nhưng giúp giảm chi phí vận hành, không ảnh hưởng đến tổng chi phí và tăng kiểm soát chi phí.
Tự chủ BV giúp cải tiến về nguồn nhân lực, bao gồm cải thiện động lực, thu nhập, đào tạo và kỹ năng. Tuy nhiên, lại gia tăng chi phí gia đình, chi trả trực tiếp từ tiền túi nếu BHYT chưa bao phủ toàn dân.
Từ những thành công và cả không thành công của việc tự chủ BV tại các nước, các chuyên gia đã đưa ra bài học kinh nghiệm: Việc cải cách về tổ chức BV phải thiết kế phù hợp với điều kiện từng nước/địa phương. Cần phải có các chính sách đồng bộ, ổn định, các cơ quan của chính phủ đủ mạnh với năng lực thực hiện tốt và sự tín nhiệm. Những cuộc cải cách phức tạp cần phải có các chính sách đồng bộ, ổn định, các cơ quan của chính phủ đủ mạnh với năng lực thực hiện tốt và sự tín nhiệm./.