Thế giới của sự thông đồng

 Chỉ định thầu, nạn quân xanh quân đỏ... trong các dự án xây dựng hạ tầng đang tạo mảnh đất màu mỡ cho sự thông đồng, trục lợi, chia chác, mà kẻ gánh chịu cuối cùng chính là người dân.
Xây dựng cơ bản là một trong những mảnh đất màu mỡ cho sự thông đồng, trục lợi, tham nhũng, bòn rút. Ảnh: KINH LUÂN
Xây dựng cơ bản là một trong những mảnh đất màu mỡ cho sự thông đồng, trục lợi, tham nhũng, bòn rút. Ảnh: KINH LUÂN

Đấu thầu thì bát nháo

Hồi cuối tháng 6 vừa qua, lãnh đạo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Hà Nội đã ra một quyết định hiếm có: hủy kết quả đấu thầu, và truất quyền mời thầu của một tổ chức ở Bình Định. Động thái này được ADB đưa ra sau khi một số doanh nghiệp phản ánh họ bị một nhóm người dùng vũ lực tấn công, và cướp hồ sơ đấu thầu ngay tại cổng Ban Quản lý dự án thủy lợi tỉnh Bình Định, trong khi một số doanh nghiệp khác không thể nộp hồ sơ đấu thầu vì ban này đóng cửa.

Là nhà tài trợ cho dự án, ADB đã rất quan ngại, và hành động ngay. Ông Đặng Hữu Cự, cán bộ cấp cao phụ trách quan hệ đối ngoại của ADB tại Việt Nam, nhớ lại: “Chính sách của chúng tôi về mua sắm, đấu thầu là minh bạch, công bằng. Chúng tôi phải quyết định như vậy khi phát hiện ra những vi phạm nguyên tắc của ADB”.

Câu chuyện trên, đáng tiếc, chỉ là hy hữu trên truyền thông. Song, dù sao, nó giúp hé lộ một phần rất nhỏ của thế giới ngầm giữa nhà thầu và chủ đầu tư ở nhiều lĩnh vực, nhất là xây dựng cơ bản. Thế giới đó lâu nay luôn bí ẩn, thiếu minh bạch, là mảnh đất màu mỡ cho sự thông đồng, trục lợi, tham nhũng, bòn rút qua kiểu “cướp giật” trắng trợn như trên, hay vô vàn cách thức khác như chỉ định thầu, thông thầu, “quân xanh, quân đỏ”, môi giới...

Có vô vàn câu chuyện để minh họa. Một cơ quan thuộc một bộ nọ lên kế hoạch cải tạo nhà vệ sinh, xây thêm một số hạng mục nhỏ với giá trị khoảng 1 tỉ đồng vốn ngân sách. Biết được kế hoạch đó, một doanh nghiệp đến gặp cán bộ liên quan đặt vấn đề, tôi sẽ xin cho ông hẳn 10 tỉ để cải tạo toàn bộ cơ quan, với điều kiện tôi phải là người thắng thầu thi công. Gật đầu. Vậy là mấy tháng sau cả trụ sở cơ quan đã được tân trang.

Ở cấp cao hơn, có doanh nghiệp kể còn có thể xin được tiền xây dựng cả con đường, hay công trình lớn cho một tỉnh. Điều kiện đặt ra đơn giản: tỉnh đưa ra chủ trương để doanh nghiệp có cớ để “chạy”, và sau đó, phải được chấm thắng thầu thi công chính công trình đó. Tất nhiên, lãnh đạo tỉnh nhất trí vì tiện cả đôi đường. Trong khi đó, một doanh nghiệp xây dựng kể thêm, sau khi được “bố trí” thắng thầu một dự án xây dựng cơ sở hạ tầng ở nông thôn, anh này phải cúng liền 30% “thóc thật” dù chưa nhận được xu nào để triển khai dự án. Nếu không làm vậy, đương nhiên, không bao giờ doanh nghiệp thắng được thầu.

Những nét chấm phá như trên cho thấy, các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, nơi có Luật Đấu thầu, Nghị định 63... như là hành lang để giám sát còn đầy rẫy các vấn đề như vậy.

Đây là điều lý giải vì sao cơn khát đầu tư công không thể kiềm chế được. Chẳng hạn, trong năm 2014, chính quyền các địa phương đã chi cho xây dựng tới 186.779 tỉ đồng, tăng 51,2% (63.289 tỉ đồng) so với dự toán. Ở bình diện cả nước, chuyện này cũng tương tự. Quốc hội quyết định và giao Chính phủ chi cho đầu tư phát triển là 163.000 tỉ đồng, song quyết toán 248.452 tỉ đồng, vượt 52,4% (85.452 tỉ đồng) dự toán.

Câu hỏi đặt ra, tình hình là như thế nào ở những dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn do tư nhân đầu tư? Liệu có tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, thông thầu giữa quan chức và chủ đầu tư, mà hệ lụy cuối cùng là chất lượng công trình thì yếu kém, tài nguyên quốc gia bị chia chác, và người dân bị bóc lột? Đó là những câu hỏi đáng giá, khi thu hút tư nhân vào xây dựng cơ sở hạ tầng đã trở thành chủ trương lớn, và các dự án đường sá BOT lại đang gây phản ứng dữ dội.

Chỉ định thầu cũng không khá hơn

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hiện tại trên cả nước có 96 trạm thu phí BOT, quy hoạch đến năm 2020 sẽ tăng lên 102 trạm thu và đến năm 2030 là 121 trạm thu phí BOT. Trong khi đó, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, có 69 dự án BOT do bộ triển khai trong giai đoạn 2011-2015. Tất cả dự án này đều chỉ định nhà đầu tư. Mặc dù vậy, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường cho rằng, quá trình này là “rất chặt chẽ”. Bộ Giao thông Vận tải là cơ quan quản lý dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan cấp phép, Bộ Tư pháp là cơ quan thẩm định hợp đồng, Bộ Tài chính là cơ quan thẩm định về giá và phí cho dự án. Như vậy, ít nhất có bốn bộ tham gia vào việc thẩm định, cấp phép cho một dự án BOT.

Lời giải thích đó, ở một góc độ nào đó, là đúng. Lý do, các cơ quan này cứ căn cứ vào Luật Đấu thầu. Luật này đang có hàng loạt quy định về đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu mà khi vận dụng, người ta dễ dàng biện minh cho việc 100% các dự án BOT được chỉ định. Chẳng hạn, mục 4, Điều 22 quy định, chỉ định thầu đối với nhà đầu tư được áp dụng trong trường hợp “chỉ có một nhà đầu tư đăng ký thực hiện”. Đó chính là lý do mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội tỏ ra lo ngại: “Quy định về hình thức chọn lựa nhà thầu không cần đấu thầu, chỉ cần thẩm định dự án; về vốn chỉ cần nhà thầu có 10-15% vốn đầu tư... là chưa phù hợp”.

“Lỗ hổng” rõ ràng là mảnh đất của sự thông đồng. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói: “Người ta bắt tay chia chác. Dự án ở tỉnh tôi, tôi sẽ chỉ định cho công ty sân sau của anh, và dự án của tỉnh anh, thì anh chấm cho công ty sân sau của tôi. Đó là khi người ta còn ngại. Nhưng thực tế là người ta không còn ngại, mà chỉ định luôn cho sân sau của mình”.

Đối với các dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng BT, BOT, do quy định về cách xác định lưu lượng phương tiện qua trạm thu phí và chỉ tiêu lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư chưa đầy đủ, thiếu chặt chẽ dẫn đến việc xác định một số chỉ tiêu trong phương án tài chính của các nhà đầu tư chỉ dựa trên kết quả khảo sát thực tế ngắn ngày của đơn vị tư vấn hoặc tham khảo các hợp đồng tương tự đã thực hiện.

Việc huy động tư nhân tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng là chủ trương đúng đắn. Song, một khi không có đấu thầu, thiếu minh bạch, và không cạnh tranh, thì đó chính là mảnh đất màu mỡ để các bên thông đồng, bòn rút, mà gánh chịu cuối cùng chính là người dân. Được biết, Quốc hội đã lên kế hoạch giám sát các dự án BOT này.

Theo TBKTSG