Thấy gì từ dịch vụ cho thuê xe đạp công cộng mới ra mắt tại Hà Nội?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Xe đạp công cộng Hà Nội nằm trong dự án "Xe đạp đô thị" được UBND thành phố Hà Nội giao cho Sở Giao thông Vận tải và Tập đoàn Trí Nam thực hiện.

Thấy gì từ dịch vụ cho thuê xe đạp công cộng mới ra mắt tại Hà Nội?

Tuần qua, dịch vụ cho thuê xe đạp công cộng do Sở Giao thông Vận tải Hà Nội phối hợp với Tập đoàn Trí Nam thực hiện đã chính thức được triển khai tại Thủ đô.

Dự án này đã được Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đệ trình lên UBND thành phố từ tháng 3 năm 2022 với dự tính triển khai vào cuối năm 2022, nhưng do nhà đầu tư (Tập đoàn Trí Nam) muốn áp dụng thêm loại xe điện trợ lực, có tay ga, nên đã cần thêm thời gian để nghiên cứu, tối ưu phương thức vận hành.

Theo kế hoạch, dự án sẽ được đầu tư theo 2 giai đoạn, giai đoạn đầu Tập đoàn Trí Nam sẽ triển khai dịch vụ tại 6 quận trung tâm Hà Nội bao gồm: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Tây Hồ và Thanh Xuân.

Ông Đào Việt Long, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, Sở đã phối hợp với 6 quận nói trên hoàn thành bàn giao mặt bằng để Tập đoàn Trí Nam triển khai dịch vụ. Hiện Trí Nam đã thiết lập xong 78/79 trạm cho thuê xe trên địa bàn 6 quận.

vt_xe dap 2.jpg

Trong giai đoạn đầu, dự kiến Trí Nam sẽ cung cấp 500 xe đạp cơ và 500 xe đạp điện tại 79 trạm cho thuê xe rải rác khắp địa bàn 6 quận trung tâm Hà Nội. Tổng vốn đầu tư của giai đoạn 1 là từ 18-20 tỉ đồng, được triển khai thí điểm trong 12 tháng.

vt_xe dap 3.jpg

Giai đoạn 2, đơn vị đầu tư sẽ mở rộng phục vụ tại các quận trung tâm khác và lân cận trung tâm. Quy mô đầu tư khoảng 3.000 xe đạp, bố trí tại 350 địa điểm.

vt_xe dap 7.jpg

Theo quan sát của phóng viên VietTimes, các trạm cho thuê xe đạp được đặt gần các trạm chờ xe buýt, để người dân sau khi xuống xe buýt có thể tiếp tục di chuyển bằng xe đạp công cộng nếu có nhu cầu.

vt_xe dap 4.jpg

Để thuê xe đạp công cộng, người dân cần sử dụng điện thoại thông minh, tải app TNGo trên kho ứng dụng App Store hoặc Google Play Store. Sau khi cài đặt, người dân thực hiện đăng ký mở tài khoản trên app, sau đó kết nối ví điện tử và tiến hành nạp tiền để thanh toán cho các lượt thuê xe.

vt_xe dap 0.jpg

Số tiền thuê xe đạp cơ mỗi 30 phút là 5.000 đồng và người dùng phải trả thêm 1.000 đồng phí bảo hiểm. Sau 30 phút, nếu thuê tiếp, người dùng phải trả 1.000 đồng cho mỗi 6 phút tiếp theo. Theo Tập đoàn Trí Nam, người dùng cũng có thể mua vé ngày hoặc vé tháng nếu có nhu cầu. Còn đối với xe đạp điện, người dùng sẽ trả 10.000 đồng cho mỗi 30 phút thuê xe.

vt_xe dap 5.jpg

App TNGo cũng khá dễ sử dụng. Trên app cung cấp 2 cách tìm trạm cho thuê xe: tìm qua bản đồ hoặc tìm qua địa chỉ/khu vực.

vt_xe dap 20.jpg
vt_xe dap 19.jpg
vt_xe dap 6.jpg

Nhìn chung, những chiếc xe đạp cho thuê có chiều cao yên vừa phải, người dưới 1m6 có thể vận hành thoải mái. Giỏ xe phía trước rộng rãi, có thể đựng túi xách to và có ngăn để chai nước.

vt_xe dap 8.jpg

Phía trước có giá để điện thoại để người dùng tiện sử dụng điện thoại khi cần hoặc theo dõi bản đồ hành trình di chuyển.

vt_xe dap 9.jpg

Phần khóa bánh xe được trang bị công nghệ nhận dạng tín hiệu RFID. Khi người dùng mở app và quét mã để thanh toán, khóa xe sẽ được mở. Trong quá trình sử dụng dịch vụ, khi để xe tại các địa điểm mà người dùng quên không khóa xe, hệ thống sẽ phát hiện và báo cho nhân viên vận hành để họ gọi điện, liên lạc với người thuê xe.

vt_xe dap 10.jpg

Những chiếc xe đạp cơ và xe đạp điện cho thuê đều có hệ thống vành nan hoa, trái ngược với một số hình ảnh rò rỉ trước đây cho thấy xe đạp điện có vành mâm đúc.

vt_xe dap 11.jpg

Phóng viên VietTimes đã tới trụ sở của Tập đoàn Trí Nam ở 446 Đội Cấn. Tại đây, các nhân viên kỹ thuật đang lắp ráp các chiếc xe điện để đưa ra các trạm cho thuê xe. Hiện đa phần các trạm cho thuê xe mới chỉ có sự hiện diện của xe đạp cơ, rất ít xe đạp điện.

vt_xe dap 12.jpg

Xe đạp điện của Trí Nam có đặc điểm khác với xe đạp cơ là có pin lắp ở khung xe và có 2 đèn ở đầu xe và gần đuôi xe, thuận tiện cho người dùng di chuyển vào buổi tối. Một kỹ thuật viên của Trí Nam cho biết tốc độ lưu thông của xe đạp điện khi chạy pin được giới hạn tối đa 20 km/h. Khi hết pin, người dùng vẫn có thể đạp xe về trạm.

vt_xe dap 13.jpg
vt_xe dap 14.jpg

Mỗi chiếc xe đạp cơ và xe đạp điện đều được gắn biển số phía trước giỏ xe.

vt_xe dap 15.jpg

Bạn Linh ở Tây Hồ - một người thuê xe đạp điện, chia sẻ với phóng viên VietTimes rằng bạn đã biết đến dịch vụ này qua quảng cáo trên Facebook và TikTok. Bạn đã tới đây để trải nghiệm dịch vụ thuê xe đạp điện. Bạn nói rằng phương tiện này sẽ giúp người dân rèn luyện sức khỏe, đồng thời góp phần làm cho thành phố xanh hơn.

vt_xe dap 16.jpg

Trên một số diễn đàn Facebook, nhiều người hy vọng rằng dịch vụ này sẽ ngày càng được mở rộng để tăng cường dịch vụ công cộng thay thế cho xe máy, góp phần làm Thủ đô xanh, sạch, đẹp hơn.

vt_xe dap 17.jpg

Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến tỏ ý hoài nghi về dịch vụ này. Họ dẫn chứng dịch vụ này cũng từng nở rộ tại Trung Quốc, nhưng sau một thời gian các startup cho thuê xe đạp đều đã phá sản, để lại cho các thành phố những bãi rác xe đạp hỏng. Họ nói rằng dịch vụ này không phù hợp tại Việt Nam vì người dân đang sử dụng xe máy cũng rất thuận tiện, cũng như chưa có làn đường ưu tiên dành riêng cho xe đạp, vì thế đây không phải là phương tiện di chuyển tối ưu. Nó chỉ phù hợp với các thành phố có dịch vụ giao thông công cộng phát triển với tàu điện ngầm, xe buýt và tàu trên cao.

vt_30 tet.jpeg

Dù sao đây cũng là một dịch vụ mới mẻ và rất hữu ích đối với những người muốn một phương tiện di chuyển xanh. Theo Tập đoàn Trí Nam, trước khi thí điểm tại Hà Nội, dịch vụ này đã được triển khai tại TP.HCM, Hải Phòng và Đà Nẵng. Sau 10 ngày triển khai tại TP.HCM (vào cuối năm 2022), dịch vụ đã thu hút được 19.000 lượt sử dụng.

Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, dịch vụ xe đạp công cộng tận dụng nguồn vốn xã hội hóa, không sử dụng ngân sách nhà nước, phù hợp với chủ trương của Chính phủ và Thành phố trong việc thu hút đầu tư xã hội hoá trong phát triển giao thông công cộng.

vt_xe dap 18.jpg