Thanh Đàm: “Vui sôi nổi đạp cành sương, bóng tối”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Thơ của Thanh Đàm không chỉ đơn thuần là thơ, đó là tiếng hát của ông, thế hệ ông, trên đường ra mặt trận vì độc lập tự do của tổ quốc!

“… Tôi nhớ lúc chung đường anh mở lối/ Ta song song cùng dội tiếng chân ca/ Vui sôi nổi đạp cành sương, bóng tối/ Đón vừng hồng hé rạng ngọn đồi xa…” (Tên anh là ngọn lửa- Thơ, không chỉ đơn thuần là thơ, đó là tiếng hát của Thanh Đàm và thế hệ ông trên đường ra mặt trận!

Sinh thời, trong một lần trò chuyện về văn chương và việc đi làm cách mạng, nhà thơ Tố Hữu nói với tôi rằng: “Tôi đi làm cách mạng không phải là muốn hay không muốn, mà là cuộc đời vốn phải thế. Trong xã hội có người cầm cày, có người cầm búa, có người cầm súng, lại phải có người cầm bút chứ. Nếu người nào có khả năng gì thì nên sử dụng triệt để khả năng đó. Người ta nói: “Chính trị tức là nghệ thuật sử dụng khả năng”. Tôi làm chính trị tức là sử dụng khả năng làm thơ của mình để làm cách mạng”.

Thế hệ ông là vậy, cầm cày, cầm búa, làm thơ cũng như cầm súng, đều có mục đích cao cả là đánh đuổi quân thù, vì độc lập, tự do của dân tộc.

Với Thanh Đàm cũng vậy, ông là chiến sĩ cầm súng, bằng những vần thơ của mình ông khích lệ, cổ vũ, động viên tinh thần đồng chí, đồng đội vượt qua khó khăn, gian khổ, thậm chí hy sinh xương máu vì nền độc lập, tự do thiêng liêng ấy.

Nhà thơ, người chiến sĩ cách mạng trung kiên Thanh Đàm- Võ Quyết.

Nhà thơ, người chiến sĩ cách mạng trung kiên Thanh Đàm- Võ Quyết.

Vừa cầm súng chiến đấu, rồi sau này tham gia công tác chính quyền Thanh Đàm vẫn dành ra cho mình một khoảng lặng để sống với thi ca. Khi nói về thơ mình, ông viết: “Thơ của tôi có đạt “chất thơ” ở một đôi chữ, một đôi câu, một đôi bài gì đó theo sự chỉ bảo của một số bạn, không phải là tôi có tài năng gì riêng biệt mà chính là do sự ham thích, cần cù, cố gắng suy nghĩ và học tập; môi trường sống và hoạt động cũng đã quyết định hướng đi và phương pháp sáng tác của tôi”.

Tuy nhiên, những lời tự nhận hết sức khiêm nhường ấy vẫn không làm giảm đi sức hút của thơ ông với người đọc.

Nhà thơ Hải Đường viết: “Những vần thơ mộc mạc, vút lên từ ngày đầu chàng trai trẻ rời gia đình, ruộng đồng, làng xóm gia nhập du kích quân với niềm căm thù giặc đến tận xương tủy và một niềm phấn khởi, tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng: “Đường đi mình lại với mình/ Bước vui chân lại đếm tình non sông” (Qua Eo Gió). Hãy nghe người đội viên du kích kể về đội của mình: “Đoàn chúng ta người bốn phương hợp lại/ Bởi dây tình cách mạng quấn vào nhau/ Rừng Ngọc Trạo một ngày ta nhớ mãi/ Đời tự do, đây cuộc sông bắt đầu” (Đoàn Du kích chúng ta).

Gian khổ, thiếu thốn không ngăn được tâm hồn phơi phới, niềm lạc quan cách mạng, tinh thần xả thân vì Tổ quốc của những thanh niên tìm đến được ánh sáng lý tưởng, được thể hiện qua những câu thơ hào sảng, kiêu hùng: “Cơm chấm muối đời mặn tình ca hát/ Nằm sườn non lòng bay bổng thanh xuân/ Ngóng cờ đỏ sao vàng ngày xuất phát/ Bước đoàn ta theo nhịp bước Hồng quân”. Và lạ thay, trong những ngày tháng nếm mật, nằm gai đó, họ vẫn dự cảm, tin tưởng mãnh liệt vào ngày chiến thắng: “Đồng bào ơi! Phá xiềng gông vùng dậy/ Ngày tự do, độc lập đâu còn xa/ Hỡi nước non, hỡi đất trời yêu quý/ Xông lên cùng đoàn du kích chúng ta” (Đoàn Du kích chúng ta)".

86 bài thơ trong tập sách “Gửi lại thời gian” của Thanh Đàm (do Nhà Xuất bản Văn học phát hành) có hàng chục bài ông viết về những chiến sĩ du kích chiến khu Ngọc Trạo, ở một trong những giai đoạn hào hùng nhất của lịch sử dân tộc, khi mà cách mạng còn trong trứng nước, khi quân đội ta còn chưa ra đời. Đó là khi chàng thanh niên Thanh Đàm, ở tuổi mười chín đôi mươi, đeo ba lô lên đường theo cách mạng với bầu nhiệt huyết “Hỡi nước non, hỡi đất trời yêu quý/ Xông lên cùng đoàn du kích chúng ta”.

Tuyển tập của Thanh Đàm

Tuyển tập của Thanh Đàm

Sau này, trong hồi ký của mình, ông ghi lại những cảm tưởng ngày ông được kết nạp vào Đội du kích “Với tôi, tối hôm ấy và tối tuyên thệ gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương sau này, là hai tối có ý nghĩa nhất và xúc động nhất đời tôi”.

Xuyên suốt mạch thơ của ông giai đoạn này là niềm lạc quan của người chiến sĩ du kích, hay nói đúng hơn là của người chiến sĩ cách mạng, cho dù lúc ở chiến khu đầy gian khó hay lúc bị giam cầm trong nhà tù thực dân đế quốc. Niềm tin, lạc quan ấy được ông thi vị hóa, đôi khi rất lãng mạn đã trở thành chất xúc tác, lời “hiệu triệu” cuốn không biết bao nhiều lớp người vào dòng chảy cách mạng, sẵn sàng xã thân vì độc lập, tư do của dân tộc.

Thơ ông, ngay từ khi mới ra đời đã được lớp lớp thanh niên truyền miệng, lan tỏa trong rừng, chiến khu và trong cả ngục tù, tiếp thêm niềm tin, sức mạnh để vượt qua gian khổ, khó khăn, hy sinh xương máu để đi đến ngày toàn thắng.

Sau này, ông đảm nhận các chức vụ Bí thư Huyện ủy huyện Vĩnh Lộc (1949), Ủy viên BCH Tỉnh ủy Thanh Hóa (1953), Ủy viên Ủy ban Hành chính tỉnh (1958), Trưởng ty Văn hóa- Thông tin, về sau kiêm Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Thanh Hóa cho đến khi qua đời năm 1979, ở tuổi 57.

Dù bận rộn với công tác quản lý, điều hành, nhưng Thanh Đàm vẫn dành ra một khoảng riêng cho thi ca. Các bài thơ hay của ông vẫn là nỗi niềm đau đáu về chiến khu Ngọc Trạo năm xưa. “Về thăm Ngọc Trạo” là nỗi nhớ cháy gan, cháy ruột của ông. Bài thơ mang âm hưởng trường ca dựng nên bức tranh sống động về tình quân dân cá nước, về những tấm gương hy sinh vô cùng dũng cảm. Gặp nhau mừng mừng, tủi tủi, về những ngày nếm mật nằm gai: “Tôi về đây Ngọc Trạo ơi/ Nghe xôn xao cảnh nhớ người năm xưa”.

Rồi người du kích năm xưa bồi hồi: “Cám rang, sắn luộc, măng vầu/ Vắng cơm, đời vẫn ngọt ngào ước mơ/ Lều tranh chấp thảy nắng mưa/ Lá thơm êm tổ, bóng to kín nhà”. Bao năm rồi, những bản xưa, lối cũ không sao quên được: “Hướng Thiểm Niêm cao cao đóng mở/ Lối đi về Ba Cửa, Ban Long/ Thạch Cừ, Di Chế chung vòng/ Còn yêu tiếng mõ canh phòng Bỉm Sơn”. Và rồi, tất cả những nỗi niềm nhung nhớ cháy bỏng ấy chỉ dồn tụ vào một điều: “Còn rừng, còn núi, còn cây/ Thủy chung nghĩa ấy tỉnh này bền lâu”.

Nhìn ở khía cạnh một người sáng tác, tiếc rằng, Thanh Đàm ra đi khi tuổi đời còn khá trẻ: 57tuổi!

Vâng, “Ông đã ra đi. Chỉ còn những bài thơ ông đã viết về tình yêu, tình bạn đồng chí hướng và lý tưởng yêu nước khi ngùn ngụt máu lửa, lúc lắng động sâu xa, thay ông ở lại lâu dài với cuộc đòi này” (nhà thơ Anh Chi).

Nhà thơ Thanh Đàm tên thật là Vũ Đình Thờn, tên thường gọi là Võ Quyết, sinh năm 1922, tại thôn Mỹ Xuyên, xã Vĩnh Yên, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa.

Tháng 8-2020 tên ông- Võ Quyết- được đặt cho một con phố ở Thành phố Thanh Hóa.

Tác phẩm: Nhớ (Thơ, in chung với Trần Mai Ninh, 1970), Về Ngọc Trạo (thơ, 1994), Đuốc lửa Hang Treo (Kịch bản văn học, vở kịch được dàn dựng, biểu diễn và đoạt Huy chương Vàng Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 1985 tại Đà Nẵng), Gửi lại Thời gian (Thơ, Hồi ký, kịch bản- 2021)