Sáng 21/2/2022, sau buổi làm việc với Hội Nhà văn TP.HCM, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều đã dành cho VietTimes một cuộc trò chuyện xung quanh việc quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới.
Thư mời của Viện Nobel đến chậm VN không mất cơ hội
Phóng viên: - Thưa Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, xin ông cho biết sự việc Việt Nam vừa để lỡ cơ hội đề cử giải Nobel Văn học do thư mời đến trễ, ông có cảm thấy đáng tiếc không?
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: - Tôi không cho rằng sự việc là đáng tiếc. Giả sử Thư mời đến đúng ngày, đúng giờ cũng phải nhìn nhận thực tế là bây giờ mà cần lựa chọn một đề cử để gửi tới Giải Nobel thì cũng là rất khó khăn. Cần phải lựa chọn được tác giả đã có cả hệ thống tư tưởng, triết học, mỹ học cũng như bề dầy tác phẩm, có ảnh hưởng đến xã hội của quốc gia sở tại và ảnh hưởng đến cả các quốc gia khác nữa. Việt Nam chúng ta hình như đến giờ vẫn chưa có nhà văn nào thực sự đạt được các tiêu chí này.
Rất nhiều nhà văn vẫn đang coi viết văn chỉ là một cuộc “dạo chơi” hoặc thoả mãn một khoảnh khắc bức xúc nào đó chứ chưa thực sự dấn thân, hết mình với văn chương. Chẳng hạn như các nhà thơ thường hay làm thơ khi họ bị… thất tình. Nhưng cá nhân tôi đọc rất nhiều thơ trên thế giới thì thấy, thơ có chiều sâu hơn thế nhiều, thơ là hành động sống khác với cuộc sống bình thường, nó giúp cho cuộc đời đáng sống hơn.
Không phải Thư mời đến trễ là mất cơ hội. Năm tới, chúng ta có thể đề cử nếu chúng ta có tác giả phù hợp. Khi nhận được Thư mời gửi đề cử từ Viện Nobel thì Việt Nam bắt đầu có tư cách chính thống hơn. Thường thì khách mời của Viện Nobel hoặc các tác giả từng đoạt giải trước đó và còn sống thì có quyền đề cử. Ngoài ra thì quyền này thuộc về các tổ chức văn chương có uy tín; các giáo sư, giảng viên văn chương ở các trường Đại học lớn, có uy tín trên thế giới sẽ gửi đề cử.
Chủ tịch Hội Nhà văn VN khẳng định: "Bây giờ, rất cần tài năng, cộng với sự dấn thân, cống hiến cho văn học Việt xuất hiện". Ảnh: Hoà Bình |
Thư mời từ Viện Nobel lần này không mời Hội Nhà văn Việt Nam đề cử mà là họ mời một cá nhân là tôi gửi đề cử tới Giải Nobel. Tất nhiên, cũng có thể hiểu ông Chủ tịch là người đại diện cao nhất, thay mặt cho Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, vì trong khái niệm của Viện Nobel, chắc có lẽ không có từ Ban chấp hành. Dù sao thì tôi cho rằng cần cảm ơn Viện Nobel bởi đây chính là sự khởi đầu tốt đẹp cho một giai đoạn mới của văn học Việt, mở ra một chủ đề để giới chuyên môn có thể bàn luận.
Cần tư duy lại nền văn học của chúng ta đang ở đâu, đi đâu, tầm cỡ nào? Sắp tới, chúng tôi sẽ mở ra các cuộc toạ đàm để đặt ra câu hỏi và thúc đẩy văn học Việt Nam đáp ứng được khát vọng lớn hơn của bạn đọc. Bây giờ, rất cần tài năng, cộng với sự dấn thân, cống hiến cho văn học Việt xuất hiện.
*Thưa ông, lý do gì mà năm nay Việt Nam mới lần đầu tiên nhận được Thư mời đề cử từ Viện Nobel?
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: - Văn học Việt Nam lâu nay bị khuất lấp, thế giới vẫn đang nhìn nhận chúng ta như trong một cuộc chiến tranh, như một bãi chiến trường, chưa bao giờ coi chúng ta là một nền văn hoá. Khi tôi nói chuyện với một thượng nghị sĩ Mỹ, ông có nói với tôi rằng: “Chúng tôi đã thất bại trong chiến tranh, quân sự, chính trị, nhưng lại thắng khi đã phát hiện ra một nền văn hoá”. Mỹ đã trao giải thưởng cho những người nghiên cứu về hậu quả chiến tranh thông qua văn chương. Tôi đã dự buổi trao giải tôn vinh đó ở thành phố Boston, ngài Thị trưởng đã tuyên xưng nhà nghiên cứu này vì ông đã làm cho người Mỹ thấu hiểu một nền văn hoá.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều cùng nhà văn Nhật Chiêu, nhà văn Trầm Hương – Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM và các nhà văn trên địa bàn TP.HCM tại buổi làm việc sáng 21-2. Ảnh: Hoà Bình |
Cần sự dũng cảm, dấn thân, khoa học và minh bạch
*Cuộc chiến tranh đã trôi qua hơn 45 năm nhưng văn hoá Việt vẫn chưa được nhận diện trên thế giới là một thực tại buồn. Rất nhiều nhà văn, nhà thơ Việt Nam đặt kỳ vọng vào cá nhân Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kỳ này. Xin ông chia sẻ thêm về những kế hoạch để quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới?
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: - Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức 4 hội nghị quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới. Nhưng tôi cho rằng hình thức tổ chức hội nghị này đã kết thúc. Bây giờ đến lúc chúng ta phải hiện thực hoá nền văn chương bằng những tác phẩm cụ thể trong suốt chiều dài lịch sử. Cần phải dịch tác phẩm Việt Nam để chuyển tải tư tưởng, tình cảm, vẻ đẹp của Việt Nam ra thế giới. Nếu nhà nước không đồng hành, tài trợ, đặt hàng thì không thể làm được vì đây là một câu chuyện rất lớn.
Việt Nam chưa phải nền văn chương có những tác giả mà thế giới săn lùng, ra cuốn nào là thế giới in ngay lập tức như H. Murakami (Nhật), Mạc Ngôn (Trung Quốc)… Muốn làm cho thế giới biết đến văn học Việt thì phải có kế hoạch kỹ lưỡng, phải mất rất nhiều thời gian và kinh phí, tuyển chọn được đúng các tác giả, tác phẩm, tạo ra những bản dịch xuất sắc, tìm kiếm những cách thức phát hành để đi ra thế giới.
Cần học bài học của người Hàn Quốc, làm bất cứ điều gì cần làm cho văn học nói riêng và văn hoá nói chung. Khi đã quảng bá được văn hoá, nghệ thuật thì đi kèm với nó chính là sự đi lên của kinh tế - tài chính.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều khẳng định đã có những kế hoạch nhiều triệu đô để quảng bá văn học Việt. Ảnh: Hoà Bình |
*Thưa ông, trong nhiệm kỳ của mình, ông đã có hay chưa những kế hoạch triệu đô để quảng bá văn học Việt ra thế giới?
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: - Không phải triệu đô mà tôi đã có những kế hoạch nhiều triệu đô. Tôi đã tìm cách để thuyết phục Chính phủ, xin được hé lộ rằng Thủ tướng Phạm Minh Chính rất ủng hộ hướng quảng bá văn hoá Việt ra thế giới. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đã mời tôi đến Phủ Chủ tịch và ông đã nhấn mạnh: “Hãy làm tất cả những gì có thể! Tôi sẽ đồng hành với Hội Nhà văn Việt Nam! Vấn đề là ý thức của Ban Chấp hành Hội Nhà văn, cần coi đây là sứ mệnh, là trách nhiệm. Cần làm tất cả một cách minh bạch, rõ ràng, khoa học, có tầm nhìn. Đại học Harvard đã bàn bạc, thống nhất với chúng tôi về một kế hoạch quảng bá văn học Việt Nam tại Đại học Harvard (Mỹ) vào mùa xuân năm 2023. Chúng tôi đang bàn xem nên giới thiệu tác giả, tác phẩm nào? Chưa bao giờ những cơ hội tới, thuận lợi như bây giờ, chỉ có dám dũng cảm và dấn thân để làm hay không mà thôi”.
Hoà Bình (thực hiện)