Ra mắt và triển khai Dự án "Nâng cánh ước mơ xanh" đồng hành cùng cây bút trẻ 2022

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Sáng 13/5, Dự án "Nâng cánh ước mơ xanh'' đồng hành cùng cây bút trẻ - 2022 đã ra mắt tại Hà Nội. 

Đại diện Hội nhà văn Việt Nam, Hội Truyền thông số Việt Nam, Trung tâm Bản quyền số, hệ thống phổ thông liên cấp Alfred Nobel tại Lễ ra mắt và triển khai dự án "Nâng cánh ước mơ xanh"
Đại diện Hội nhà văn Việt Nam, Hội Truyền thông số Việt Nam, Trung tâm Bản quyền số, hệ thống phổ thông liên cấp Alfred Nobel tại Lễ ra mắt và triển khai dự án "Nâng cánh ước mơ xanh"

Dự án Dự án "Nâng cánh ước mơ xanh'' đồng hành cùng cây bút trẻ - VN 2022 do Trung tâm Quyền tác giả Văn học Việt Nam (Hội Nhà văn Việt Nam), Trung tâm Bản quyền số (Hội Truyền thông số Việt Nam), hệ thống phổ thông liên cấp Alfred Nobel cùng các đơn vị liên quan tổ chức.

Mục đích của dự án nhằm nâng cao hiểu biết về văn học, làm phong phú hơn về tâm hồn cho thế hệ trẻ trước xu thế phát triển trí tuệ nhân tạo của xã hội. Đồng thời bồi dưỡng, chăm chút với các cây bút là các tác giả trẻ ở tuổi thanh thiếu niên. Ngoài ra, dự án còn giúp nâng cao cảm thụ văn học, bồi dưỡng tâm hồn và cảm xúc trước các áng văn, thơ hay cho thiếu nhi thông qua các buổi giao lưu trực tiếp hoặc trực tuyến giữa các nhà văn và thanh thiếu niên.

Phát biểu tại buổi lễ, nhà văn Đỗ Hàn - Giám đốc Trung tâm quyền tác giả Văn học Việt Nam (Hội Nhà văn Việt Nam) cho biết Trung tâm quyền tác giả Văn học Việt Nam và Trung tâm Bản quyền số cùng phối hợp ra mắt dự án "Nâng cánh ước mơ xanh" với "mong muốn là phát hiện, bồi dưỡng đồng hành và bảo vệ quyền tác giả cho những cây bút trẻ".

Nhà văn Đỗ Hàn

Nhà văn Đỗ Hàn

Thông qua dự án, các cây bút trẻ, là các em thanh thiếu niên có năng khiếu hoặc say mê sáng tác văn học có thể giao lưu trực tuyến, học hỏi kinh nghiệm với nhiều nhà văn nổi tiếng. Những tác phẩm được chọn sẽ được làm thành sách Ebook, Audiobook, Videobook, sách giấy... và phát hành trên các nền tảng kỹ thuật số, nền tảng truyền thống và giữ bản quyền cho các tác giả mới xuất hiện.

Các cuộc thi văn thơ nằm trong dự án "Nâng cánh ước mơ xanh" sẽ được đăng tải trên Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng, Báo Diễn đàn Văn nghệ, Chuyên san Văn học với Tuổi trẻ… để chọn tác phẩm và tác giả trẻ triển vọng, hỗ trợ trong việc ra mắt sách.

Thêm vào đó, nhằm thúc đẩy khả năng tương tác, quảng bá dự án đến đông đảo công chúng, ban tổ chức cũng sẽ xây dựng trang fanpage của dự án; xây dựng website www.nangcanhuocmoxanh.vn; xây dựng các câu lạc bộ, các nhóm bút ở các trường và các địa phương.

Nhà báo Đỗ Thị Minh Ngọc, Phó Chủ tịch Hội đồng Trung tâm Bản quyền số (Hội Truyền thông số Việt Nam) chia sẻ kỳ vọng dự án sau một năm đi vào hoạt động sẽ xây dựng được diễn đàn cho khoảng 500 đến 800 tác giả trẻ chia sẻ, trao đổi về văn chương; 200 tác phẩm được phát hành dưới dạng tác phẩm số và sách truyền thống. Lễ trao giải thường niên sẽ diễn ra 6 tháng/lần, mỗi lần có từ 3 đến 5 tác phẩm có sức lan tỏa, quan tâm của cộng đồng. Các năm tiếp theo, hệ số phát triển đạt trung bình 1,5 lần so với năm trước.

Bà Đỗ Thị Minh Ngọc - Phó Chủ tịch Hội đồng Trung tâm Bản quyền số phát biểu tại sự kiện

Bà Đỗ Thị Minh Ngọc - Phó Chủ tịch Hội đồng Trung tâm Bản quyền số phát biểu tại sự kiện

Ngoài ra, buổi họp báo có có sự góp mặt của nhà thơ "Hương thầm" Phan Thị Thanh Nhàn. Tại đây, nhà thơ đã có buổi trò chuyện và giao lưu trực tiếp cùng các em học sinh trường phổ thông liên cấp Alfred Nobel. Bà cho biết đã bắt đầu làm những vần thơ hồn nhiên, trong sáng của tuổi học trò từ cuộc sống xung quanh mình, về các thành viên trong gia đình.

Theo nhà thơ, nếu muốn làm thơ hay, ngoài niềm say mê với văn học, các em nhỏ còn cần tìm hiểu về các thể thơ để gieo vần chính xác và thể hiện được cách quan sát các sự vật, hiện tượng quanh mình.

Một số hình ảnh tại sự kiện: