Hội đồng chung khảo lần này gồm các nhà phê bình, nhà văn, nhà báo: PGS.TS Ngô Văn Giá, PGS.TS Nguyễn Thành Thi, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, nhà văn Phan Hồn Nhiên, nhà báo Thúy Nga.
Giải thưởng Văn học tuổi 20 lần thứ 7 không có Giải Nhất. 2 đồng Giải Nhì thuộc về: “Vụn ký ức” – Tác giả Yang Phan và “Nửa lời chưa nói” – Tác giả Duy Ân. 2 đồng Giải Ba được trao cho “Vệt sáng của bụi” – Tác giả Lê Quang Trạng và “Chuồng cọp trên cao” – Tác giả Nguyễn Thu Hằng; 03 Giải Tư cho các tác phẩm “Có thú dữ trong thành phố” - Tác giả Nguyên Nguyên; “Bảy bảy bốn chín” – Tác giả Hoàng Công Danh; “Chopin biến mất” – Tác giả Hiền Trang.
Nhận xét về các tác phẩm đoạt giải thưởng lần này, PGS.TS – nhà phê bình văn học Ngô Văn Giá, thành viên BGK chung khảo nói về truyện dài “Bảy bảy bốn chín” của Hoàng Công Danh: “Văn viết già dặn, tinh luyện. Tập trung vào tình trạng hôn nhân, gia đình trẻ đổ vỡ do thiếu kỹ năng sống, thiếu nền tảng nhân văn… Tác phẩm đưa người đọc qua nhiều cung bậc cảm xúc, suy tư. Mạch truyện nhất quán mà lại mở, gợi. Lối văn lôi cuốn, hấp dẫn. Một tác phẩm đẹp về lời văn nghệ thuật, tuy buồn nhưng chan chứa chất nhân văn, làm thao thức người đọc…”
PGS.TS Ngô Văn Giá trao đổi về chất lượng của Giải thưởng năm nay |
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư và bà Phan Thị Thu Hà - Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc NXB Trẻ trao giải cho tác giả đoạt giải Văn học tuổi 20 lần 7 |
Về “Chopin biến mất” của tác giả Hiền Trang, PGS.TS Ngô Văn Giá nhận định: “Văn được cất lên từ văn hóa (âm nhạc, hội họa, văn chương…) là chính chứ không cất lên từ cuộc đời, ít tiếng vọng đời sống thực tại hôm nay. Có chất suy tưởng siêu hình (nói về cái hư vô, kết hợp thực và ảo), hứa hẹn một triển vọng về chất suy tưởng chiều sâu. Người viết theo đuổi một Cái Đẹp có tính lý tưởng. Khả năng tưởng tượng tốt, thông minh.”
Về tập truyện ngắn “Nửa lời chưa nói” của tác giả Duy Ân, PGS.TS Nguyễn Thành Thi, thành viên BGK nhận định: “Người viết truyện và người nghiên cứu ngôn ngữ thường nhập hòa làm một, kể cho bạn đọc nghe những câu chuyện về sự kỳ diệu lẫn giới hạn của ngôn ngữ và giao tiếp bằng ngôn ngữ,… Từ đó, một cách nhẹ nhàng, tự nhiên, những câu chuyện kéo người đọc dự phần vào trò chơi nhận thức, khám phá về mối quan hệ phức tạp giữa ngôn ngữ và nhận thức của con người".
"Tập truyện mang lại một cái nhìn ít nhiều có tính phát hiện trước một số vấn đề của đời sống nhưng không chỉ là đời sống của con người, xã hội mà còn là đời sống của ngôn ngữ và văn hoá. Các truyện viết khá nhuần nhị đều tay, tuy đôi lúc hơi nặng về lý trí. Kỹ thuật trần thuật khá linh hoạt, biến hóa, làm cho điều khó hiểu trở nên hấp dẫn” - PGS.TS Nguyễn Thành Thi nhận xét.
Bà Phan Thị Thu Hà - Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc NXB Trẻ |
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư và tác giả đoạt giải Văn học tuổi 20 lần 7 |
Tại lễ trao giải, 6 tác giả đã có mặt nhận giải, riêng tác giả Duy Ân (đồng Giải Nhì) hiện đang ở Mỹ nhưng đã được BTC kết nối qua điện thoại để chia sẻ những cảm xúc bất ngờ khi biết mình đoạt giải cao. Ngoài ra, gia đình của tác giả Duy Ân cũng đã có mặt tại khán phòng để đại diện cho tác giả nhận giải thưởng.
Được biết, hai đồng Giải Nhì trị giá mỗi giải 50 triệu đồng, các Giải Ba trị giá mỗi giải 30 triệu đồng; Giải Tư trị giá mỗi giải 20 triệu đồng.
Bà Phan Thị Thu Hà – Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc NXB Trẻ cho biết: “Qua 7 lần tổ chức, tổng số tác phẩm dự thi là 2.133 tác phẩm, và lần thứ 7 này có số lượng bài dự thi nhiều nhất, với 511 tác phẩm, tất cả thể hiện qua cuộc sống và góc nhìn hết sức phong phú của các tác giả - đa số ở lứa tuổi 9X”.
Thay mặt cho Ban chung khảo, PGS.TS Ngô Văn Giá đánh giá các tác giả của Văn học tuổi 20 lần này đã chọn lối thay đổi tư duy nghệ thuật và khẳng định cá tính sáng tạo; đồng thời gửi gắm niềm tin vào thế hệ viết trẻ với con đường sáng tạo.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu