12 cuốn sách vào chung khảo “Văn học tuổi 20” lần 7: Hy vọng những bất ngờ thú vị

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ngày 18/3/2022, NXB Trẻ công bố 12 cuốn sách vào chung khảo “Văn học tuổi 20” lần 7, với những hy vọng đem đến cho độc giả nhiều bất ngờ thú vị.
NXB Trẻ công bố 12 cuốn sách vào chung khảo “Văn học tuổi 20” lần 7
NXB Trẻ công bố 12 cuốn sách vào chung khảo “Văn học tuổi 20” lần 7

Giải thưởng “Văn học tuổi 20” lần thứ I đã bắt đầu từ năm 1994. Qua 7 kỳ tổ chức, số lượng tác phẩm dự thi lên đến 2133 tác phẩm (và cũng suýt soát chừng ấy người viết) dự thi. Ở lần thứ 7 (phát động năm 2021) Giải thưởng “Văn học tuổi 20” đã nhận được 511 tác phẩm dự thi, đây là con số nhiều nhất trong các kỳ tổ chức, chung cuộc có 12 tác phẩm được chọn vào chung khảo).

Theo BTC, lần này xuất hiện những tác giả kiên trì theo đuổi con đường viết lách nghiêm túc, đến từ nhiều vùng miền của đất nước, có tác giả đang học tập và làm việc tại nước ngoài, một độ tuổi trung bình 9X, số tác giả đã có khá nhiều tác phẩm xuất bản từ trước, và cũng có cả những tác giả vừa được in ấn cuốn sách đầu tiên.

“Mặc dù hai năm kéo dài đại dịch COVID-19 với không ít khó khăn trong kinh doanh và phát hành, nhưng NXB Trẻ vẫn cố gắng giữ nguyên cơ cấu giải thưởng với 01 giải nhất: 70 triệu đồng; 01 giải nhì: 50 triệu đồng; 01 giải ba: 30 triệu đồng và 04 giải khuyến khích: 20 triệu đồng/giải” - Ông Nguyễn Thành Nam - Phó Giám đốc, Tổng biên tập NXB Trẻ cho hay.

Bà Phan Thị Thu Hà (đứng giữa) - Chủ tịch Hội đồng Thành viên, Giám đốc NXB Trẻ tặng hoa cho một số tác giả có mặt tại buổi công bố các tác phẩm vào chung khảo

Phan Thị Thu Hà (đứng giữa) - Chủ tịch Hội đồng Thành viên, Giám đốc NXB Trẻ tặng hoa cho một số tác giả có mặt tại buổi công bố các tác phẩm vào chung khảo

Ông Nguyễn Thành Nam - Phó Giám đốc, Tổng biên tập NXB Trẻ nhận định, cuộc thi khẳng định được chất lượng và sức hút

Ông Nguyễn Thành Nam - Phó Giám đốc, Tổng biên tập NXB Trẻ nhận định, cuộc thi khẳng định được chất lượng và sức hút

Ông Dương Thành Truyền – Nguyên Trưởng ban tổ chức Giải thưởng Văn học tuổi 20 nhận định về cuộc thi năm nay: “Qua mỗi kỳ tổ chức, cơ cấu tác phẩm dự thi lọt vào chung khảo luôn có sự lệch nhau về thể loại, riêng lần này cân bằng tuyệt đối, trong 12 tác phẩm vào chung khảo, có 6 tác phẩm thuộc thể loại tập truyện ngắn, 6 tác phẩm thuộc thể loại truyện dài”.

“Số lượng 511 tác phẩm dự thi, rõ ràng là tăng hơn so với lần VI (2018, 458 tác phẩm) và càng tăng vọt so với lần V (2014, 328 tác phẩm). Những con số tăng dần đều qua 3 lần thi gần đây (328 > 458 > 511) trong vòng 10 năm qua đã chứng tỏ một sức sống có thực, một sức sống bền lâu của một cuộc vận động sáng tác của người trẻ, cho người trẻ, vì người trẻ!” – Ông Dương Thành Truyền phát biểu.

Nguyên Trưởng BTC cuộc thi đúc kết: “Văn học tuổi 20” lần 7 tiếp tục thể hiện những góc nhìn mạnh mẽ, trực diện và đầy chất suy tưởng của những người viết trẻ – viết về chính mình trên con đường tìm kiếm bản ngã khi đối diện và trả lời những vấn đề gai góc của con người, của xã hội và của thời cuộc”.

Ông Dương Thành Truyền – Nguyên Trưởng ban tổ chức Giải thưởng Văn học tuổi 20 cầm 12 cuốn sách trên tay, xúc động nhận định về cuộc thi năm nay

Ông Dương Thành Truyền – Nguyên Trưởng ban tổ chức Giải thưởng Văn học tuổi 20 cầm 12 cuốn sách trên tay, xúc động nhận định về cuộc thi năm nay

“Cõi người mắc cạn” (Truyện dài 12 chương) của tác giả Hoàng Khánh Duy, sinh năm 1997, quê hương từ Cà Mau, hiện đang sống tại Cần Thơ. Tác giả đã có khoảng 8 đầu sách được in ấn tại nhiều nhà xuất bản khác nhau.

Với phương thức huyền thoại hóa, chú trọng yếu tố văn hóa và môi trường “xanh”, trong “Cõi người mắc cạn”, Hoàng Khánh Duy đã tạo dựng một không gian nghệ thuật vừa lạ, vừa quen, một không gian mang sắc màu huyền ảo, mơ hồ nhưng cũng là một không gian quen thuộc thấm đượm linh hồn của sông nước miền Tây Nam Bộ đang chịu nạn vì hạn mặn.

“Kẻ săn chuột” (truyện dài đầu tay của tác giả Phã Nguyện) kể về ba cái chết: một bà lão nhặt rác nghèo khổ, một ông già nghiện rượu vô gia cư, và một bà mẹ bị trộm “dọn nhà” và sát hại trong một đêm. Kẻ săn chuột là ai? Và ai là con chuột bị săn đuổi?

“Ngủ ngon nhé, nàng thơ” (truyện dài, tác giả Nguyễn Dương Quỳnh -giảng viên khoa Thiết kế nghệ thuật, Đại học Hoa Sen) có nhân vật chính là một họa sĩ bệnh tật mê đắm vẻ đẹp của một ca sĩ thần tượng trẻ tuổi, và tìm cách đuổi theo để vẽ tranh người đó, rồi tận mắt chứng kiến mọi thứ sụp đổ bởi một cơn bão tăm tối đáng buồn mà cả hai đều không thể kiểm soát.

12 đầu sách từ cuộc thi "Văn học tuổi 20" vừa đến với độc giả trẻ
12 đầu sách từ cuộc thi "Văn học tuổi 20" vừa đến với độc giả trẻ

“Vụn kí ức” (truyện dài, tác giả Yang Phan) mở đầu bằng cái chết của G – một chàng trai gốc Á, cử nhân ngành khoa học vũ trụ đang sinh sống tại nước ngoài. Cái chết của anh tưởng chừng bình thường nhưng lại đánh thức hàng loạt kí ức trong tâm trí những người đã từng tiếp xúc với anh: Một người phụ nữ 80 tuổi vật lộn giữa lòng tự hào và sự chán ghét về nguồn cội của mình; một cô ca sĩ nhạc rock luôn thay đổi tên họ vào mỗi buổi sáng; hay người mẹ với cuộc tình độc hại kéo dài ba thập kỷ,...

“Chopin biến mất” (truyện dài, tác giả Hiền Trang) ám ảnh bởi cái chết của nhân vật trong vở kịch trở thành cái chết thực tế của một diễn viên nhà hát nổi tiếng, viên thám tử bắt đầu bước chân vào cuộc hành trình tìm kiếm sự thật, từ đây, một thế giới mới mở ra, trong đó, nghệ thuật và nhân sinh đang tìm cách định nghĩa và chi phối nhau.

Các ấn phẩm khác gồm có: “Lũ chim thích chọn cành khô” (Mai Thanh Nga); “Bí mật của bóng tối” (Đinh Thành Trung); “Nửa lời chưa nói” (Duy Ân); “Chuồng cọp trên cao” (Nguyễn Thu Hằng); “Vệt sáng của bụi” (Lê Quang Trạng); “Bảy bảy bốn chín” (Hoàng Công Danh); “Có thú dữ trong thành phố” (Nguyên Nguyên).

Những tập truyện đều chất chứa tự sự của người trẻ với rất nhiều nỗ lực để tồn tại vươn lên, xen lẫn với không ít cảm xúc mâu thuẫn được quay về nơi bắt đầu; hành trình tìm kiếm bản thân trong mớ hỗn độn cảm xúc tự tôn và tự ti, tôn sùng hay chối bỏ quá khứ…