"Giải mã bí ẩn Hồ Xuân Hương": Kỳ 2- Ngày tháng năm sinh, năm mất đã rõ ràng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ngày 28/9/1822 (tức ngày 14/8 âm lịch năm Nhâm Ngọ) sẽ được lấy làm ngày kỷ niệm 200 năm ngày mất của nữ sĩ trong năm 2022.
Sự nghiệp thơ văn của bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương sẽ còn mãi với người Việt Nam.
Sự nghiệp thơ văn của bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương sẽ còn mãi với người Việt Nam.

Ngày tháng năm sinh của sĩ Hồ Xuân Hương thì có nhiều giả thiết đưa ra, nhưng ngày mất của nữ sĩ thì chưa có nhà nghiên cứu nào đề cập. Tác giả Nghiêm Thị Hằng đã chỉ rõ ngày mất của nữ sĩ. Theo phong tục phương Đông ngày mất của tổ tiên được cháu con ghi rõ để đời đời thờ phụng. Ngày 28/9/1822 (tức ngày 14/8 âm lịch năm Nhâm Ngọ) sẽ là ngày kỷ niệm 200 năm ngày mất của nữ sĩ trong năm 2022

Hành trình lập lá số tử vi của nữ sĩ Hồ Xuân Hương

Trước tháng 11/2020 chưa có một công trình nghiên cứu nào làm rõ ngày tháng năm sinh, ngày tháng năm mất của nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Hai bí ẩn về ngày tháng năm sinh và ngày tháng năm mất của nữ sĩ đã được tác giả Nghiêm Thị Hằng và nhà tử vi Hoàng Văn Khôi nghiên cứu giải mã đề tài “làm sáng tỏ thân thế nữ sĩ Hồ Xuân Hương bằng tử vi , kinh dịch “ Báo cáo trong hội thảo khoa học tiềm năng con người và khai thác lịch sử văn hóa do Viện Nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người tổ chức tại Hà Nội ngày 28/11/2020 đã được đánh giá cao. Đề tài này đã lập được lá số tử vi, đưa ra lời luận giải chính xác phù hợp với cuộc đời thực của nữ sĩ Hồ Xuân Hương, giải mã bí ẩn ngày tháng năm sinh và năm mất của nữ sĩ.

Bìa sách của nhà thơ, nhà báo Nghiêm Thị Hằng

Bìa sách của nhà thơ, nhà báo Nghiêm Thị Hằng

Để có được những thông số tiệm cận tìm năm sinh phù hợp khi đối chiếu với năm mất của người cha là cụ Hồ Phi Diện và người mẹ là cụ Hà Thị, đúng với thời điểm hôn nhân và đúng với cảnh, với tình, nữ sĩ đã lưu lại trong thơ.

Trong rất nhiều giả thiết đưa ra về năm sinh của nữ sĩ, nhóm nghiên cứu của nhà thơ Nghiêm Thị Hằng, bằng phương pháp so sánh, loại trừ, đối chiếu với tính cách của nữ sĩ Hồ Xuân Hương thể hiện qua thơ để tìm ra năm sinh chuẩn xác cho nàng thơ.

Hành trình đi tìm năm sinh của nữ sĩ bắt đầu từ việc soi chiếu năm mất của cụ Hồ Phi Diễn để loại bỏ những giả thiết đưa ra năm sinh của nữ sĩ sau năm 1786. Minh chứng nhà nghiên cứu Phạm Ngọc Khảnh (Nam Định) đưa ra giả thiết nữ sĩ sinh năm 1815, mất năm 1893, theo mối quan hệ là vợ ông Phủ Vĩnh Tường Phạm Viết Ngạn (1862).

Soi chiếu năm mất của cụ Hồ Phi Diễn năm 1786 thì không thể sống lại 29 năm để sinh Hồ Xuân Hương. Cụ Hà Thị mất năm 1814 thì không thể sống lại 1 năm để năm 1815 sinh Hồ Xuân Hương. Từ mối quan hệ với bố mẹ, thì Hồ Xuân Hương không thể ra đời khi bố mẹ đã chết.

Xét trong quan hệ hôn nhân, nữ sĩ lấy ông Tổng Cóc-Nguyễn Bình Kình năm 1802, khi đó nàng chưa được sinh ra, thì làm sao lấy được chồng? Năm 1816 nữ sĩ lấy ông Trần Phúc Hiển, khi ấy nàng mới 1 tuổi, làm sao lấy được chồng? Những sự vô lý trên đã khẳng định nữ sĩ không thể sinh năm 1815.

Xét giả thiết do cụ Siêu Hải đưa ra, nữ sĩ sinh năm 1735. Soi chiếu với mối quan hệ cha con, thì khi đó cụ đồ Hồ Phi Diễn mới 32 tuổi, không đúng với văn học sử năm 70 tuổi cụ đồ mới sinh con gái đầu lòng. Nếu Xuân Hương sinh năm 1735, thì khi cụ Hồ Phi Diễn chết- năm 1786, nàng đã 51 tuổi, không đúng với văn học sử ghi rằng, năm Xuân Hương 13 tuổi thì cha chết. Nếu Xuân Hương sinh năm 1735, thì khi lấy ông Tổng Cóc năm 1802, nữ sĩ đã 67 tuổi và khi lấy ông Trần Phúc Hiển năm 1816 thì nữ sĩ đã 81 tuổi, đây là những điều phi lý, dẫn đến kết luận nữ sĩ không sinh năm 1735.

Đa số các nhà nghiên cứu đều cho rằng nữ sĩ có thể sinh năm 1770 hoặc 1772 nhưng không đưa ra được các căn cứ để chứng minh.

Muốn chứng minh về thân phận của nữ sĩ, nhóm nghiên cứu khẳng định chỉ có thể lập lá số tử vi thì mới làm sáng tỏ được thân thế của nữ sĩ. Thế nhưng nữ sĩ lại không có đủ 4 yếu tố, giờ, ngày, tháng, năm, thì không thể lập được lá số tử vi. Nút thắt trong lá số tử vi thể hiện rõ tính cách con người. Muốn tìm tính cách con người thì phải tìm trong thơ của nữ sĩ vì thơ văn thể hiện nhân cách của tác giả, đồng thời soi chiếu văn học sử, cả hai lần nữ sĩ lấy chồng đều làm thiếp, đều không đạt được ước vọng hôn nhân.

Tượng nữ sĩ Hồ Xuân Hương

Tượng nữ sĩ Hồ Xuân Hương

Nữ sĩ khao khát yêu thương, mãnh liệt và dữ dội trong tình yêu, là người phụ nữ tài giỏi, làm thơ hay, khiến bao người đàn ông ngưỡng mộ, khát khao… tính cách ấy được thể hiện qua các bài thơ của nữ sĩ, trong tử vi thế hiện là người có số Đào Hoa.

Với phương pháp nghiên cứu khảo thơ tìm sử, khảo sử tìm người, lấy sự nghiệp tìm thân thế, nhóm nghiên cứu chúng tôi, đã tìm ra nàng là người có số Đào Hoa chính Ngọ. Lại soi chiếu giả thiết các năm sinh của nữ sĩ, thì năm nào có Đào Hoa chính Ngọ, thể hiện tính cách của nữ sĩ. Phần tìm năm có sao Đào Hoa chính Ngọ.

Xét năm 1770 là năm Canh Dần- năm sinh của nữ sĩ. Năm này có Can-Canh, Can này không chỉ những người phụ nữ có số 2 lần đò, không đúng cuộc đời thực nữ sĩ 2 đời chồng; Năm này có Chi-Dần, Chi này không có Đào Hoa chính Ngọ, không thể hiện nàng là người khát khao tình yêu, mãnh liệt và dữ dội trong tình cảm; năm này chiếu với năm mất của cụ Hồ Phi Diễn, thì nữ sĩ 16 tuổi, không đúng với văn học sử khi nàng 13 tuổi thì cha chết. Xét 3 yếu tố trên, đủ cơ sở để loại năm 1770 không phải là năm sinh của nữ sĩ.

Xét năm 1772 là năm Nhâm Thìn là năm sinh của nữ sĩ. Năm này có Can-Nhâm thường để chỉ người phụ nữ hai lần đò, phù hợp với cuộc đời thực nữ sĩ 2 đời chồng; Năm này có Chi-Thìn, Chi này không có Đào Hoa chính Ngọ, không đúng với tính cách của nữ sĩ; Năm 1772 chiếu với năm mất của cụ Hồ Phi Diễn, thì nàng 14 tuổi, không đúng với thực tế. Từ đây, có cơ sở để loại năm 1772, không phải là năm sinh của nữ sĩ.

Nghiêm Thị Hằng và đồng nghiệp.

Nghiêm Thị Hằng và đồng nghiệp.

Xét năm 1723 là năm Quý Tỵ là năm sinh của nữ sĩ. Năm này có Can-Quý, thường để chỉ người phụ nữ có 2 lần đò, đúng với cuộc đời của nữ sĩ. Năm này có Chi-Tỵ, Chi này có Đào Hoa chính Ngọ, đúng với tính cách của nữ sĩ; Năm này soi chiếu với năm 1786 năm mất của cụ Hồ Phi Diễn, thì nữ sĩ đúng 13 tuổi, phù hợp với cuộc sống thực của nữ sĩ. Xét cả 3 yếu tố đều phù hợp với tính cách cuộc đời thực của nữ sĩ, do đó năm 1773 chính là năm sinh của nữ sĩ.

Khi đã tính được năm sinh, thì chúng tôi cũng lập 12 lá số ứng với 12 tháng trong năm, để tìm ra tháng sinh phù hợp. Khi tìm được tháng sinh phù hợp, chúng tôi lại lập ra 30 lá số tính theo ngày, để tìm ra ngày phụ hợp. Khi đã tìm ra ngày phù hợp, thì chúng tôi lập ra 12 lá số theo 12 canh giờ, để tìm ra giờ sinh phù hợp. Với phương pháp lập lá số và loại lá số, cuối cùng thầy tử vi học Hoàng Văn Khôi, đã giúp chúng tôi lập được lá số tử vi chuẩn của nữ sĩ Hồ Xuân Hương, sinh giờ Mão 5h30, ngày 15 tháng 7 năm Quý Tỵ (tức ngày 30/8/1773). Lá số tử vi đã nói rõ phận phận của Hồ Xuân Hương.

Tóm lại, nhóm nghiên cứu đã đưa ra lời luận giải về lá số tử vi của Hồ Xuân Hương, phù hợp với cuộc đời thực của nữ sĩ. Có gia tộc nổi tiếng khoa bảng, nữ sĩ có ảnh hưởng từ dòng tộc, con nhà nòi. Nữ sĩ là người có quan hệ rộng, thích giao du, khao khát tình yêu. Là người phụ nữ đoan trang, xinh đẹp, có sức hấp dẫn với người khác giới. Là nhà thơ xuất chúng, được tôn vinh là “Bà Chúa thơ Nôm” của Việt Nam, được tổ chức UNESCO thế giới vinh danh là “Danh nhân văn hóa”.

Từ lá số tử vi của nữ sĩ, nhóm nghiên cứu chúng tôi cũng đã tìm ra ngày mất của nữ sĩ ngày 14 tháng 8 năm Nhâm Ngọ, tức ngày 28/9/1822, tuổi mệnh 49.

Như vậy về ngày tháng năm sinh ngày tháng năm mất của Hồ Xuân Hương, nhóm nghiên cứu của tác giả Nghiêm Thị Hằng giải mã.

Chúng tôi sẽ giới thiệu tiếp bí ẩn về nhân duyên và phận mộ của nàng thơ, trong các bài viết sau.