Ấn bản “Hoàng Cầm về Kinh Bắc” được giới thiệu tới công chúng nhân 100 năm ngày sinh của thi sĩ “Bên kia sông Đuống”. Sách đã được giới thiệu tại Hà Nội. Ngày 20/2/2022, ấn bản đặc biệt này đến với độc giả phía Nam.
“Sự nghiệp mà thi sĩ Hoàng Cầm đã để lại cho hậu thế khá phong phú, bao gồm nhiều vở kịch thơ, tập thơ, trường ca… nhưng có thể khẳng định “Về Kinh Bắc” là tập thơ tiêu biểu nhất của ông về tình ý, tâm sự, giọng điệu, thi pháp; là tác phẩm toàn bích và cũng nổi tiếng nhất của ông vì gắn với những huyền thoại về cuộc đời thơ, nghiệp thơ, phận thơ, mệnh thơ của tác giả. Không những thế, tập thơ còn là một sử thi trữ tình độc nhất vô nhị về văn hoá Kinh Bắc, vùng văn vật cổ xưa, cái nôi của văn hoá Việt” – Nhóm biên soạn cuốn sách đánh giá.
Tại sân khấu chính của Đường sách TP.HCM, cuộc giao lưu ấm cúng đã diễn ra với sự có mặt của các diễn giả - nhà thơ Hoàng Hưng, nhạc sĩ Trần Tiến và rất đông các nhà văn, nhà thơ đất phương Nam.
Lúc sinh thời, cũng như sau này trong những dòng hồi ký ghi chép lại, thi sĩ Hoàng Cầm tự nhận mình mang một nỗi sầu bẩm sinh. Để rồi những nét đặc trưng văn hoá Việt của người con gái Kinh Bắc đi vào thơ ông tự nhiên thấm đẫm tình quê, đẹp quyến rũ đến nao lòng nhưng luôn mang một nét buồn đau đáu. Cũng như mối tình của người em theo đuổi chị, lang bang một đời đi tìm chiếc lá diêu bông.
Nhà thơ người Mỹ Paul Christiansen rất quan tâm đón đọc cuốn sách của thi sĩ Hoàng Cầm ngay tại buổi giới thiệu trên Đường sách TP.HCM |
Nhạc sĩ Trần Tiến xúc động kể lại kỷ niệm khó quên, khi mà từ hình ảnh ẩn dụ lá diêu bông trong bài thơ của thi sĩ Hoàng Cầm đã khắc một nhát cắt cảm xúc vào trong tim ông, để rồi, bật ra là nét nhạc “Sao em nỡ vội lấy chồng”, năm đó, đã đoạt một giải thưởng rất lớn của Trung ương Đoàn trao tặng. Lúc biết tin đoạt giải, nhạc sĩ Trần Tiến nhất quyết kéo thi sĩ Hoàng Cầm lên sân khấu, trao tặng nhà thơ đúng một nửa trị giá giải thưởng. Dù thi sĩ Hoàng Cầm phân bua: “Trần Tiến có phổ nhạc bài thơ ấy đâu”. Nhưng nhạc sĩ vẫn khẳng định: “Tuy không phổ nhạc, nhưng chỉ cần dùng ba chữ “lá diêu bông” của anh, đã là linh hồn của ca khúc rồi. Giải thưởng này nhất định thuộc về anh một nửa”.
Nhà thơ Hoàng Hưng tiết lộ thêm một chi tiết, từ hồi ức, ông cho biết sau sự kiện giải thưởng đó, nhiều người cho rằng nhạc sĩ Trần Tiến đã phổ nhạc bài thơ “Lá diêu bông” của thi sĩ Hoàng Cầm mà không xin phép. Tuy nhiên, trong cuốn hồi ký (chưa xuất bản), thi sĩ Hoàng Cầm cho hay không có chuyện đó. Ngược lại, nhà thơ Hoàng Cầm lại hết mực trân trọng mối duyên đã khiến nhạc sĩ Trần Tiến lựa chọn ba chữ “lá diêu bông” đưa vào nhạc phẩm của ông, khiến muôn người biết đến chiếc lá không có thật đã trở thành biểu tượng của tình yêu.
Nhà văn Dạ Ngân và nhà thơ Hoàng Hưng tại buổi giao lưu. Ảnh: Hoà Bình |
Nhạc sĩ Trần Tiến, tại buổi giao lưu 20/2/2022 trên Đường sách TP.HCM vô tình tiết lộ với khán thính giả, ông là bệnh nhân ung thư vòm họng giai đoạn 4, cho nên, ông càng cảm thấy trân trọng hơn mối duyên trời định đã đưa ông đến quen biết với thi sĩ Hoàng Cầm: “Sự mơ mộng trong thơ Hoàng Cầm khiến tôi cứ nhắc tới là nổi da gà. Chính sự mơ mộng đặc biệt quý báu này đã đưa chúng tôi trở lại với vẻ đẹp nghệ thuật luôn nổi lên giữa cõi đời ô trọc. Còn cao hơn thế, tôi đánh giá, sự mơ mộng chính là giá trị tâm hồn để khẳng định sự khác biệt giữa con người với loài vật. Nếu không còn mơ mộng, cuộc sống loài người sẽ chỉ còn là những cỗ máy hay sự tồn tại như những robot mà thôi”.
Lá Diêu bông – Thơ Hoàng Cầm
Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng
Chị thẩn thơ đi tìm
Đồng chiều Cuống rạ
Chị bảo - Đứa nào tìm được lá Diêu Bông
Từ nay ta gọi là chồng
Hai ngày em tìm thấy lá
Chị chau mày - Đâu phải lá Diêu Bông
Mùa đông sau em tìm thấy lá
Chị lắc đầu trông nắng vãn bên sông
Ngày cưới chị Em tìm thấy lá
Chị cười xe chỉ ấm trôn kim
Chị ba con Em tìm thấy lá
Xoè tay phủ mặt chị không nhìn
Từ thuở ấy
Em cầm chiếc lá đi đầu non cuối bể
Gió quê vi vút gọi Diêu Bông hời!... ...ới Diêu Bông!...