Nhà văn Hồ Anh Thái vừa ra mắt ấn phẩm mới "Đức Phật, nữ chúa và điệp viên" |
Cơ duyên với Ấn Độ huyền bí
Được biết đến là một trong những tiểu thuyết gia hàng đầu của văn học Việt Nam đương đại, tác giả của gần 50 đầu sách, Hồ Anh Thái đồng thời là nhà nghiên cứu văn hóa và từng có thời gian làm công tác ngoại giao ở Ấn Độ.
Đức Phật, Nữ Chúa và điệp viên là cuốn tiểu thuyết nối dài niềm đam mê với đề tài Ấn Độ của Hồ Anh Thái, trước đó phải kể tới cuốn tiểu thuyết đầy ma lực Đức Phật, nàng Savitri và tôi - tái hiện cuộc đời Đức Phật Thích Ca với nhiều chi tiết đặc sắc, ít được biết tới - và tập truyện ngắn xuất sắc lấy bối cảnh Ấn Độ Tiếng thở dài qua rừng kim tước.
Đúng như ông từng bộc bạch trong Ở lại để chờ nhau: “Bập vào Ấn Độ như một lần trót thử ma túy. Nghiện. Ám ảnh. Hành. Nhớ quay nhớ quắt. Một thứ ma lực hút ta vào và đời ta mãi mãi không thể nào bình yên được nữa”, ở cuốn tiểu thuyết mới nhất này, độc giả được gặp lại một Hồ Anh Thái sắc sảo, khúc chiết, với những con chữ kết tinh cao độ; nhịp văn nhanh, hoạt, nhưng dồn nén được một trữ lượng nội dung không hề nhỏ. Viết về một chủ đề không mới nhưng qua sức tưởng tượng độc đáo và xen lẫn tinh thần hài hước khoan hòa của một nhà văn nhà nghề, tác giả đã tái hiện không khí Ấn Độ cổ đại tại tiểu quốc Vamsa, với đầy đủ những sắc thái tôn giáo đặc thù và đặc biệt là cả những góc khuất trong hoạt động của Giáo đoàn buổi ban đầu.
Cuốn sách mới của nhà văn Hồ Anh Thái vừa đến với bạn đọc Việt |
Giữa “thiêng” và “phàm”
Ngay từ nhan đề tác phẩm, Đức Phật, Nữ chúa và điệp viên, tác giả đã tạo ra được một ấn tượng về những tuyến nhân vật trái chiều, giữa tinh và thô, giữa thiện và ác, giữa thiêng và phàm.
Đi vào đề tài Ấn Độ, ngòi bút Hồ Anh Thái thể hiện khả năng sử dụng chất liệu lịch sử nhuần nhuyễn, một số nhân vật trong truyện trong truyện là những nhân vật lịch sử: Đức Phật, Vua xứ Vamsa, Hoàng hậu,… Ngay cả những nhân vật hư cấu, ở một mức độ nào đó, cũng đều mang nhiều thân phận lịch sử có thật. Và dù cho, xuyên suốt câu chuyện là những mối quan hệ chồng chéo giữa nhiều phương diện, nhưng sau cùng vẫn bật lên nỗi trăn trở nhân sinh mang tầm phổ quát, vượt thoát khỏi khuôn khổ lãnh thổ địa lý và thời gian lịch sử.
Một cô gái nghèo đẳng cấp thấp bị bọn nhà giàu xâm phạm phẩm tiết, sau trở thành nữ tướng cướp biệt danh Nữ Chúa, với cách báo thù ghê rợn.
Một công tử con quan vì theo đuổi người mình yêu mà phải gia nhập lực lượng đặc biệt, rồi được hoàng gia cài cắm vào làm điệp viên trong giáo đoàn của Phật, có nhiệm vụ mật báo những tin tức liên quan đến giáo đoàn.
Đức Phật, trong bốn mươi lăm năm truyền giảng giáo thuyết của mình, đã thành công với tất cả các vương quốc của Ấn Độ, chỉ trừ một nơi. Đấy là tiểu vương quốc Vamsa. Vị tiểu vương ở đó là người thế tục, không tha thiết với các giá trị tâm linh, lòng luôn đầy ngờ vực các loại triết thuyết sẽ tranh đoạt quyền lực của mình. Giáo đoàn ở đó thuở ban đầu cũng có một số bê bối, chia rẽ, mất đoàn kết dai dẳng nhiều năm trời.
Nhà văn đi từ bí mật hậu cung đến việc lớn triều đình
“Kiệm lời. Đa sắc thái biểu cảm. Những con chữ có độ kết tinh. Nhà văn đi từ bí mật hậu cung đến việc lớn triều đình; từ tinh thất bình an đến những chuyện rất đời; từ câu chuyện tình yêu mang màu sắc kiếm hiệp diễm tình đến những hận thù truyền đời khó buông bỏ”.
“Lịch sử cho thấy căn tính của một dân tộc. Tiểu thuyết lịch sử cho thấy trí lực và tầm văn hóa của một nhà văn. Tiểu thuyết Đức Phật, Nữ Chúa và điệp viên viết về lịch sử nhưng không lệ thuộc sự kiện mà nhà văn đã trình hiện lịch sử theo cách của một cái-tôi-văn-hóa. Câu chuyện về lịch sử cổ đại Ấn Độ được cấu trúc theo lối cổ điển, phù hợp với chuyện xưa tích cũ. Nội dung được triển khai từ một sườn truyện dựa trên trục nhân vật, vừa phân mảnh, vừa liên hoàn. Những nổi nênh phận người dồn nén qua lời tự bạch và dòng tâm trạng. Một cô gái thuộc “đẳng cấp bất khả tiếp xúc” trở thành Nữ Chúa. Một chàng trai si tình thành nhà sư kiêm điệp viên. Một hoàng hậu sống giữa biến loạn vương triều nhưng bằng thiên nhãn nhìn thấu cõi vô minh. Một tiểu vương đắm mình trong hoan lạc, mê muội dẫn đến mâu thuẫn giữa quý phi và hoàng hậu với những cái chết thảm thương”.
(Lê Thị Hường, Đại học Sư phạm Huế)