Đây là ý kiến của ông Nguyễn Trọng khoa – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế - đưa ra tại hội nghị giao ban trực tuyến về công tác phòng, chống dịch COVID-19 do Bộ Y tế tổ chức diễn ra vào sáng nay (20/1).
Chủ động xét nghiệm, sàng lọc COVID-19
Trước tình hình dịch COVID-19 còn nhiều diễn biến phức tạp, nhằm đảm bảo hoạt động của bệnh viện và phòng khám, Bộ Y tế đã tiến hành kiểm tra, đánh giá các bệnh viện theo Bộ tiêu chí đánh giá bệnh viện an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19.
Qua quá trình kiểm tra, Bộ Y tế đã đánh giá được gần 100% các bệnh viện. Hầu hết các bệnh viện đều chủ động trong công tác phòng, chống dịch. Tuy nhiên, Bộ Y tế đã phát hiện có 14 bệnh viện không đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Với các phòng khám, khi tiến hành đánh giá về tiêu chí phòng khám an toàn đã có 47% phòng khám được đánh giá an toàn và cập nhập lên bản đồ COVID-19. Tuy nhiên, vẫn còn 53% phòng khám chưa tiến hành đánh giá và đăng ký vào phần mềm trực tuyến do Bộ Y tế cung cấp.
Nhân viên y tế đo nhiệt độ cho người dân (Ảnh: Minh Thuý) |
Theo ông Khoa, đến thời điểm hiện tại đã có tổng cộng 60 bệnh viện tuyến tỉnh chủ động đầu tư các trang bị thực hiện xét nghiệm sàng lọc, khẳng định virus SARS-CoV-2 nhưng vẫn có tới gần 200 bệnh viện tuyến tỉnh chưa thể xét nghiệm khẳng định COVID-19.
Từ thực trạng này, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh trong giai đoạn hiện nay cần tăng cường giám sát các ca nhập cảnh trong cộng đồng. Bởi nếu chẳng may để lọt người nhiễm virus SARS-CoV-2 thì nơi đầu tiên mà họ tìm đến chính là các cơ sở y tế và bệnh viện.
Vì thế, các bệnh viện, cơ sở y tế phải nâng cao cảnh giác để chủ động phòng, chống dịch bệnh. Các bệnh viện phải thực hiện nghiêm việc sàng lọc, phát hiện sớm, tiến hành sàng lọc với nhân viên y tế, người nhà và bệnh nhân nhất là ở những khoa lâm sàng có nguy cơ cao. Điển hình như ở Đà Nẵng, bệnh viện phải chủ động sàng lọc những bệnh nhân mắc bệnh nặng đang điều trị có nguy cơ tử vong cao.
Tận dụng thời gian, sẵn sàng cho tình huống xấu nhất
Trong thời điểm không có ca bệnh trong cộng đồng, các bệnh viện, phải chủ động, thận dụng thời gian chuẩn bị cho tình huống xấu nhất, đồng thời, thành lập các đơn vị đáp ứng nhanh với tình hình dịch bệnh” – ông Khoa nhấn mạnh.
Từ thực tế nguồn nhân lực là các bác sĩ ở bệnh viện, ông Khoa cho hay: “Nguồn nhân lực ở các bệnh viện, đặc biệt là bác sĩ cấp cứu, bác sĩ điều trị đang rất mỏng. Vì thế các bệnh viện phải tăng cường bồi dưỡng, đào tạo, có sự chuẩn bị trước nhằm kịp thời điều trị bệnh nhân nặng ở địa phương trong tình huống dịch COVID-19 bùng phát trở lại.”
Cán bộ y tế phun khử khuẩn để phòng, chống COVID-19 (Ảnh: Minh Thuý) |
Bên cạnh đó, vấn đề kiểm soát nhiễm khuẩn, thông khí, trang thiết bị y tế cần thiết ở các bệnh viện còn yếu. Vì thế, Bộ Y tế đã có quy định kiểm soát lây nhiễm trong vấn đề thông khí và quy trình sàng lọc để kiểm soát lây nhiễm. Khi quy định đã được ban hành, ông Khoa yêu cầu các địa phương phải kiểm tra lại toàn bộ các vấn đề này ở bệnh viện để có những kỹ năng cần thiết ứng phó khi dịch bệnh lây lan.
Hiện, nhiều địa phương đã có phương án chuyển đổi bệnh viện đa khoa, chuyên khoa thành nơi điều trị COVID-19. Do đó, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị các địa phương cần lên kế hoạch rõ ràng, đảm bảo đầy đủ công tác hậu cần, điều kiện cơ sở vật chất,… nhằm điều trị cho bệnh nhân. Đặc biệt, các đơn vị phải thực hiện phương châm “sàng lọc kỹ, chấn đoán sớm, xét nghiệm kịp thời” – coi bệnh viện như cộng đồng có nguy cơ cao. Cụ thể, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật phải phối hợp với các bệnh viện để tiến hành xét nghiệm virus SARS-CoV-2 ngẫu nhiên cho người bệnh và nhân viên y tế trong bệnh viện đúng theo chỉ thị của Bộ Y tế.