Giải mã nguyên nhân khiến Mỹ - Trung chưa thể đạt được một hiệp nghị về mậu dịch

VietTimes — Sau cuộc đàm phán cấp cao giữa Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, tuy cả hai bên đều bày tỏ khá hài lòng về kết quả, nhưng Bộ trưởng thương mại Wilbur Ross lại cho rằng “hai bên còn cách một hiệp nghị rất, rất xa”; ông Donald Trump thì cảnh báo: nếu Trung Quốc không nhượng bộ ông sẽ không đồng ý bất cứ hiệp nghị nào! Vậy đâu là yêu cầu của Mỹ mà Trung Quốc không thể đồng ý là điều giới quan sát quốc tế rất quan tâm.
Vòng đàm phán mậu dịch Mỹ - Trung thứ 6 kết thúc dù hai bên đều nói có tiến triển nhưng Mỹ lại cho rằng "hai bên còn cách một hiệp nghị rất xa".
Vòng đàm phán mậu dịch Mỹ - Trung thứ 6 kết thúc dù hai bên đều nói có tiến triển nhưng Mỹ lại cho rằng "hai bên còn cách một hiệp nghị rất xa".

Tờ Sankei Shimbun của Nhật ngày 2.2 đã đăng bài dẫn nguồn tin của phía Trung Quốc cho biết, do một yêu cầu của Mỹ quá hà khắc nên khả năng Trung Quốc chấp nhận là không cao. Trong bức thư tay được cho là do chính Chủ tịch Tập Cận Bình viết gửi Tổng thống Donald Trump cũng đề xuất “hai bên đều cùng lui một bước”, người ta cho rằng “bước lui” đó là nhằm nói đến yêu cầu hà khắc ấy của phía Mỹ.

Theo Sankei Shimbun, vấn đề chủ yếu mà hai bên thương thuyết là Trung Quốc phải chấm dứt việc yêu cầu có tính ép buộc các công ty Mỹ ở Trung Quốc chuyển nhượng công nghệ một cách không hợp lý và Mỹ quản lý giám sát chặt chẽ hành vi xâm phạm bản quyền sở hữu trí tuệ của phía Trung Quốc.

Giáo sư Thời Ân Hằng ở Đại học Nhân dân Trung Quốc cho rằng, việc Mỹ đưa ra yêu cầu quản lý giám sát những động thái cải cách chỉnh đốn của Trung Quốc rõ ràng là hành vi can thiệp vào chủ quyền của Trung Quốc, không thể được chính phủ Trung Quốc chấp nhận.

Ngoài ra còn có yêu cầu chính phủ Trung Quốc chấm dứt tài trợ, ủng hộ các công ty quốc doanh. Công ty quốc doanh là sự nối dài quyền lực của chính phủ, quản lý và kinh doanh chúng thực ra là hành vi của chính phủ; Mỹ yêu cầu chính phủ Trung Quốc hoàn toàn từ bỏ tham dự vào việc kinh doanh của các công ty quốc doanh là không phù hợp với tình hình Trung Quốc, cho dù phía Trung Quốc có đáp ứng yêu cầu đó về bề ngoài thì cũng không thực sự khả thi.

Giáo sư Thời Ân Hằng: Mỹ đã đưa ra những yêu cầu can thiệp vào chủ quyền khiến Trung Quốc không thể chấp nhận
Giáo sư Thời Ân Hằng: Mỹ đã đưa ra những yêu cầu can thiệp vào chủ quyền khiến Trung Quốc không thể chấp nhận

Giáo sư Thời Ân Hoằng cho rằng, nếu hai bên quả thực “cùng lui một bước” ký một văn bản ghi nhận thì cũng không thể chứng minh hai bên có thể thực thi cam kết. Trước một Trung Quốc đang cạnh tranh mạnh mẽ với Mỹ trên mọi lĩnh vực, sự đối kháng giữa hai bên sẽ vẫn tiếp diễn; đồng thời, để kiềm chế Trung Quốc phát triển thực lực rất nhanh, Mỹ sẽ không ngừng việc trù dập Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ.

Trang tin Đa Chiều (DWNews) được cho là thân cận với Bắc Kinh hôm 1.2 cũng đăng bài phân tích về những nhượng bộ của Trung Quốc đối với Mỹ trong đàm phán. Bài báo viết: từ thông báo về cuộc đàm phán của chính phủ Trung Quốc có thể thấy rằng, các yêu cầu của Mỹ là chủ yếu, bao gồm “thảo luận cân bằng mậu dịch, chuyển nhượng công nghệ, bảo hộ bản quyền sở hữu trí tuệ, rào cản phi thuế quan, ngành dịch vụ, ngành nông nghiệp và cơ chế thực thi”; còn yêu cầu của phía Trung Quốc chỉ có mỗi “vấn đề mà Trung Quốc quan ngại” khá mơ hồ.

Trong nội dung đàm phán cụ thể, Trung Quốc đồng ý “tăng cường hợp tác thêm”, “sẽ tích cực đáp ứng” về các vấn đề mà Mỹ quan ngại là bảo hộ bản quyền sở hữu trí tuệ và chuyển nhượng công nghệ, “sẽ áp dụng biện pháp hữu hiệu để thúc đẩy mậu dịch Trung – Mỹ phát triển cân bằng hóa; Trung Quốc sẽ mở rộng việc nhập khẩu nông sản, năng lượng, sản phẩm công nghiệp và dịch vụ của Mỹ”. Đối với việc giải quyết yêu cầu của Trung Quốc chỉ ghi đơn giản “hai bên đã tiến hành trao đổi, phía Mỹ sẽ tích cực đáp lại sự quan ngại của phía Trung Quốc”. Trong tuyên bố của Nhà Trắng, sự chênh lệch còn trực tiếp hơn, hầu như toàn bộ bản thông báo đều chỉ nói đến Trung Quốc đã đáp ứng các yêu cầu của Mỹ như thế nào.

Điều này cho thấy, mặc dù đánh giá về vòng đàm phán này của Trung Quốc là “giành được tiến triển quan trọng có tính giai đoạn”, “rất có hiệu quả”, “hai bên đã xác định được thời gian biểu và lộ trình đàm phán tiếp theo”, “đã đạt được nguyên tắc chung” về xây dựng cơ chế thực hiện”; nhưng để đạt được những mục tiêu đó, Trung Quốc đã phải đơn phương nhượng bộ khá nhiều, thể hiện rõ thế thủ trong quá trình đàm phán. Đối với Trung Quốc mà nói, đó là sự tự kiềm chế và nhân nhượng không hề dễ dàng.

Việc Mỹ khởi tố bà Mạnh Vãn Chu và Huawei, chính thức yêu cầu dẫn độ bà Chu ngay hôm ông Lưu Hạc tới Mỹ được xem là phủ bóng đen lên cuộc đàm phán, thiếu thành ý đàm phán nghiêm trọng và thiếu tôn trọng đối thủ đàm phán
Việc Mỹ khởi tố bà Mạnh Vãn Chu và Huawei, chính thức yêu cầu dẫn độ bà Chu ngay hôm ông Lưu Hạc tới Mỹ được xem là phủ bóng đen lên cuộc đàm phán, thiếu thành ý đàm phán nghiêm trọng và thiếu tôn trọng đối thủ đàm phán

Đa Chiều viết, cần phải biết rằng, trong thời gian đàm phán, khi ông Lưu Hạc vừa đặt chân đến Mỹ, Bộ Tư pháp nước này đã tập hợp một số cơ quan quyền lực tổ chức họp báo lớn, đưa ra 23 tội danh khởi tố bà Mạnh Vãn Chu và Huawei, chính thức yêu cầu dẫn độ bà Chu, phủ bóng đen lên cuộc đàm phán. Cách làm đó ít nhất cũng là thiếu thành ý đàm phán nghiêm trọng và thiếu tôn trọng đối thủ đàm phán.

Bài báo viết, cuộc chiến mậu dịch hiện nay là do chính phủ Donald Trump đơn phương gây ra. Ông Trump từ khi tranh cử tổng thống năm 2016 đã tiến thêm một bước trong việc ngăn chặn Trung Quốc hơn các chính phủ tiền nhiệm, coi Trung Quốc là cái bia để trút bỏ những mâu thuẫn trong nội bộ Mỹ. Sau khi lên cầm quyền, ông ta ngoài việc đề ra chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương kiềm chế Trung Quốc và thao túng vấn đề Đài Loan, còn ra tay mạnh với Trung Quốc trong vấn đề kinh tế - mậu dịch. Điều khiến dư luận Trung Quốc khó chấp nhận nhất là trong quá trình đàm phán, chính quyền Donald Trump luôn lật mặt, không giữ chữ tín, mấy lần đạt được thỏa thuận trong đàm phán rồi lại trở mặt, không ngừng leo thang trong trừng phạt mậu dịch, thậm chí đâm dao sau lưng, dựng lên sự kiện Mạnh Vãn Chu....

Đa Chiều cho rằng, trong tình hình và dư luận như thế, Trung Quốc đã nhiều lần chủ động đề nghị đàm phán và nhượng bộ Mỹ khá nhiều, làm như thế là điều rất khó khăn trong việc chế áp chủ nghĩa dân tộc cực đoan quá khích trong nước. Thực tế cho thấy dù trong lòng rất tức giận và bất bình, chính phủ Trung Quốc cũng thông qua con đường ngoại giao bày tỏ nghiêm khắc phản đối, đặc biệt trong sự kiện Mạnh Vãn Chu, thái độ của Bắc Kinh mạnh mẽ và kiên quyết khác thường, nhưng trong hành động cụ thể, Bắc Kinh vẫn rất kiềm chế và nhẫn nhượng.

Giải thích về điều này, Đa Chiều cho rằng: cần phải thấy, Trung Quốc mỗi năm kiếm được từ phía Mỹ mấy trăm tỷ USD qua buôn bán. Đối với khách hàng siêu lớn như thế, không cần thiết vì thể diện mà hại ví tiền; đó là điều thứ nhất. Thứ nữa, xét về tương quan thực lực Trung – Mỹ thì Trung Quốc vẫn thua kém Mỹ khá xa, nhất là trong công nghệ cốt lõi còn chịu cảnh bị người khác khống chế, đó là sự thực khách quan. Lúc đầu chỉ một bản lệnh cấm của Mỹ đã lập tức khiến người khổng lồ viễn thông ZTE lâm vào trạng thái “ngất xỉu”, đó là một bài học sâu sắc. Trung Quốc là nước đang phát triển, vẫn đối diện với vấn đề phức tạp, gay gắt phát triển không đầy đủ và không cân đối, cơ sở để trỗi dậy còn khá mỏng. Mỹ là một siêu cường duy nhất và nước phát triển nhất thế giới, cho dù những năm gần đây thực lực có suy giảm, nhưng vẫn giữ ưu thế đi trước với Trung Quốc. Trước sự chênh lệch về thực lực đó, Trung Quốc cần giữ đầu óc thực tế, quyết không vì những thành tựu đạt được trong mấy chục năm qua mà đầu óc phát sốt, ngạo mạn tự kiêu; cần khách quan nhận rõ sự thua kém Mỹ về thực lực, không được để chủ nghĩa dân túy chủ đạo mù quáng chống Mỹ. Làm như thế không những chỉ vì cái nhỏ mất cái lớn, “tiểu bất nhẫn, loạn đại mưu”, mà còn trúng kế của thế lực cánh Hữu chống Trung Quốc ở Mỹ, rất không cần thiết trở thành kẻ tử thù của nước Mỹ.

Việc chính phủ Mỹ từng ra lệnh cấm ZTE được Trung Quốc coi là một bài học sâu sắc trong quan hệ làm ăn với Mỹ
Việc chính phủ Mỹ từng ra lệnh cấm ZTE được Trung Quốc coi là một bài học sâu sắc trong quan hệ làm ăn với Mỹ

Bài báo cho rằng, dưới tiền đề không tổn hại đến lợi ích cốt lõi của mình, nỗ lực giữ gìn quan hệ hòa mục với khách hàng lớn nhất Mỹ là sự lựa chọn có lý tính đối với lợi ích quốc gia lâu dài. Chỉ cần xu thế Trung Quốc trỗi dậy không bị rối, giữ được cơ hội chiến lược thì việc giữ không gian linh hoạt về ngoại giao, thậm chí nhượng bộ cần thiết, dành cho Mỹ chút lợi ích kinh tế để bớt đi sự thù địch chính là sự thể hiện trí tuệ biết co biết duỗi, lấy lui để tiến trong ván cờ nước lớn.

Đương nhiên, nhẫn nhượng cũng có giới hạn. Trung Quốc tuy cần tuyệt đối tránh đổ vỡ với Mỹ, cũng không nên ghi thù, nhưng cũng phải ăn miếng trả miếng vào lúc thích hợp, nhất là phải dạy cho cánh Hữu Mỹ một bài học, giáng đòn vào khí thế của họ...

Bài viết của Đa Chiều kết luận: điều quan trọng nhất là, Trung Quốc phải rút ra bài học, giữ được tỉnh táo và định rõ chiến lược, tiếp tục ẩn mình chở thời, làm tốt việc của mình, hoàn thiện hiện đại hóa, luyện tốt nội công, không ngừng tích tụ năng lực, phát triển đúng hướng, dần xây dựng được năng lực toàn diện và thâm hậu, kiên định tiến bước theo mục tiêu phục hưng dân tộc. Như thế tất có ngày Trung Quốc thực sự trỗi dậy trở thành cường quốc vừa không bắt nạt người khác giống như Mỹ, lại vừa không cho phép ai kề dao vào cổ mình.