Sóng ngầm ngân sách

Bài toán ngân sách không phải là câu chuyện riêng của Chính phủ hay Bộ Tài chính. Bài toán ngân sách cũng chính là bài toán thể chế.
Bài toán ngân sách không phải là câu chuyện riêng của Chính phủ hay Bộ Tài chính. Ảnh TL
Bài toán ngân sách không phải là câu chuyện riêng của Chính phủ hay Bộ Tài chính. Ảnh TL

Từ chi thường xuyên tăng vọt

Tuần trước, trong chuyến đi công tác tại một xã miền núi phía Bắc miền Trung, chúng tôi có dịp ngồi ăn trưa chung với một nhóm cán bộ xã. Cao hứng, anh công an viên “khoe” tháng rồi anh phải dành gần một tháng tiền lương, để góp phần vào việc trả tiền tiếp khách của xã cho quán ăn này. Tranh thủ hỏi thêm, bà chủ quán cho biết, đây là “quán quen” của xã, và xã còn nợ bà đến gần trăm triệu đồng.

Câu chuyện nợ nần của các địa phương giờ đã là “chuyện thường ngày ở huyện”. Năm ngoái, Thành ủy thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu lùm xùm chuyện tài khoản rỗng không giữa lúc bàn giao nhiệm kỳ, trong khi đơn vị này còn nhiều khoản nợ chưa trả hết. Ở Cà Mau, một chủ quán nhậu khác đòi đốt trụ sở UBND xã, cũng vì cán bộ nợ tiền tiếp khách đến gần 50 triệu đồng.

Những khoản nợ tiền tiếp khách như vừa nêu mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm ngân sách địa phương. Kỷ luật tài khóa ở trung ương vốn đã không chặt chẽ gì, ở địa phương chắc chắn còn lỏng lẻo hơn. Chưa có những tính toán chi tiết hoặc những báo cáo tài chính đáng tin cậy, tuy nhiên, từ quan sát cũng có thể thấy, những cuộc họp hành liên miên, những buổi lễ lạt, tiếp khách... tăng tỷ lệ thuận với “sổ nợ” của các ủy ban, cơ quan đoàn thể tại các quán ăn, nhà hàng ở địa phương. Tiền ấy đương nhiên không phải là tiền túi của công chức, mà là từ nguồn chi thường xuyên trong ngân sách trích ra. Hiệu quả của những khoản chi ngốn một phần không nhỏ trong ngân sách nhà nước này thật khó có thể đo lường.

Đến hiệu quả đầu tư công

Cũng trong thời gian ngắn gần đây, một loạt dự án do các doanh nghiệp nhà nước, hoặc doanh nghiệp có Nhà nước chiếm cổ phần chi phối, nghĩa là bằng cách này hay cách khác sử dụng gián tiếp tiền từ ngân sách, bị điểm mặt chỉ tên là thiếu hiệu quả. Đó là bảy nhà máy sản xuất xăng ethanol, trong đó có ba nhà máy của tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) nằm đắp chiếu. Là đại dự án nhà máy thép 8.000 tỉ đồng của Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên đang hoang tàn. Danh sách những nhà máy thua lỗ, những con đường chưa đi đã hỏng, những khu chợ, trung tâm thương mại thưa thớt người buôn bán, kinh doanh, những tượng đài cỏ mọc còn dài và chắc chắn còn đang tiếp tục dài lên thêm nữa. Tất cả cùng góp phần cho một “thành tích” - tăng nợ công quốc gia và làm xói mòn tiềm năng phát triển của đất nước.

Và ngân sách quốc gia

Chi ngân sách hợp thành từ hai cấu phần: chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển. Chưa nói đến chuyện chi thường xuyên nuôi bộ máy nhà nước tăng vọt, ngốn gần hết chi cho đầu tư; nhìn sâu vào từng mảng đều thấy ngổn ngang các vấn đề. Chính phủ mới được dự báo đang đứng trước những khó khăn gay gắt nhất trong nhiều năm gần đây khi đối mặt với bài toán tài chính như thế. Nhưng lời giải bài toán không nên là tăng thu để bù đắp chi. Giải pháp “tăng thu”, thậm chí nhiều ý kiến cho là “tận thu” như hiện nay, thông qua tăng thuế và phí, và tăng giá các dịch vụ xã hội cơ bản như giáo dục, y tế, không phải là giải pháp căn cơ, thậm chí tiềm ẩn nhiều nguy cơ cả về kinh tế và xã hội. Không thể đòi hỏi người dân và doanh nghiệp oằn mình ra để gánh ngân sách, trong khi bộ máy nhà nước vẫn “vung tay quá trán” với kỷ luật tài khóa lỏng lẻo như thế này.

Về mặt ngắn hạn, những giải pháp kỹ thuật đã được đề xuất, với việc thông qua Luật Ngân sách nhà nước và Luật Đầu tư công năm ngoái. Vẫn còn phải chờ nghị định hướng dẫn chi tiết để xem quy trình quản lý ngân sách sửa đổi có bịt được những lỗ hổng như hiện nay hay không. Tuy nhiên, như nhiều ý kiến đã chỉ ra, những giải pháp kỹ thuật, thông qua siết chặt quy trình, chỉ có thể xử lý được những vi phạm, nhưng tính hiệu quả của chi tiêu ngân sách là thứ mà quy trình kỹ thuật không “xử” được. Tâm lý xài của công hoang phí như xài “tiền chùa” của công chức, những hành vi trục lợi từ ngân sách có thể dễ dàng qua mặt các quy trình(1).

Do đó, lời giải tối hậu cho trách nhiệm quản lý ngân sách trước hết phải là trách nhiệm chính trị. Chỉ khi những người, trực tiếp hay gián tiếp kiểm soát và sử dụng tiền thuế của dân một cách thiếu trách nhiệm phải trả giá bằng chính số phận chính trị của họ từ lá phiếu cử tri hoặc thông qua những người đại diện thực chất của cử tri, lúc đó tính hiệu quả về mặt lâu dài của những quyết định chi tiêu mới có thể được cân nhắc kỹ lưỡng. Bên cạnh đó, giám sát từ báo chí và các tổ chức xã hội là cơ chế bổ trợ hiệu quả từ bên ngoài cho cơ chế giám sát ngân sách từ trong hệ thống. Tuy nhiên, các công cụ giám sát này, suốt thời gian dài vừa qua chưa có được môi trường phù hợp để thực thi các chức năng quan trọng của nó.

Theo TBKTSG