Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương ngày 14/4, trong một thông báo đưa ra ngày 13/4, Bộ Quốc phòng Nga nói chiếc tàu tuần dương tên lửa Moskva, soái hạm của Hạm đội Biển Đen của Nga khi đang hoạt động ở ngoài khơi Ukraine, đã bị hư hại nghiêm trọng do hỏa hoạn vì nổ kho đạn, các thủy thủ buộc phải rời tàu để thoát thân. Trong khi đó quân đội Ukraine cho biết vụ hỏa hoạn là do hạm tàu này bị trúng tên lửa chống hạm Neptune của Ukraine.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết toàn bộ thủy thủ đoàn trên tàu đã được sơ tán an toàn và nguyên nhân vụ cháy đang được điều tra. Thống đốc tỉnh Odessa của Ukraine, ông Maksym Marchenko, tuyên bố rằng một cụm tên lửa chống hạm Neptune được triển khai ở Odessa đã phóng thành công hai tên lửa đánh trúng Moskva, khiến con tàu này bị hư hại nặng và tuyên bố "Vinh quang thuộc về Ukraine".
Bài viết của Thống đốc tỉnh Odessa (Ukraine) trên Telegram về vụ Ukraine dùng tên lửa Neptune tấn công tàu Moskva. |
Ông Oleksiy Arestovych, cố vấn của Tổng thống Ukraine Zelensky, mô tả vụ đánh tàu Moskva là một "niềm vui bất ngờ". Ngọn lửa dữ dội đến mức không biết nó có thể nhận được sự hỗ trợ trên biển hay không. Trên tàu có 510 thủy thủ, và không biết điều gì đã xảy ra ở đó.
Moskva là một tàu tuần dương tấn công chạy bằng động lực truyền thống lớp Glory có lượng choán nước gần 12.000 tấn trang bị chủ yếu có 16 tên lửa P-500 "Basalt" (có tin nói tên lửa P-1000). Tàu tuần dương tấn công lớp Glory được thiết kế và sản xuất vào cuối những năm 1960, nhưng do quá trình tích hợp hệ thống vũ khí mất nhiều thời gian, ban đầu dự kiến đóng 6 tàu, nhưng 2 tàu bị hủy bỏ sau khi Liên Xô giải thể, trong 4 chiếc còn lại chỉ có 3 chiếc được hoàn thành, tàu Moskva hoàn thành đưa vào phục vụ vào năm 1979. Nó được biên chế vào Hạm đội Biển Đen với tư cách là soái hạm của hạm đội.
Ảnh chụp chiếc Moskva ngày 10/4 tại cảng Sevastopol, số hiệu tàu đã bị xóa. |
Theo Đông Phương, tên lửa chống hạm Neptune của Hải quân Ukraine, là tên lửa hành trình phóng từ mặt đất, là loại vũ khí chống hạm quan trọng do Ukraine độc lập nghiên cứu phát triển và sản xuất, có tầm bắn 300 km. Quân đội Ukraine mới chính thức thông báo tiếp nhận lô tên lửa Neptune đầu tiên vào ngày 17 tháng 3 năm nay. Nếu đúng là tên lửa Neptune đã bắn trúng tuần dương hạm Moskva thì đây là chiến công lớn đầu tiên của nó.
Trong khi đó, theo Hãng thông tấn Nga Sputnik, Bộ Quốc phòng Nga ngày 14/4 ra thông báo nói, một vụ hỏa hoạn đã xảy ra trên tàu tuần dương tên lửa Moskva, soái hạm của Hạm đội Biển Đen Nga, khiến kho đạn bị phát nổ, thủy thủ đoàn đã được sơ tán hoàn toàn và con tàu bị hư hỏng nghiêm trọng.
Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga không nêu rõ nguyên nhân vụ cháy tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường Moskva. Bộ Quốc phòng Nga chỉ ra rằng thủy thủ đoàn của tàu tuần dương tên lửa này đã được sơ tán hoàn toàn, và nguyên nhân vụ cháy đang được xác định.
Hệ thống tên lửa hành trình Neptune của Ukraine. |
Theo bản tin của Reuters ngày 14/4, một quan chức Ukraine nói rằng vụ nổ của tàu tuần dương tên lửa Moskva là kết quả của một cuộc tấn công bằng tên lửa.
Thống đốc tỉnh Odessa của Ukraine, ông Maksym Marchenko, cho biết tàu Moskva đã bị hai tên lửa hành trình chống hạm Neptune do Ukraine sản xuất bắn trúng.
Ông Marchenko cho biết trên tài khoản mạng xã hội Telegram: "Các tên lửa Neptune canh giữ Biển Đen đã gây ra thiệt hại rất nghiêm trọng (cho chiếc tàu Moskva)”.
Hãng thông tấn độc lập Ukraine UNIAN dẫn một nguồn tin khác cho biết, hai tên lửa chống hạm Neptune đã bắn trúng chiếc Moskva. Cả hai nguồn tin này đều không đưa ra chứng cứ nào thêm. Reuters cho biết họ tạm thời không thể xác nhận tuyên bố của bên nào trong thời điểm hiện tại. Bộ Quốc phòng Ukraine không phản hồi khi được hỏi.
Trang mạng tin tức MASHNEWS của Nga dẫn lời hai người trong ngành cho biết, do tuần dương hạm Moskva có hệ thống phòng không rất mạnh nên “con tàu khó có khả năng bị trúng tên lửa chống hạm của Ukraine, không thể loại trừ yếu tố con người”. Nhưng cả hai người cũng nhấn mạnh phải chờ thông báo chính thức về nguyên nhân vụ cháy.
Tên lửa hành trình chống hạm Neptune của Ukraine khai hỏa. |
Hãng tin Nga Itar-Tass giới thiệu, chiếc Moskva là soái hạm của Hạm đội Biển Đen. Con tàu được đưa vào hoạt động năm 1983 và là con tàu đầu tiên của tuần dương hạm tên lửa dẫn đường Type 1164. Ban đầu nó tên là Slava, năm 1996 mới được đổi thành Moskva. Con tàu chủ yếu được trang bị 16 đạn tên lửa chống hạm hạng nặng P-1000 "Basalt". Tàu tuần dương Type 1164 có lượng choán nước đầy tải gần 12.000 tấn và là tàu chiến lớn thứ ba trong số các tàu tác chiến mặt nước đang hoạt động của Hải quân Nga, chỉ đứng sau tàu sân bay Kuznetsov và tàu tuần dương tên lửa chạy bằng năng lượng hạt nhân Pyotr Velikiy (Peter Đại đế).
Vào cuối năm 2015, Moskva trở thành soái hạm của lực lượng đặc nhiệm thường trực của Hải quân Nga ở Địa Trung Hải, và hệ thống phòng không của nó có thể bao trùm tới căn cứ không quân Khmeimim của Nga ở Syria.
Cuối tháng 3/2022, quân đội Ukraine đã sử dụng tên lửa đạn đạo chiến thuật tấn công cảng Berdyansk do Nga kiểm soát, chiếc tàu đổ bộ Orsk đang neo đậu tại bến đã bị trúng đạn, bốc cháy và phát nổ, cuối cùng bị chìm.
Ngoài ra, tàu sân bay duy nhất của Nga là chiếc Kuznetsov vẫn chưa thể trở lại hoạt động. Ngày 30/10/2018, chiếc ụ nổi nơi con tàu đang sửa chữa bất ngờ bị chìm, cần cẩu đâm trực diện vào boong tàu sân bay khiến nó hư hại nặng.
Cận cảnh một hệ thống tên lửa hành trình Neptune của Ukraine. |
Về loại tên lửa được Ukraine cho là đã loại khỏi vòng chiến soái hạm Moskva của Hạm đội Biển Đen.
Neptune (tiếng Ukraina: «Нептун») là một tên lửa hành trình chống hạm của Ukraina được phát triển tại Cục thiết kế Lutchi với tầm bắn tối đa 300 km. Nó dự kiến sẽ được lắp đặt trên ba nền tảng: từ bệ phóng trên tàu, trên bộ và trên không.
Tên lửa được đặt trong thùng chứa vận chuyển và phóng (TLC) có kích thước 5.300 x 600 x 600 mm. Bản thân tên lửa có bộ gia tốc dài 5.050 mm. Các TLC mang tên lửa cánh cứng hình chữ thập có thể được đặt trên mặt đất, trên biển hoặc trên tàu sân bay. Mỗi hệ thống phóng đặt trên xe tải gồm 4 ống phóng, có thể phóng liên tiếp các quả đạn.
Tên lửa Neptune được thiết kế tấn công đánh chìm các tàu chiến và tàu vận tải có lượng choán nước lên đến 5.000 tấn theo nhóm tấn công (hộ tống), hoặc di chuyển riêng lẻ.
Tên lửa Neptune được Ukraine phát triển dựa trên thiết kế loại tên lửa chống hạm Kh-35 của Liên Xô, tuy nhiên, các nhà chế tạo Ukraine đã cải thiện đáng kể tầm bắn và hệ thống điện tử của tên lửa.
Tên lửa Neptune được trưng bày lần đầu tiên tại triển lãm "Vũ khí và An ninh 2015" ở Kiev. Theo thông tin được công bố rộng rãi, các mẫu thử nghiệm đầu tiên của tên lửa hành trình Neptune được sản xuất vào mùa xuân năm 2016. Việc sản xuất loại tên lửa tiên tiến này được thực hiện với sự hợp tác của các doanh nghiệp Ukraine khác, bao gồm Artem Luch GAhK, Nhà máy Hàng không Quốc gia Kharkiv (liên doanh với Anh), Auto Industry (động cơ MS-400 tăng áp), Pivdenne YuMZ PivdenMash, Lviv LORTA, Vyshneve ZhMZ Vizar Kiev...
Ngày 22/3/2016, vụ thử tên lửa Neptune đầu tiên đã diễn ra. Vào giữa năm 2017, tên lửa đã được thử nghiệm đồng thời với cuộc thử nghiệm của tên lửa Vilkha. Tuy nhiên, khác với Vilkha, kết quả thử nghiệm và tính năng của tên lửa Neptune không được công bố.
Đạn tên lửa Neptune nặng 870kg, có đầu nổ 150kg. |
Theo bản tin ngày 30/1/2018 của Trung tâm Phát triển Quốc gia Ukraine, cuộc thử nghiệm đầu tiên của Ukraine đối với loại tên lửa hành trình trên mặt đất có khả năng tấn công các mục tiêu mặt đất và hải quân với độ chính xác cao đã thành công vào ngày 17/8/2018, tên lửa này đã bắn thử thành công đánh trúng mục tiêu trong phạm vi 100 km ở Nam Odessa. Tên lửa đã được thử nghiệm thành công một lần nữa vào ngày 6/4/2019 và bắn trúng mục tiêu trong cuộc thử nghiệm gần Odessa và ra mắt công chúng vào tháng 12/2019. Tuy nhiên không rõ nguyên nhân gì mãi đến 17/3/2022 lô tên lửa Neptune đầu tiên mới được bàn giao cho quân đội Ukraine.
Tên lửa Neptune nặng 870 kg, đầu đạn nặng 150 kg, tầm bắn tối đa 300 km với tốc độ khoảng 900 km/giờ, bay cách mặt đất từ 3 đến 10 mét. Tổ hợp có thể bắn cùng lúc 24 tên lửa, tức là từ 6 bệ phóng với khoảng thời gian phóng giãn cách từ 3 đến 5 giây/quả.