Số bài viết vi phạm bị Facebook gỡ năm nay tăng 400% so với năm 2019

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc

VietTimes – Tính từ đầu năm đến nay, Facebook đã gỡ 2.311 bài viết vi phạm luật pháp Việt Nam ra khỏi nền tảng. Hàng loạt fanpage, trang cá nhân giả mạo cũng nhanh chóng bị “bay màu”.

Hàng loạt nội dung xấu độc, nhảm nhí đã bị "xóa sổ" trên Facebook, YouTube.
Hàng loạt nội dung xấu độc, nhảm nhí đã bị "xóa sổ" trên Facebook, YouTube.

Đây là thông tin báo cáo nằm trong văn bản trả lời của Bộ TT&TT trước kiến nghị của cử tri Hải Phòng về các biện pháp phòng chống luận điệu xuyên tạc từ các thế lực thù địch trên không gian mạng. Hiện tại, các thế lực này đang lợi dụng môi trường mạng, đặc biệt là mạng xã hội để đưa những thông tin xấu độc, bôi nhọ chế độ, xuyên tạc các đường lối, chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước trước thềm Đại hội Đảng.

Trong thời gian qua, Bộ TT&TT đã triển khai nhiều biện pháp mạnh tay, yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới như Facebook, Google kiểm soát, ngăn chặn phát tán thông tin xấu độc, trái với luật pháp Việt Nam.

Cụ thể, tính từ đầu năm 2020 đến nay, Facebook đã gỡ 290 tài khoản giả mạo cá nhân, tổ chức tuyên truyền chống phá Nhà nước Việt Nam theo yêu cầu của Bộ TT&TT. Nền tảng này cũng đã gỡ 154 fanpage đăng thông tin sai sự thật, mang nội dung tuyên truyền chống phá Đảng và Nhà nước, bôi nhọ, xúc phạm, gây mất uy tín nhiều cơ quan tổ chức.

Bên cạnh đó, Bộ TT&TT cũng yêu cầu Google vào cuộc, gỡ bỏ hơn 29.000 video vi phạm, 24 kênh phản động với hàng ngàn video mang nội dung chống phá Đảng trên YouTube. Tỷ lệ gỡ chặn thống kê đạt 87%. Trên môi trường mạng, Bộ TT&TT chủ động chặn 1.714 website/blog xấu độc, vi phạm pháp luật với hàng chục nghìn bài viết tiêu cực.

Bên cạnh việc yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ rà soát, gỡ, chặn nội dung xấu độc, Bộ TT&TT còn phối hợp với các cơ quan chức năng và địa phương, triển khai xử lý vi phạm hành chính để răn đe. Theo đó, đã có 26 vụ việc bị nhắc nhở, 45 vụ xử phạt vi phạm với tổng số tiền hơn 323,5 triệu đồng.

Ngoài ra, Bộ cùng đưa ra một số hạn chế về giải pháp kỹ thuật và chính sách cần được hoàn thiện trong thời gian tới. Về công tác tuyên truyền, hiện nay Bộ TT&TT đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương chủ động cung cấp thông tin, định hướng các cơ quan báo chí. Các đơn vị tập trung tuyên truyền các nội dung nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, giúp nhận biết và cảnh giác với thông tin xấu độc.

Thời gian tới, Bộ tiếp tục thực hiện các biện pháp về cơ chế chính sách, bổ sung chế tài xử phạt nghiêm khắc, đồng thời phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới để kiểm soát các nội dung trên không gian mạng chặt chẽ hơn.

Bên cạnh đó, Bộ sẽ xây dựng và phổ biến bộ quy tắc, chuẩn mực xã hội và các kỹ năng an toàn đối với người sử dụng internet tại Việt Nam. Các Bộ, ban, ngành khác cũng tham gia phối hợp cùng Bộ TT&TT để xử lý vi phạm mạng liên quan đến lĩnh vực quản lý khi cần thiết.