Sau ve vuốt, phương Tây lại “trở giọng” với Nga

Nga và phương Tây đã đạt được thoả thuận đáng hy vọng trong cuộc đàm phán hoà bình về Ukraine ở Minsk ngày 12.02. Kết quả đạt được là nhờ có sự thoả hiệp, nhượng bộ lẫn nhau. Tuy nhiên, sau những “ve vuốt”, phương Tây nhanh chóng lên giọng cảnh báo Nga.
Tổng thống Ukraine Poroshenko
Tổng thống Ukraine Poroshenko

Liên minh Châu Âu (EU) hôm qua (12/2) cảnh báo, họ sẵn sàng tung thêm các biện pháp nhằm trừng phạt Nga nếu thoả thuận hoà bình mới nhất vừa đạt được tại cuộc họp 4 bên bị vi phạm, Chủ tịch Liên minh Châu Âu Donald Tusk cho hay.
 
"Cuộc tranh luận đang tập trung vào việc làm thế nào để ủng hộ cho việc thực thi thoả thuận hoà bình. Nếu thoả thuận bị vi phạm, chúng tôi sẽ không ngần ngại tiến hành những bước đi cần thiết”, Hội đồng Châu Âu đã đe doạ như vậy tại một cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh của Liên minh Châu Âu.
 
Hội nghị thượng đỉnh EU chủ yếu thảo luận về thoả thuận ngừng bắn đạt được trước đó cùng ngày ở thủ đô Minsk của Belarus sau các cuộc đàm phán tích cực giữa nguyên thủ 4 nước Nga, Đức, Pháp và Ukraine nhằm tìm một cái kết tốt đẹp cho cuộc xung đột vũ trang đẫm máu kéo dài suốt 4 tháng qua giữa Kiev và lực lượng ly khai miền đông.
 
Tại hội nghị, Chủ tịch Liên minh Châu Âu Tusk đã lên tiếng đe doạ, liên minh này sẵn sàng thúc đẩy thực thi các đòn trừng phạt mới nhằm vào 19 cá nhân và 9 thực thể của Nga cũng như lực lượng ly khai miền đông Ukraine vào tuần tới bất chấp việc các nước thành viên EU đã nhất trí hồi đầu tuần về việc tạm hoãn gói lệnh trừng phạt mới trong một tuần để tạo cơ hội thành công cho các cuộc đàm phán ở Minsk.
 
"Niềm tin vào thiện chí của Tổng thống Putin là có giới hạn. Đó là lý do tại sao chúng ta cần phải duy trì quyết định trừng phạt”, ông Tusk tuyên bố.
 
Chủ tịch Liên minh Châu Âu Tusk vốn là người chống đối Nga mạnh mẽ. Khi còn dẫn dắt đất nước Ba Lan, chính quyền của ông Tusk ủng hộ cho chính sách của Ukraine trong việc bắt tay với phương Tây, rời xa Nga. Ông Tusk luôn mong muốn và kêu gọi NATO tăng cường sự hiện diện quân sự tại Ba Lan để đối phó với Nga. Trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine hiện nay, ông Tusk thể hiện thái độ phản đối mạnh mẽ Nga, cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình xáo trộn ở nước láng giềng và thường xuyên hăng hái kêu gọi phương Tây trừng phạt Nga.
 
Ngoài ông Tusk, Tổng thống Pháp Francois Hollande hôm qua cũng lên tiếng cảnh báo Nga rằng sẽ có thêm nhiều biện pháp trừng phạt được tung ra nếu thoả thuận ngừng bắn mới do Pháp và Đức đứng ra làm trung gian không được tôn trọng.
 
Tuy nhiên, nếu lệnh ngừng bắn được thực thi đầy đủ, các biện pháp trừng phạt sẽ dần dần được gỡ bỏ, ông Hollande tuyên bố. Nhà lãnh đạo nước Pháp cũng nói thêm rằng, hiện tại Pháp thấy chưa đủ các điều kiện để bàn giao siêu tàu chiến lớp Mistral cho Nga.
 
EU đã tung những đòn trừng phạt đầu tiên nhằm vào Nga sau khi xảy ra vụ sáp nhập bán đảo Crimea hồi tháng 3 năm ngoái. Tuy nhiên, những đòn trừng phạt hà khắc nhất, gây tổn thương nặng nề nhất được EU tung ra với Nga là vào thời điểm tháng 7 năm ngoái sau khi xảy ra vụ chiếc máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines bị bắn rơi trên bầu trời miền đông Ukraine. Kiev và phương Tây đổi lỗi cho lực lượng ly khai đã bắn rơi máy bay này và họ đã bắt Nga phải chịu trách nhiệm về việc đó.
 
Tổng thống Ukraine đòi EU tiếp tục gây sức ép với Nga
 
Mặc dù đã đạt được thoả thuận hoà bình ở Minsk ngày hôm qua nhưng Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko vẫn tiếp tục kêu gọi EU tiếp tục gây áp lực lên Nga.
 
Ông Poroshenko cho biết, ông đến Brussels tham dự hội nghị thượng đỉnh của EU với mục đích tìm kiếm thêm sự giúp đỡ và hậu thuẫn.
 
Nhà lãnh đạo Ukraine cáo buộc lực lượng ly khai miền đông Ukraine về một cuộc tấn công xảy ra sau khi Nhóm Tiếp xúc về Ukraine ký thoả thuận ngừng bắn ở Minsk trước đó vào buổi sáng cùng ngày (12/2).
 
Cụ thể, ông Porsohenko cho rằng, lực lượng ly khai đã nối lại chiến dịch tấn công gần khu vực trung tâm giao thông Debaltsevo và một số khu vực khác.
 
Tổng thống Poroshenko miêu tả các cuộc đàm phán ở Minsk diễn ra cực kỳ khó khăn và kéo dài, nói rằng lệnh ngừng bắn là nhân tố có yếu tố quyết định trong các cuộc tranh luận ở đó và rằng phải mất đến gần 17 giờ đồng hồ để đạt được thoả thuận.
 
Trong khi đó, cơ quan thông tin của nước cộng hoà nhân dân tự xưng Luhansk – LuganksInformCenter đưa tin, pháo binh của Ukraine đã nã đạn vào các khu vực dân cư ở thành phố Luhansk tối ngày hôm qua.
 
Trước đó một chút, phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng nước cộng hoà nhân dân tự xưng Donetsk cho hay, 3 người đã thiệt mạng và 3 người khác bị thương trong các vụ bắn phá nhằm vào Donetsk và những khu vực ngoại ô lân cận. Ông này cũng nói thêm rằng, tình hình bạo lực đã lắng dịu đi vào buổi đêm.
 
Việc Kiev và lực lượng ly khai tiếp tục đổ lỗi cho nhau về những vụ bạo lực ngày hôm qua gây ra sự quan ngại nhất định về số phận của thoả thuận ngừng bắn vừa đạt được.

Theo: VnMedia