Đây là ý kiến của PGS.TS. Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Phó trưởng Ban điều hành Dự án Tiêm chủng mở rộng – về những phản ứng sau tiêm vaccine phòng COVID-19.
Chưa có dữ liệu về phản ứng nghiêm trọng sau tiêm vaccine
Theo PGS.TS. Dương Thị Hồng, vaccine phòng COVID-19 được sử dụng vào ngày 8/3 tới là vaccine AstraZeneca, do Tập đoàn AstraZeneca sản xuất bởi SK Bioscience (SKBio) Hàn Quốc. Vaccine được Tổ chức Y tế giới (WHO) thông qua chấp thuận sử dụng trong trường hợp khẩn cấp vào ngày 15/2. Vaccine này đã được 25 quốc gia và vùng lãnh thổ lưu hành và sử dụng, trong đó có Việt Nam.
Theo báo cáo, hiệu quả bảo vệ đạt tới 76% sau mũi tiêm thứ nhất và 81% sau mũi tiêm thứ 2.
Vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca ở dạng dung dịch, đóng 10 liều/1 lọ, mỗi liều 0,5 ml; được bảo quản ở nhiệt độ 2-8 độ C, không để đông băng. Vaccine có hạn sử dụng 6 tháng từ ngày sản xuất. Lọ vaccine đã mở chỉ sử dụng trong vòng 6 giờ. Vaccine được tiêm bắp ở liều 0,5ml với 2 mũi, cách nhau 12 tuần. Vacicne được chỉ định tiêm phòng cho người từ 18 tuổi trở lên.
Bàn đón tiếp tình nguyện viên đăng ký tiêm thử nghiệm vaccine phòng COVID-19 (Ảnh - Minh Thuý) |
Thông tin về phản ứng sau tiêm của vaccine phòng COVID-19, PGS.TS. Dương Thị Hồng cho hay: Sau tiêm vaccine phòng COVID-19, người dân sẽ gặp phải những phản ứng phổ biến như đau đầu, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, nhạy cảm đau, đau, nóng tại vị trí tiêm, ngứa, mệt mỏi, bồn chồn, sốt. Phản ứng phổ biến nhất là sốt nhẹ và phổ biến là sốt ≥ 38 độ C, ớn lạnh. Cùng với đó, sau tiêm vaccine, người tiêm có thể bị sưng và đỏ tại chỗ tiêm từ 1 đến dưới 10%.
Về phản ứng nghiêm trọng như sốc phản vệ, phản ứng quá mẫn muộn,… bà Hồng cho biết: Phản ứng nghiêm trọng này có thể xảy ra sau tiêm vaccine nhưng hiện nay Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chưa có đầy đủ dữ liệu. Bên cạnh đó, đến nay các nhà khoa học vẫn chưa có bằng chứng liên quan giữa các trường hợp phản ứng nghiêm trọng có liên quan đến vaccine.
Ngoài ra, việc sử dụng thay thế của vắc xin COVID-19 AstraZeneca với vắc xin phòng COVID-19 khác vẫn chưa có đầy đủ dữ liệu. Vì thế, các chuyên gia khuyến cáo mỗi người cần tiêm đủ 2 liều của cùng 1 loại vaccine phòng COVID-19 và nên tiêm vaccine phòng COVID-19 tối thiểu cách 14 ngày với các vaccine phòng bệnh khác.
Những người nào không được tiêm vaccine phòng COVID-19?
Nhằm đảm bảo an toàn khi tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 trên diện rộng, PGS. TS. Dương Thị Hồng khuyến cáo những người có tiền sử sốc hoặc phản ứng nặng sau lần tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 trước đó sẽ không được tiêm liều thứ 2. Người quá mẫn với hoạt chất hoặc với bất kỳ tá dược L-Histidine; gồm: L-Histidine hydrochloride monohydrate; Magie clorua hexahydrat; Polysorbate 80; Etanol; Sucrose; Natri clorua; Dinatri edetat dihydrat; nước pha tiêm không được tiêm vaccine.
Khám lâm sàng trước khi tiêm vaccine (Ảnh - Hoàng Anh) |
Cùng với đó, những người đang mắc các bệnh cấp tính, các bệnh nhiễm trùng hay mãn tính tiến triển; đang mắc bệnh COVID-19 được xét nghiệm chẩn đoán bằng phương pháp PCR; người có tiền sử điều trị sử dụng kháng thể kháng COVID-19 trước đó sẽ được tạm hoãn tiêm chủng.
Để đảm việc tiêm vaccine phòng COVID-19 triển khai theo đúng quy định của Bộ Y tế, các tỉnh, thành phố cần xây dựng kế hoạch, huy động nhân lực tổ chức điểm tiêm chủng phù hợp để đảm bảo triển khai kịp thời ngay sau khi tiếp nhận vaccine. Điểm tiêm chủng sẽ được tổ chức tại bệnh viện, trạm y tế, điểm tiêm lưu động, điểm tiêm chủng dịch vụ,.. các bệnh viện, bệnh xá, cơ sở y tế thuộc các Bộ, Ngành. Một buổi tiêm chủng diễn ra sẽ không quá 100 đối tượng/điểm tiêm chủng.
Theo quy tắc 1 chiều, các đơn vị phải đảm bảo khoảng cách giữa các các bàn/vị trí tiêm chủng, giữa các đối tượng; thực hiện sàng lọc COVID-19 trước khi đối tượng đến tiêm chủng và trước buổi tiêm chủng, đồng thời, sẵn sàng xử trí cấp cứu phản ứng sau tiêm chủng. Các điểm tiêm vaccine phải được trang bị hộp chống sốc. Các cơ sở điều trị sẽ hỗ trợ đội cấp cứu lưu động, xử trí cấp cứu tai biến nặng sau tiêm chủng.