Theo Wall Street Journal, mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook đã chặn các bài đăng được gắn thẻ #ResignModi trước khi khôi phục chúng vài giờ sau đó. Điều này làm dấy lên một cuộc tranh cãi về việc liệu Facebook có nghe theo chính phủ Ấn Độ xóa nội dung trên mạng xã hội khi người dân Ấn Độ đang vật lộn với cuộc khủng hoảng Covid-19 đang leo thang hay không.
Gần đây, tình hình dịch bệnh trong nước ở Ấn Độ trở nên nghiêm trọng đến mức không thể kiểm soát được, số ca mắc mới chỉ trong một ngày đã vượt quá 300.000 ca trong nhiều ngày liên tiếp, điều này khiến người dân kêu cứu trên các nền tảng mạng xã hội và bày tỏ sự tức giận với chính phủ Ấn Độ.
Đối phó với tình hình này, chính phủ Ấn Độ tuần trước yêu cầu Twitter gỡ hơn 50 tweet chỉ trích Thủ tướng Modi xử lý đại dịch kém. Facebook và Instagram sau đó được cho là cũng thực hiện động thái tương tự.
Cư dân mạng Ấn Độ yêu cầu Modi từ chức trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook |
Ngoài sự không hài lòng với chính phủ, công chúng và các chuyên gia đã trực tiếp nhắm vào Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Một số người trong giới y khoa ở Ấn Độ thẳng thừng cho rằng Thủ tướng Modi là "siêu lây nhiễm" trong dịch bệnh và cho rằng ông phải chịu trách nhiệm cho việc bùng phát dịch bệnh.
Tờ Wall Street Journal chỉ ra rằng hashtag "Modi từ chức" đã bị chặn trên Facebook trong vài giờ, chủ yếu vì cuộc khủng hoảng dịch bệnh hiện nay ở Ấn Độ và "hoạt động xóa bài đăng" do chính phủ đứng đầu.
Facebook từ chối tiết lộ lý do khiến nền tảng chặn hashtag trên. Trước đó Facebook đã tiết lộ rằng hoạt động kiểm soát hashtag có thể được thực hiện bởi nhóm đánh giá thủ công hoặc công cụ thực thi tự động của công ty.
Một phương tiện truyền thông khác của Mỹ Buzzfeed News Network tiết lộ rằng theo nội dung lời nhắc của Facebook trên nền tảng, những nội dung "Modi từ chức" đã bị ẩn do "vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng", song không nêu rõ là điều khoản nào.
"Hashtag này đã được khôi phục và chúng tôi đang điều tra xem chuyện gì đã xảy ra." Người phát ngôn của Facebook, Andy Stone cũng giải thích với Buzzfeed News Network: "Chúng tôi đã chặn hashtag này do nhầm lẫn, chứ không phải chính phủ Ấn Độ yêu cầu chúng tôi làm điều này".
Ấn Độ hồi tháng hai ban hành các quy định mới về mạng xã hội và video chia sẻ trực tuyến, trong đó cho phép chính phủ có quyền hạn yêu cầu các nền tảng mạng xã hội như Facebook và Twitter phải gỡ bỏ các nội dung bị coi là "không phù hợp".
Đặc biệt là vào đầu tuần này, khi các trường hợp nhiễm Covid-19 được xác nhận hàng ngày liên tục lập kỷ lục thế giới, chính phủ Ấn Độ đã ra lệnh cho các công ty truyền thông xã hội của Mỹ bao gồm Twitter, Facebook, và Instagram gỡ bỏ hàng loạt các bài đăng chỉ trích việc nước này đối phó với COVID-19 trên các trang mạng xã hội.
Chính phủ Ấn Độ nhấn mạnh các bài đăng có thể kích động sự hoảng loạn, sử dụng hình ảnh ngoài ngữ cảnh và cản trở nỗ lực chống dịch của New Delhi.
Theo NetEase