Sáng tạo nuôi tảo trong bô xe máy để lọc khí thải, giảm ô nhiễm môi trường

VietTimes – Dự án “Màng lọc tảo hấp thu khí CO2 từ pô xe máy” của nhóm sinh viên trường Đại học Kinh tế - Luật TP.HCM được các chuyên gia đánh giá cao, vừa lọc đươc khí thải vừa mang tính thẩm mỹ cao.
Khí thải từ xe máy là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí. Ảnh: Thanh Niên
Khí thải từ xe máy là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí. Ảnh: Thanh Niên

Ô nhiễm không khí mà khí thải từ xe máy là một trong những nguyên nhân, đã trở thành vấn đề thu hút sự quan tâm của cả xã hội. Trong bối cảnh đó, nhiều cuộc thi sáng tạo kỹ thuật, dự án bảo vệ môi trường đã ra đời.

Thông tin từ tờ Khám phá, nhóm sinh viên Trường Đại học Kinh tế - Luật TP.HCM đã cho đời dự án “Màng lọc tảo hấp thu khí CO2 từ pô xe máy”. Giới chuyên gia đánh giá dự án không chỉ giúp giảm một lượng lớn khí CO2, mang tính thẩm mỹ cao, mà còn ngăn không cho nước vào bên trong pô xe khi bị ngập nước.

Nhóm thực hiện dự án tên BITBO, gồm các sinh viên Trần Gia Linh, Nguyễn Được Ngọc Trân, Phạm Đỗ Thanh Hải và Phan Tiến Linh. Dự án “Màng lọc tảo hấp thu khí CO2 từ pô xe máy” đang nhận hỗ trợ tài chính và tư vấn chuyên môn thông qua chương trình UPSHIFT mùa 5, do UNICEF Việt Nam phối hợp cùng Sở KH&CN TP.HCM triển khai. UPSHIFT là chương trình được tổ chức nhằm huấn luyện kỹ năng cho người trẻ và ươm tạo các dự án giải quyết được nhiều vấn đề trong xã hội bằng nguyên liệu thân thiện với môi trường.

Các thành viên trong nhóm BITBO. Ảnh: Khám phá
Các thành viên trong nhóm BITBO. Ảnh: Khám phá

Tảo là loài thực vật rất dễ sống và có khả năng quang hợp CO2 cao. Giải pháp màng lọc tảo dễ sử dụng, giá thành rẻ và thân thiện với môi trường. Xuất phát từ các ưu điểm này, nhóm bạn ở Đại học Kinh tế - Luật đã cùng nhau sáng tạo, thực hiện dự án. Quá trình thực hiện dự án vô cùng khó khăn, yêu cầu các sáng tạo viên phải có kiến thức hóa sinh, kinh phí.

Kết quả thử nghiệm sản phẩm cho thấy cứ 100% CO2 từ pô xe máy thải ra thì tảo sẽ giữ lại khoảng 70-80%. Ngoài ra, tảo còn có thể ngăn không cho nước vào bên trong pô xe khi bị ngập nước.

Dự kiến thiết bị từ tảo sẽ được gắn ở phía sau bô xe. Thiết bị này sẽ có các màng lọc với nguyên liệu cốt lõi là tảo kết hợp với các chất hóa học khác tạo thành màng lọc hóa sinh có chức năng giữ lại khí CO2 được thải ra từ ống bô xe.

Một thành viên trong nhóm chia sẻ, hiện nhóm sinh viên đang tiếp tục nghiên cứu phương pháp giúp tảo có thể sinh sống được trong môi trường bô xe và thiết kế mẫu thử thiết bị bịt bô đầu tiên. Nếu thành công, dự án sẽ đóng góp không nhỏ vào công cuộc bảo vệ môi trường.