12 trận động đất liên tiếp ở Kon Tum, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu nói gì?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Trao đổi với VietTimes sáng nay 24/8, TS. Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu nói rằng các chuyên gia sẽ xuống hiện trường để đo kiểm, tìm nguyên nhân động đất và đánh giá mức độ rủi ro có thể xảy ra.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Anh - Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm KH&XH Việt Nam)
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Anh - Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm KH&XH Việt Nam)

Chỉ từ 14h chiều 23/8 đến sáng 24/8, đã xảy ra 12 trận động đất có cường độ rung chấn từ 2,5 - 4,7 độ richter tại huyện Kon Plông (Kon Tum), gây rung lắc mạnh, khiến người dân trong khu vực hết sức lo lắng.

Chiều 23/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có chỉ đạo, yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nghiên cứu, đánh giá, làm rõ nguyên nhân, mức độ nguy hiểm của động đất tại khu vực và đề xuất các giải pháp ứng phó phù hợp.

VietTimes đã vừa có cuộc trao đổi nhanh với TS Nguyễn Xuân Anh - Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) - về các trận động đất này.

PV: 12 trận động đất liên tiếp, trong đó có một trận có cường độ 4,7 Richter có phải là tần suất quá nhiều không thưa ông? Ở Việt Nam có nơi nào bị động đất với tần suất đó chưa, thưa ông?

Ông Nguyễn Xuân Anh: Các trận động đất lớn thường kèm theo tiền chấn và dư chấn nên số lượng như vậy không ngạc nhiên. Cũng giống như ở Thủy điện Sông Tranh hồi tháng 4, trong một ngày cũng xảy ra 6-7 trận động đất liền. Thường một trận động đất lớn thì sẽ kèm theo những trận động đất nhỏ.

Tuy nhiên, hoạt động động đất ở khu vực Kon Tum thời gian vừa qua đã tăng về tần suất, có thể nói là đột biến.

PV: Trong thông cáo đưa ra ngày hôm qua 23/8, Viện Vật lý địa cầu nói rằng "nhận định ban đầu là hồ chứa gây ra động đất kích thích tại Kon Tum". Vậy ông có thể phân tích mối quan hệ giữa hồ chứa với động đất không, tại sao hồ chứa lại gây ra động đất?

Ông Nguyễn Xuân Anh: Việc tích nước ở một hồ thủy điện, tải trọng của cả hồ nước nó thấm xuống tạo ra áp lực của nước tác động đến địa chất khu vực đó, từ đó tạo ra động đất kích thích. Nếu không có hồ chứa thì sẽ không tạo áp lực kích thích địa chất khu vực.

Tuy nhiên, tôi xin nhắc lại là đây mới chỉ là nhận định ban đầu. Để tìm hiểu nguyên nhân chính xác thì còn cần phải thực hiện quan trắc, đo kiểm nhiều hơn.

PV: Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Khoa học Công nghệ phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nghiên cứu, đánh giá, làm rõ nguyên nhân, mức độ nguy hiểm của động đất tại khu vực và đề xuất giải pháp ứng phó phù hợp. Viện Vật lý địa cầu là nơi trực tiếp thực hiện công việc trên. Viện đã và sẽ làm những gì thời gian tới đây?

Ông Nguyễn Xuân Anh: Chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai mạng trạm quan trắc, cử cán bộ chuyên gia xuống hiện trường thực hiện đo đạc, đánh giá. Các nhà khoa học sẽ nghiên cứu mức độ đứt gãy ở khu vực, từ đó đánh giá mức độ nguy hiểm của động đất và những rủi ro có thể xảy ra.

PV: Với đánh giá bước đầu thì ông thấy các trận động đất vừa qua ở Kon Tum đã ở mức độ nguy hiểm cao chưa?

Ông Nguyễn Xuân Anh: Thứ nhất là cái trận động đất 4,7 Richter thì vẫn nằm trong thang cường độ nhẹ, tuy nhiên chúng ta cũng thấy nó đã làm rung lắc nhà cửa và làm cho người dân hoang mang kể cả ở khu vực khác. Như vậy nó là trận động đất nhẹ nhưng vẫn gây hoang mang về tâm lý cho người dân. Còn khả năng cường độ động đất có thể lớn hơn không thì chúng tôi còn phải đánh giá, nghiên cứu.

PV: Xin cảm ơn ông!