Tại phiên họp sáng nay (8/6), Quốc hội Việt Nam đã thông qua Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – Liên minh Châu Âu (EVIPA).
Trong đó, hiệp định EVFTA được thông qua với tỷ lệ gần 95%, tương đương 100% đại biểu có mặt tại phiên họp đồng thuận. Hiệp định EVIPA được thông qua với tỷ lệ hơn 95%, với 459/461 đại biểu bỏ phiếu, một đại biểu không biểu quyết.
Theo nguyên tắc giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU) đã thỏa thuận, hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày đầu tiên của tháng thứ hai, sau khi hai bên hoàn tất việc phê chuẩn, tức ngày 1/8 tới. Trong khi đó, hiệp định EVIPA sẽ phải chờ Quốc hội từng nước thành viên trong khu vực EU phê chuẩn. Quá trình này có thể kéo dài trong thời gian ít nhất là 3 năm.
Được biết, chiều nay, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh sẽ điện đàm với Cao ủy thương mại EU, đây là cuộc điện đàm đầu tiên giữa hai bên sau khi hiệp định EVFTA được phê chuẩn, thông qua.
Việc phê chuẩn hiệp định EVFTA và hiệp định EVIPA được đánh giá sẽ đem lại cho Việt Nam nhiều lợi ích, thúc đẩy gia tăng thương mại hai chiều giữa hai bên, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu và có tính bổ trợ lẫn nhau, tăng quy mô xuất khẩu một số ngành thế mạnh của Việt Nam.
Cụ thể, hiệp định EVFTA giúp đa dạng hóa thị trường nước ta để không bị phụ thuộc vào sự giới hạn một số thị trường, đồng thời có sự tác dụng là đòn bẩy kích thích các đối tác khác tăng cường quan hệ thương mại - đầu tư với Việt Nam.
Hiệp định EVFTA được cho là sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân từ 2,18 đến 3,25% (cho giai đoạn 5 năm đầu thực hiện), 4,57-5,30% (cho giai đoạn 05 năm tiếp theo) và 7,07-7,72% (cho giai đoạn 05 năm sau đó).
Bên cạnh đó, EU là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai thế giới và hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam (sau Mỹ). Thông qua hiệp định này, Việt Nam có thể tiếp cận một thị trường tiềm năng với dân số hơn 500 triệu người, GDP khoảng 15.000 tỷ USD chiếm 22% GDP toàn cầu.
Về nhập khẩu, dự kiến nhập khẩu từ EU sẽ tăng khoảng 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030, tập trung vào một số mặt hàng như phương tiện và thiết bị vận tải, máy móc thiết bị phụ tùng, điện thoại và linh kiện điện tử, dược phẩm.
Về đầu tư, hiệp định EVFTA là cơ hội để Việt Nam có thể thu hút thêm các nhà đầu tư từ EU trong các lĩnh vực như công nghiệp chế biến chế tạo sử dụng công nghệ cao, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, dịch vụ.
Hiệp định EVFTA dự kiến giúp tăng thêm khoảng 146.000 việc làm mỗi năm. Về thu ngân sách, dự kiến tổng mức giảm thu từ giảm thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu trên 2.500 tỷ đồng, tuy nhiên tăng thu từ thu nội địa dưới tác động của đầu tư, thương mại và tăng trưởng kinh tế khoảng 7.000 tỷ đồng giai đoạn 2020-2030.
Trước đó, tháng 10/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Cộng hòa Áo, Vương quốc Bỉ, Vương quốc Đan Mạnh và Liên minh Châu Âu, với mục tiêu thúc đẩy ký kết, phê chuẩn và thực thi hiệp định EVFTA và hiệp định EVIPA.
Ngay trong chuyến thăm này của Thủ tướng, Ủy ban Châu Âu thông qua quyết định trình hiệp định EVFTA lên Hội đồng Châu Âu xem xét chấp thuận ký chính thức. Công tác dịch từ tiếng Anh ra ngôn ngữ 28 nước EU kết thúc tháng 12/2018.
Đến ngày 30/6/2019, hiệp định EVFTA đã được ký phê chuẩn tại Hà Nội, Việt Nam. Chứng kiến lễ ký kết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, “2 hiệp định quan trọng này như hai tuyến cao tốc quy mô lớn, hiện đại nối gần hơn EU và Việt Nam".
Đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 bất ngờ ập đến, tưởng như hiệp định EVFTA không được thông qua. Nhưng đến ngày 30/3, Hội đồng Châu Âu (EC) quyết định thông qua hiệp định EVFTA sau khi hiệp định này đã được Nghị viện Châu Âu phê chuẩn vào ngày 12/2/2020./.