Sau buổi lễ ký kết Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) hồi tháng 6/2019 tại Hà Nội, hôm 12/2/2020, Nghị viện châu Âu đã chính thức phê chuẩn Hiệp định EVFTA với tỷ lệ 63,33% số phiếu tán thành.
Mặc dù theo quy định của EU, Hiệp định EVFTA vẫn cần được Hội đồng châu Âu phê duyệt để có hiệu lực, sự kiện nêu trên vẫn là dấu mốc quan trọng trong tiến trình hợp tác giữa Việt Nam và EU.
Ngay trong quãng thời gian hai bên bắt đầu đàm phán, đi đến ký kết Hiệp định EVFTA, nhiều công ty phân tích đã đưa ra những đánh giá và dự báo tác động tới nền kinh tế Việt Nam.
Trong báo cáo vĩ mô và thị trường năm 2020, CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BSC) kỳ vọng lượng hàng hóa nhập khẩu có thể tăng trở lại do làn sóng đầu tư nảy sinh từ việc ký kết hiệp định thương mại EVFTA trong năm 2020.
BSC dự báo sự kiện này sẽ đẩy mạnh nhu cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị và nguyên phụ liệu nhằm đáp ứng các quy chuẩn và năng suất để tiếp cận thị trường EU trong năm tới.
Trước đó, BSC ước tính tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam năm 2020 sẽ trở về mức 5,6% và nhập khẩu ở mức 6,5%. Tình trạng giảm tốc về tăng trưởng tổng kim ngạch là khá rõ ràng khi nền kinh tế nội tại đang ở trạng thái bão hòa.
Trong khi đó, các nhà phân tích tại CTCP Chứng khoán VNDirect (Mã CK: VND) dự báo tổng kim ngạch xuất khẩu trong năm 2020 của Việt Nam sẽ tăng trưởng ổn định ở mức 8,0% so với cùng kỳ.
VNDS cho biết thuế xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam đến liên minh châu Âu sẽ được xóa bỏ ngay khi EVFTA có hiệu lực hoặc trong thời gian ngắn sau đó (tối đa là 7 năm). Đây là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đã đạt được trong số các FTA đã ký kết. Bởi lẽ, hiện nay chỉ 42% giá trị xuất khẩu của Việt Nam tới liên minh châu Âu được hưởng mức thuế 0% thông qua biểu thuế ưu đãi toàn cầu (GSP).
VNDS dẫn dự báo của Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) ước tính rằng EVFTA sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng 4,3% cho đến năm 2030. Tổng giá trị xuất khẩu tới liên minh châu Âu ước tính sẽ tăng 44,4% cho đến năm 2030.
Xuất khẩu của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng mạnh, đặc biệt là xuất khẩu đến thị trường châu Âu. Khi thuế quan được gỡ bỏ theo hiệu lực của các hiệp định thương mại, Việt Nam sẽ được hưởng lợi với mức thuế xuất-nhập khẩu gần như bằng 0% khi giao thương với các thị trường Mexico, Peru, Canada và liên minh châu Âu.
Các doanh nghiệp Việt Nam thuộc các ngành như chế biến gỗ, dệt may, nông sản và thiết bị điện tử có thể thúc đẩy các lô hàng sản phẩm đến các thị trường này.
Dòng chảy thương mại gia tăng cũng được kỳ vọng sẽ góp phần duy trì mức tăng trưởng 2 con số cho lĩnh vực Logistics trong năm tới. Ngoài ra, việc ký kết Hiệp định EVFTA cũng sẽ mở thêm cánh cửa cho dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam.
Hiệp định EVFTA mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào thị trường đầy tiềm năng với 508 triệu dân và tổng sản phẩm nội địa (GDP) khoảng 18.000 tỷ USD. Theo một nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020, 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định EVFTA. Tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam dự kiến sẽ tăng trung bình 5,21-8,17% (năm 2019-2023), 11,12-15,27% (năm 2024-2028) và 17,98-21,95% (năm 2029-2033). Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của một số ngành sang EU ở nhóm hàng nông sản: gạo (tăng thêm 65% vào năm 2025), đường (8%), thịt lợn (4%), lâm sản (3%), thịt gia súc gia cầm (4%), đồ uống và thuốc lá (5%). Nhóm ngành chế biến chế tạo tăng: dệt (67%), may mặc (81%), da giày (99%). Nhóm ngành dịch vụ tăng: Vận tải thủy (100%), vận tải hàng không (141%), tài chính và bảo hiểm (21%), các dịch vụ phục vụ kinh doanh khác (80%). Ở chiều nhập khẩu của Việt Nam từ EU tăng khoảng 15,28% vào năm 2020, 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030. Tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam dự kiến sẽ tăng trung bình 4,36-7,27% (2019-2023), 10,63-15,4% (2024-2028) và 16,41-21,66% (2029-2033). Nhóm hàng được dự báo tăng nhập khẩu nhiều nhất từ EU là phương tiện và thiết bị vận tải, chiếm khoảng 12% tổng giá trị nhập khẩu tăng thêm, nhóm hàng máy móc thiết bị (10%), dệt may và điện thoại và linh kiện điện tử (6-7%), nông, lâm, thủy sản (5%)./. |