Tờ Nezavisimaya Gazeta Nga ngày 10/10 đăng bài viết "Nga chuyển từ laser dân dụng sang laser quân dụng" của tác giả Vladimir Mukhin.
Bài viết cho rằng Tập đoàn tên lửa vũ trụ Energia Nga gần đây đã tiến hành thử nghiệm dùng laser sạc điện cho điện thoại di động ở ngoài 1,5 km, bước tiếp theo sẽ kiểm tra sạc điện tầm xa cho máy bay không người lái (UAV) và vệ tinh nhân tạo.
Kỹ sư Vitali Kaplanov của Tập đoàn tên lửa vũ trụ Energia cho biết trải qua 2 - 3 tháng nữa, các nhân viên sẽ có thể sạc điện tầm xa cho máy bay không người lái cỡ nhỏ, sau 1 năm nữa sẽ có thể ứng dụng cho máy bay không người lái cỡ lớn.
Vitali Kaplanov không nói rõ những máy bay không người lái này sẽ dùng cho mục đích gì, chúng rất có thể dùng cả trong quân sự và dân sự.
Các nhà nghiên cứu của Cơ quan hàng không vũ trụ quốc gia Mỹ (NASA) ngay từ 10 năm trước đã bắt đầu tiến hành thử nghiệm tương tự.
Căn cứ vào thông tin từ Tập đoàn tên lửa vũ trụ Energia, công ty này đã tiến hành chuẩn bị trên 1 năm cho việc thử nghiệm sử dụng laser để truyền năng lượng tầm xa trên vũ trụ.
Năm 2015, giám đốc Vyacheslav Tugaenko của bộ phận hệ thống năng lượng tàu vũ trụ thế hệ mới thuộc Tập đoàn tên lửa vũ trụ Energia cho biết: "Phòng thử nghiệm chủ yếu trong nước sẽ tham gia chương trình này, đến nay chúng tôi đã sở hữu máy chuyển đổi tiếp nhận năng lượng có hiệu suất khoảng 60%".
Vyacheslav Tugaenko cho hay: "Sự ra đời của hệ thống laser hiệu quả cao làm cho một chiếc tàu vũ trụ lắp thiết bị năng lượng mạnh truyền năng lượng cho tàu vũ trụ (lắp máy chuyển đổi tiếp nhận) khác trở thành hiện thực, từ đó đã tạo ra cơ hội mới cho phát triển vũ trụ".
Phó Tư lệnh Lực lượng Không quân-vũ trụ Nga, Kirill Makarov cho hay Nga hoàn toàn không lạc hậu so với Mỹ trong nghiên cứu vũ khí laser. Ông nói: "Vũ khí laser có khả năng làm mù phương tiện trinh sát và phá hủy vũ khí".
Ông Kirill Makarov không cho biết rõ tác dụng của vũ khí laser Nga như thế nào. Nhưng, từ thử nghiệm trên lĩnh vực này của người Mỹ để phán đoán, mục đích của họ là chế tạo hệ thống có hiệu quả, có thể tiêu diệt các mục tiêu trên không và mặt đất. Không loại trừ khả năng nó được dùng để phá hủy tên lửa đạn đạo trong giai đoạn mới bắt đầu bay.
Mỹ đã tiến hành loại thử nghiệm này, trong tương lai còn chuẩn bị thử nghiệm trên máy bay 747-400F. Người đứng đầu Cơ quan phòng thủ tên lửa Bộ Quốc phòng Mỹ, James Syring xác nhận:
"Chương trình hệ thống laser chiến đấu dùng để phá hủy tên lửa đạn đạo trong giai đoạn bắt đầu bay sẽ được đưa ra vào năm 2021".
Nga khi nào sẽ trang bị hệ thống laser chiến đấu còn chưa rõ ràng, nhưng có lẽ sẽ rất nhanh.