Các tàu ngầm lớp Typhoon do Viện thiết kế Leningrad (nay là Viện thiết kế Trung ương Rubin) phát triển và đóng tại nhà máy Severodvinsk. Chiếc tàu đầu tiên mang số hiệu TK-208 (sau này được đặt tên là Dmitry Donskoy) được đưa vào biên chế vào ngày 29-12-1981.
Tổng cộng đã có 6 tàu ngầm lớp Typhoon được đưa vào biên chế trong giai đoạn từ năm 1981-1989. Tuy nhiên, chỉ có 2 tàu cuối cùng mang số hiệu TK-17 và TK-20 được đưa vào hoạt động.
Các tàu ngầm lớp Typhoon được thiết kế với nhiều lớp vỏ khác nhau, ngoài ra thiết kế của nó cũng cho phép di chuyển dưới các lớp băng và phá lớp băng để nổi lên. Độ sâu lặn tối đa của tàu là 400m.
Các tàu ngầm này có chiều dài 175m, rộng 23m, lượng giãn nước đầy tải khi lặn là 48.000 tấn.
Tàu được trang bị 2 động cơ hạt nhân OK-650 với công suất mỗi động cơ là 254.800 mã lực, tàu có thể di chuyển với tốc độ tối đa 27 hải lý/giờ khi lặn, tầm hoạt động không hạn chế, dự trữ hành trình trên 120 ngày, thủy thủ đoàn 160 người.
Vũ khí trên tàu ngầm đề án 941 lớp Typhoon gồm 4 ống phóng ngư lôi cỡ 630mm, 2 ống phóng ngư lôi cỡ 533mm với tổng số ngư lôi và tên lửa chống ngầm mang theo là 22 quả.
Tuy nhiên, loại vũ khí làm nên sức mạnh của con tàu chính là 20 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa RSM-52 với mỗi tên lửa mang theo 10 đầu đạn hạt nhân có sức công phá mỗi đầu đạn là 100kt. Tên lửa RSM-52 có tầm bắn 8.300km.
Vào tháng 09 và tháng 12/2005, tàu Dmitry Donskoy đã tiến hành thử nghiệm với tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Bulava thế hệ mới. Phía Nga cũng dự kiến hiện đại hóa các tàu ngầm lớp Typhoon còn lại với tên lửa Bulava.
Tuy nhiên, hiện nay Nga đã dừng dự án hiện đại hóa các tàu ngầm hạt nhân lớp Typhoon và chỉ còn giữ lại chiếc tàu đầu tiên là tàu Dmitry Donskoy để làm tàu thử nghiệm.
Thay thế cho các tàu lớp Typhoon là tàu ngầm hạt nhân lớp Borey thế hệ mới.
Tuy nhiên, danh hiệu tàu ngầm lớn nhất thế giới của Typhoon thì sẽ còn rất lâu nữa mới bị phá vỡ.
Theo Trí Thức Trẻ