PVN cắt hàng loạt dự án, giảm khai thác vì giá dầu

Tập đoàn dầu khí VN (PVN) đang đối diện với một năm khó khăn hơn rất nhiều do giá dầu đang xuống rất thấp. Giá dầu hiện nay và có thể còn xuống thấp hơn, làm thất thu ngân sách tới 50.000 - 70.000 tỉ đồng trong năm nay
PVN đang tập trung ứng phó với diễn biến giá dầu giảm quá thấp, những mỏ dầu có giá thành cao có thể sẽ phải ngừng khai thác - Ảnh: TTXVN
PVN đang tập trung ứng phó với diễn biến giá dầu giảm quá thấp, những mỏ dầu có giá thành cao có thể sẽ phải ngừng khai thác - Ảnh: TTXVN

Tại Hội nghị tổng kết năm 2014 và triển khai công tác năm 2015 của Tập đoàn dầu khí (PVN) tổ chức ngày 16.1, ông Từ Thành Nghĩa, Tổng giám đốc liên doanh dầu khí Vietsopetro, khẳng định: “Rất khó hoàn thành các chỉ tiêu tài chính năm 2015. Ngay cả sản lượng khai thác 5 triệu tấn cũng rất khó hoàn thành, dù Vietsopetro năm nay sẽ đưa thêm 2 giàn khoan mới, đưa một số mỏ mới vào khai thác”. Ông Nghĩa cũng cho biết doanh thu năm 2015 của liên doanh này dự kiến sẽ đạt dưới 2 tỉ USD, thấp hơn năm 2014. Để giảm bớt khó khăn, Vietsopetro sẽ cân đối, cắt giảm hàng loạt chi phí nhưng kết quả cũng sẽ không cao, ví dụ như các dịch vụ bay, cũng chỉ có thể giảm được 2 - 3%.

Khó thực hiện “kế hoạch giảm khó”

Ông Hoàng Ngọc Đang, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty thăm dò và khai thác dầu khí (PVEP), báo cáo tình trạng mất cân đối do giá dầu giảm mạnh. Theo ông Đang: “PVEP cần đầu tư 1,6 tỉ USD năm 2015. Khi giá dầu dự kiến là 100 USD/thùng thì chúng tôi đi vay 700 triệu USD là đủ, nhưng hiện giá dầu còn 40 - 50 USD/thùng thì mất cân đối, lại phải tăng phần vay lên 1,4 - 1,5 tỉ USD nên việc hoàn thành nhiệm vụ năm nay rất khó khăn, vì thế phải cắt giảm đầu tư, giãn tiến độ một số công trình, cắt giảm đầu tư khoảng 500 triệu USD. Một số công trình dự kiến đầu tư cho các năm tiếp theo cũng phải chậm lại”.

Dù có kế hoạch giảm khó như vậy nhưng ông Đang cho rằng thực hiện cũng không đơn giản do giá dầu thấp, các ngân hàng khó khăn hơn trong việc cho vay. “Chúng tôi đã vay nhiều, vượt quá giới hạn mà một số ngân hàng đã cho vay”, đại diện PVEP nói và cho biết không chỉ trong nước, PVEP còn gặp khó khăn bên ngoài do một số dự án phải ngừng triển khai hoặc phải đàm phán lại. Ông Đang cũng kêu gọi các thành viên của PVN liên kết với nhau để chia sẻ, giảm bớt khó khăn.

Cơ hội cho các dự án khí

Đại diện Công ty điều hành dầu khí biển Đông cho rằng, ngoài việc phải cắt giảm chi phí, giãn hoãn tiến độ những công trình, dự án chưa cấp bách, chưa đem lại hiệu quả cao thì nên tập trung phát triển các hoạt động sản xuất, dịch vụ có giá thành thấp. Theo ông này: “Hiện nay ảnh hưởng của giá dầu đến giá khí, đến khai thác khí không mạnh. Trước đây, có những dự án khai thác khí có quy mô lớn nhưng chưa làm vì còn hạn chế về tài chính nhưng hiện nay, tiềm lực của PVN đã đủ sức để phát triển thì đây là thời điểm, là cơ hội tốt để đàm phán với các nhà thầu thực hiện”. Còn đại diện Tổng công ty vận tải dầu khí (PV Trans) cho rằng, đây cũng là thời điểm thuận lợi cho vận tải dầu khí do nhiều công ty tăng thuê tàu, tăng dự trữ dầu, giá thuê lên cao...

“Ngoài khó khăn, chúng ta có cơ hội. Năm 2015 vẫn còn ổn, những năm tiếp theo càng căng thẳng hơn thì đó là áp lực khiến ngành dầu khí phải thay đổi, tái cấu trúc, cắt giảm chi phí. Phải có cách tổ chức khai thác khác, những mỏ nhỏ phải có cách khai thác mới với chi phí thấp nhất như Thái Lan - họ dùng các giàn khai thác rất nhẹ, khai thác rất nhanh rồi chuyển giàn đi nơi khác. Phải ứng dụng công nghệ mới”, ông này nói.

Nhấn mạnh tại cuộc họp, ông Nguyễn Xuân Sơn, Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN, cảnh báo: Giá dầu được dự báo trong quý 1/2015 có thể xuống dưới 40 USD/thùng, sang quý 2 có thể dao động ở mức 40 - 60 USD, quý 3 có thể có lúc xuống mức 30 USD và quý 4 trong khoảng 60 - 80 USD/thùng. Lãnh đạo các đơn vị thành viên phải tập trung điều hành theo diễn biến giá dầu, rà soát, cắt giảm mạnh các chi phí sản xuất, đầu tư như thuê dịch vụ ngoài phải giảm 20 - 30%.

Ông Sơn yêu cầu lãnh đạo các đơn vị thành viên quyết định thay nhân sự ở các bộ phận nào có dấu hiệu “ì ạch” trong sản xuất, không theo kịp diễn biến giá dầu; chuẩn bị kỹ để tranh thủ phát triển các hoạt động sản xuất, kinh doanh khi giá dầu phục hồi trở lại như xúc tiến các hoạt động thăm dò, phát hiện dầu khí, mua lại tài sản của các công ty dầu khí nước ngoài với giá thấp..

Có thể tạm ngưng các mỏ giá thành sản xuất cao

Trong một lần trả lời Thanh Niên gần đây về giải pháp của PVN trước xu hướng giá dầu thế giới còn giảm mạnh, ông Nguyễn Xuân Sơn cho biết với mỏ nào mà giá thành sản xuất trên 60 USD/thùng thì PVN sẽ chỉ đạo giảm sản lượng hoặc tạm ngưng hoạt động để giữ tài nguyên. Dạng mỏ này toàn ngành dầu khí hiện có 4 mỏ với sản lượng khoảng 450.000 tấn/năm. Còn với các mỏ khác, PVN đang phải tính toán các phương án tùy theo mức độ giá dầu thay đổi. Ngoài ra, PVN cũng phải tăng cường ở các lĩnh vực khác ngoài khai thác dầu để bù đắp lợi nhuận, để vẫn đạt được mục tiêu kế hoạch năm.

Không được “lùi” các dự án thăm dò

Phát biểu tại cuộc họp, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải lưu ý với diễn biến giá dầu thế giới vừa qua, các mô hình dự báo đã “phá sản” hết, trong khi nhiều chỉ số kinh tế xây dựng theo giá dầu. Theo Phó thủ tướng, với mức giá dầu hiện nay và có thể còn xuống thấp hơn, làm thất thu ngân sách tới 50.000 - 70.000 tỉ đồng trong năm nay, trong khi đó PVN hiện đóng góp trên 20% nguồn thu của ngân sách nhà nước. Phó thủ tướng đồng ý phải giãn, hoãn một số công trình dầu khí chưa cấp bách nhưng PVN không được “lùi” các hoạt động tìm kiếm, thăm dò dầu khí vì đây là chiến lược phát triển ngành. Ông yêu cầu PVN tập hợp các đề xuất, giải pháp mới ứng phó với diễn biến mới về giá dầu, trình Chính phủ xem xét.

Theo TN