Vẻ bề ngoài không liên quan giữa những lợi ích chiến lược của Nga và chi phí kinh tế trong các cuộc chiến tại Ukraine hay Syria đặt ra nhiều câu hỏi hơn về “điều mà Putin muốn” và cách thức ông Putin quan niệm về lợi ích quốc gia Nga.
Bị báo động bởi sự mơ hồ trên, phương Tây cảnh báo rằng trừ khi NATO tăng cường bảo vệ lãnh thổ và xây dựng năng lực hàng hải ở châu Âu, nếu không sẽ vô tình mời Nga đến chiếm vùng lãnh thổ phía đông của NATO. Trong khi NATO phải chuẩn bị cho kịch bản như vậy và phải trấn an các đồng minh Đông Âu đang lo lắng thì tổng thống Nga Vladimir Putin lại có vẻ như đang không tìm cách tái xây dựng đế chế Nga hay khởi động một cuộc chiến với Mỹ, ông Putin cũng chẳng hứng thú hay đủ khả năng tái thiết nước Nga thành một siêu cường toàn cầu như Liên Xô trước đây, Smallwarjournal nhận định.
Phần lớn các phân tích về việc “ông Putin muốn gì” lại bỏ qua điểm này. Ông Putin nhận thức được rằng trong một kỷ nguyên khi các thách thức từ bên trong nội bộ Nga hạn chế rất lớn khả năng phóng chiếu quyền lực của nước này, an ninh của Nga không chỉ phụ thuộc vào việc triển khai xe tăng qua biên giới liên minh NATO mà thay vào đó là chia rẽ phương Tây và làm tê liệt việc đưa ra quyết định trong giới lãnh đạo phương Tây. Thành công rõ ràng của Nga trong việc khai thác những rạn nứt trong liên minh này là mối đe dọa lớn nhất đến Mỹ và các đồng minh.
Tuy nhiên, một câu hỏi khó trả lời hơn là chính xác thì tại sao ông Putin sử dụng chiến lược này và khiến quan hệ của Nga với phương Tây xuống mức khủng hoảng trầm trọng nhất kể từ Chiến tranh Lạnh. Theo Smallwarjournal, một phần có thể là vì ông Putin vẫn uất ức vì Nga không còn là cường quốc toàn cầu nữa và ông luôn thèm khát sự nể trọng từ phía Mỹ. Những người khác lại đổ tội cho Mỹ vì đã gây nên tình trạng bấp bênh ở Nga qua việc mở rộng NATO sang phía đông, tiến sát tới biên giới phía tây của Nga.
Số còn lại tập trung vào động lực từ thực trạng chính trị bên trong nước Nga, nhấn mạnh rằng khả năng ông Putin duy trì quyền lực còn phụ thuộc vào việc thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc mãnh liệt ở người Nga. Thực tế, ông Putin sẽ dễ bị thúc đẩy bởi sự kết hợp các nhân tố này. Tuy nhiên rõ ràng là Nga đang rèn giũa năng lực tinh vi trong các lĩnh vực thông tin và tấn công mạng để chia rẽ phương Tây và làm rạn nứt sự đoàn kết của liên minh xuyên Đại Tây Dương, Smallwarjournal cáo buộc.
Vậy chính xác là làm cách nào để Nga tiến hành chính sách làm rạn nứt phương Tây? Một báo cáo mới từ Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược Mỹ (CSIS) về ảnh hưởng của điện Kremlin đến Đông Âu và Trung Âu giải thích rằng Nga đang tìm cách nâng cấp những mục tiêu địa chính trị bằng cách “làm suy yếu những liên kết xã hội nội khối và củng cố nhận thức về xu thế rối loạn của phương Tây”.
Bằng việc định hình bộ máy ra quyết định của một số quốc gia thông qua việc khai thác sự yếu ớt và thể chế lỏng lẻo, cũng như xác định các đồng minh có chung lợi ích với Nga, Matxcơva tin rằng họ sẽ đạt được nhiều hơn những gì họ có thể đạt được thông qua các chiến dịch quân sự truyền thống và ít tốn kém hơn. Ông Putin cũng đã hành động theo cách này, bao gồm tung những chiến dịch thông tin được thiết kế nhằm làm mất uy tín các tổ chức phương Tây và gieo nghi ngờ về những ý đồ thực sự của Nga, đồng thời tìm những cách thức mới để áp dụng vào phương Tây. Gần đây, dấu hiệu của cách tiếp cận này có thể được nhận thấy ở Mỹ, châu Âu và Trung Đông.
Chẳng hạn tại Mỹ, Smallwarjournal đổ tội cho tình báo của Nga đã tấn công và làm rò rỉ những email đáng xấu hổ của bà Clinton cho trang Wikileaks. Điện Kremlin theo đuổi chiến lược này không phải vì họ nghĩ họ có thể giúp Donald Trump thành tổng thống Mỹ mà vì nghĩ rằng bằng cách phơi bày hệ thống chính trị bên trong nước Mỹ sẽ khiến các cử tri coi đó là thất bại, và điều đó có thể kích động những bất mãn giữa những người Mỹ, càng làm mất uy tín thể chế dân chủ của Mỹ một cách rộng rãi và làm suy yếu vị thế của bà Clinton về mặt chính trị.
Theo Smallwarjournal, một chính quyền Mỹ bị suy yếu sẽ tự cảm thấy rối loạn trong những ngày đầu nhiệm kỳ và không thể phản ứng một cách quyết đoán trước đòn tấn công của Nga vào Đông Âu hay bất kỳ nơi nào khác.
Sự can thiệp của ông Putin vào khu vực Donbass cũng không nhằm báo trước một sự can thiệp quân sự quy mô lớn ở Đông Âu. Nga chỉ giải quyết vấn đề hội nhập Ukraine vào các thiết chế phương Tây không chỉ bằng cách kích động một cuộc xung đột kéo dài ở phía đông Ukraine mà còn bằng cách phơi bày những chia rẽ sâu sắc trong cộng đồng này về cách đáp trả chính sách của Nga.
Hiện nay, mặc dù có những tuyên bố bề ngoài về tính đoàn kết, các nước thành viên EU vẫn nhận thấy họ xung đột với nước khác về những lệnh trừng phạt mới chống lại Nga. Khả năng của NATO, cho dù được nâng cấp nhiều năm nay đã không nhận được sự đầu tư thích hợp từ nhiều nước thành viên và thực trạng đáng báo động thể hiện rõ qua một cuộc trưng cầu dân ý phơi bày những mâu thuẫn sâu sắc trong quan điểm giữa các nước châu Âu và các chiến dịch do NATO dẫn đầu nhằm bảo vệ các đồng minh phía đông.
Trung Đông lại là một vũng lầy khác khi sự can thiệp của Nga gây ra sự mất đoàn kết và chia rẽ. Kể từ khi Nga can thiệp vào cuộc xung đột ở Syria vào tháng 9/2015, chính quyền Obama đã buộc phải cân bằng lợi ích trong việc kết thúc nội chiến bằng những điều kiện có thể chấp nhận được với mong muốn tránh một cuộc xung đột quân sự trực tiếp với Nga.
Sự thất bại của đàm phán ngừng bắn với Nga vào tháng 10/2016 đã buộc Mỹ phải đối mặt với thực tế rằng mặc dù thỏa thuận ngừng bắn vẫn phải liên quan đến hình thức thỏa thuận khác với Nga có tính đến những lợi ích của Nga trong cuộc xung đột, ông Putin vẫn không cảm thấy cần phải thúc đẩy nhanh tiến trình này. Chừng nào ông Putin còn giữ chế độ Assad trụ vững và kiềm chế được Mỹ, nhà lãnh đạo Nga coi lợi ích của Nga còn trong vòng an toàn.
Điểm mấu chốt là bằng cách tạo ra rạn nứt của phương Tây, ông Putin tin rằng ông có thể đạt được mục đích thích đáng của mình, trong bối cảnh sức mạnh kinh tế, chính trị, nhân lực của Nga đang suy giảm. Thúc đẩy sự hỗn loạn làm hạn chế khả năng thể hiện sự đoàn kết của phương Tây mang đến động lực thúc đẩy sức mạnh Nga và khả năng định hình các sự kiện toàn cầu.
Rõ ràng là quan hệ giữa Nga và phương Tây chưa sẵn sàng cải thiện sớm. Smallwarjournal cảnh báo, cho dù Mỹ và châu Âu phải giữ các kênh ngoại giao rộng mở với các mục đích giảm thiểu căng thẳng và tránh các cuộc đụng độ lớn hơn, phương Tây phải hiểu rằng mục đích thực sự của chiến lược của Nga nhằm đánh lừa phương Tây, làm chệch hướng chú ý khỏi sự xâm nhập vào Đông Âu và phá hoại sự gắn kết của các tổ chức phương Tây.
Smallwarjournal kết luận, kể cả nếu ông Putin không có mục đích chiếm thêm đất đai hay theo đuổi chiến tranh với NATO, điều này không có nghĩa là Nga không nguy hiểm. Thực tế, bằng việc sử dụng chiến thuật chiến tranh lai thay vì những chiến thuật truyền thống, ông Putin đã chứng tỏ có thể tạo ra vô số hỗn loạn bằng cách điều quân xâm nhập lãnh thổ NATO. Lịch sử gần đây cho thấy ông Putin có thể dựa vào việc phương Tây đánh giá thấp quyết tâm của Nga để tiếp tục xác quyết lợi ích quốc gia.