Putin dùng “đòn KGB” để quật lại Mỹ, phương Tây

VietTimes -- Theo Washington Times, ông Putin quyết định tiêu diệt phương Tây bằng những kỹ năng tác chiến được Ủy Ban An Ninh Nhà nước Liên Xô trước đây (KGB) đào tạo nhằm xâm nhập, chia rẽ và chinh phục. Người ta đã thấy rõ điều này qua các sự kiện ở Ukraine, Syria và chính nước Mỹ.
Sự căng thẳng giữa Nga và Mỹ thể hiện rõ qua cuộc tiếp xúc giữa hai nguyên thủ quốc gia
Sự căng thẳng giữa Nga và Mỹ thể hiện rõ qua cuộc tiếp xúc giữa hai nguyên thủ quốc gia

Năm 2012, Tổng thống Obama đã nhờ Thủ tướng Dmitry Medvedev chuyển tới Tổng thống Vladimir Putin một thông điệp cá nhân rằng: “Hãy nói với Vladimir rằng tôi sẽ linh hoạt hơn sau cuộc bầu cử”, Washington Times tiết lộ.

Đó chính xác là giây phút mà ông Putin kết luận ba điều: 1) cơ hội bấy lâu nay chờ đợi để trả thù cho sự sụp đổ của Liên Xô đã tới; 2) Tổng thống Mỹ đã suy yếu; 3) Nếu công chúng Mỹ bầu chọn người này, họ cũng đã suy yếu.

Theo Washington Times, ông Putin quyết định tiêu diệt phương Tây bằng những kỹ năng tác chiến được Ủy ban An ninh Nhà nước Liên Xô trước đây (KGB) đào tạo nhằm xâm nhập, chia rẽ và chinh phục. Người ta đã nhìn thấy điều đó từ cuộc khủng hoảng Crimea. Người ta cũng đang nhìn thấy điều đó từ miền đông Ukraine và Syria. Người ta cũng đang chứng kiến điều đó ở NATO khi Thổ Nhĩ Kỳ và các nước Đông Âu khác đang bị kéo vào vùng ảnh hưởng của Matxcơva. Và nay lại đang chứng kiến điều đó ở Mỹ.

Washington Times quả quyết rằng chắc chắn Nga đứng sau cuộc tấn công mạng, đánh cắp email của chiến dịch tranh cử của Đảng Dân chủ. Điều này không phải là vấn đề to tát vì Mỹ cũng từng tấn công mạng với Nga. Vấn đề là ông Putin coi cuộc tấn công này là sự mở màn cho việc phá hủy nước Mỹ, chia rẽ những người dân Mỹ.

Tờ báo Mỹ cáo buộc KGB đứng sau vụ dàn xếp số lượng áp đảo những người theo chủ nghĩa Marxist ở hệ thống giáo dục của nước Mỹ nhiều thập kỷ trước. Matxcơva đã thành công ngoài sức tưởng tượng. Hiện nay các trường đại học ở Mỹ đã mở cánh cửa cho nước Nga theo cái cách mà ông Putin tưởng tượng những năm trước đây.

Washington Times nhận xét rằng lãnh đạo điện Kremlin chắc đã hài lòng khi nhìn thấy ông Obama chủ động hỗ trợ họ thực hiện nhiệm vụ. Ông đã chia sẻ mục tiêu của KGB trước đây - đó là thay đổi nước Mỹ.

Tờ báo Mỹ còn tố cáo Nga ngấm ngầm tài trợ cho những nhóm chống kỹ thuật khai thác dầu từ đá phiến ở phương Tây, một nỗ lực để làm tê liệt động cơ kinh tế Mỹ từng đánh bại Liên Xô. Chiến lược này vẫn chưa thực sự có hiệu quả như khi các giếng dầu ở Bakken sử dụng công nghệ khai thác dầu từ đá phiến làm giảm giá dầu thô. Tuy nhiên, nỗ lực này hé lộ cái nhìn về cách thức mà điện Kremlin hành động.

Theo Washington Times, chắc chắn ông Putin đã tài trợ nhiều nhóm chính trị ở Mỹ và châu Âu, cố gắng khoét rộng thêm hố sâu ngăn cách giữa các nhóm chính trị giữa lòng nước Mỹ.

Tham vọng của ông Putin còn thể hiện qua việc Nga điều hạm đội lớn nhất nước này tiến qua eo biển Anh lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Cụm tác chiến tàu sân bay Nga hoạt động ngay sát biên giới NATO và quân đội Nga lại đang chiến đấu ủng hộ tổng thống Syria Bashar Assad chống lại các nhóm phiến quân dòng Sunni được Mỹ hậu thuẫn.

Cụm tác chiến tàu sân bay Nga đang trên đường tới Syria
Cụm tác chiến tàu sân bay Nga đang trên đường tới Syria

Chiến lược của Nga được hỗ trợ bởi hoạt động tuyên truyền của các phương tiện truyền thông nhà nước. Hiện nay các phương tiện này đang vươn tầm ra toàn cầu, khiến cho thông điệp của người Nga hay hơn cả bà Clinton và ông Obama có thể làm. Đó là lí do vì sao cánh tả ở Mỹ lại tức giận khi ông Putin dám chơi họ ngay trên ván bài của họ, một ván bài mà họ đã chơi nhiều năm nay chống lại phong trào bảo thủ ở Mỹ.

Washington Times nhận xét, Mỹ đang bị rạn nứt ngay từ bên trong và Nga đang nuôi dưỡng sự chia rẽ này. Còn ông Putin đã dự định sẵn mục tiêu lâu dài trong đầu. Ông Putin đang mong đợi đến ngày khi ông rời nhiệm sở thì nước Nga đã trở thành một siêu cường, có khả năng xuất khẩu thực phẩm và khí đốt, triển khai lực lượng quân sự trên toàn thế giới, hợp tác với Trung Quốc để thống trị phương Tây suy yếu và chia rẽ.