Putin bất ngờ đến "cứu" bán đảo Crimea

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 2/12 đã có chuyến thăm bất ngờ đến Crimea để khai trương một dự án dây cáp dưới biển nhằm cấp điện mới cho bán đảo chiến lược nằm ở Biển Đen. Đây là dự án giúp cứu Crimea thoát ra khỏi tình trạng khốn khổ vì không có điện do Ukraine gây ra.
Tổng thống Nga Putin
Tổng thống Nga Putin

Cho đến cuối tháng 11 vừa rồi, nguồn điện ở Crimea vẫn chủ yếu được cung cấp bởi Ukraine. Tuy nhiên, gần 2 triệu người dân ở bán đảo xinh đẹp này đã phải sống trong cảnh khốn khổ vì bị mất điện sau khi 4 cột điện cao thế chính đưa điện đến Crimea từ Ukraine bị đánh bom hồi cuối tháng trước.

Ngày hôm qua, ông Putin đã bất ngờ “đến Simferopol. Tại đây, ông đã tham dự lễ khởi động giai đoạn đầu tiên của dự án cây cầu năng lượng nhằm cung cấp nguồn điện cho Crimea từ Nga”, Phó Thủ tướng của bán đảo Crimea - ông Ruslan Balbek cho biết.

"Đường điện đầu tiên dự kiến được đưa vào hoạt động trong ngày 20/12 nhưng công việc đang được đẩy nhanh hơn lên.... Đó là một ngày lịch sử cho Crimea. Chúng tôi đã giành được sự độc lập về năng lượng đối với Ukraine”, ông Balbek nói thêm.

Hệ thống đường dây cáp nối Nga với Crimea hiện tại dự kiến sẽ được kết nối và đưa vào hoạt động từ ngày 15/12, ông Balbek tiết lộ.

Trong khi đó, Tổng thống Putin cảnh báo người dân ở bán đảo Crimea rằng, có thể sẽ có một số vấn đề nảy sinh. “Tôi hy vọng giai đoạn hai sẽ sớm được khởi động. Công việc còn lâu mới được hoàn thành nhưng tôi tin rằng mọi thứ sẽ tiến triển đúng thời gian dự định”.

Hiện chưa ai lên tiếng nhận trách nhiệm về các vụ nổ phá hỏng hệ thống cung cấp điện từ Ukraine đến cho Crimea. Giới chức bán đảo Crimea đổi lỗi cho chính quyền Ukraine mặc dù Kiev khăng khăng phủ nhận họ có liên quan đến hành động phá hoại đó.

Crimea đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp sau khi rơi vào tình trạng không điện hồi tuần trước vì loạt vụ nổ cột điện cao thế.

Với việc “chân” đầu tiên trong dự án “cây cầu năng lượng” nối từ Nga đến Crimea được dựng lên, tình trạng khẩn cấp ở Crimea có thể sẽ sớm được dỡ bỏ, ông Sheremet – một quan chức của bán đảo ở Biển Đen, cho biết. Theo ông này, tình trạng cắt điện sẽ được giảm xuống tối thiểu trong những ngày sắp tới và hệ thống lò sưởi sẽ được khôi phục trở lại.

Ông Sheremet cho hay, Crimea không mong chờ đón nhận nguồn cung cấp điện từ Ukraine nữa bởi tình hình ở đó không ổn định và không có sự bảo đảm chắc chắn về nguồn cung cấp ở đó.

Kiev đổ lỗi cho “các nhà hoạt động” đã cản trở công việc phục hồi nguồn cung cấp điện cho Crimea. Hồi đầu tuần, nhóm Cánh Hữu cực đoan của Ukraine tuyên bố sẽ tiếp tục phong toả nguồn cung cấp năng lượng cho Crimea.

Theo Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak, Moscow có thể đáp trả việc Ukraine cắt điện của Crimea bằng cách ngừng cung cấp nguồn than đá cho Ukraine.

Bán đảo Crimea đã chính thức trở thành một phần của nước Nga sau khi Tổng thống Putin ký sắc lệnh hoàn tất tiến trình sáp nhập hồi tháng 3 năm ngoái. Việc Crimea sáp nhập vào Nga xuất phát từ nguyên nhân là một cuộc đảo chính vũ trang ở Kiev, trong đó Tổng thống Viktor Yanukovich bị lật đổ. Crimea – một bán đảo tự trị thuộc Ukraine, đã từ chối không thừa nhận tính hợp pháp của chính phủ lâm thời mới ở Kiev . Chính vì thế, Crimea đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để quyết định tương lai của họ với Ukraine và Nga. Kết quả cuộc trưng cầu dân ý cho thấy, hơn 96% người dân trên bán đảo Crimea lựa chọn ly khai khỏi Ukraine và sáp nhập trở lại Nga - nơi họ vẫn luôn coi là “mái nhà” của mình.

Sự kiện Nga sáp nhập bán đảo nhận được sự ủng hộ rộng khắp của người dân xứ sở Bạch Dương, nhưng lại bị Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) ra sức phản đối. Mỹ và EU đã tung ra một loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga vì vụ sáp nhập nói trên.

Kể từ sau vụ sáp nhập, giới chức chính quyền Kiev luôn miệng khẳng định sẽ tìm mọi cách để lấy lại bán đảo Crimea. Tổng thống Petro Poroshenko từng tuyên bố sẽ xây dựng quân đội Ukraine thành một lực lượng quân sự mạnh nhất Châu Âu để quay trở lại giành bán đảo Crimea.

Tuy nhiên, Nga cũng cứng rắn không kém khi nhiều lần khẳng định sẽ không bao giờ có chuyện trả lại bán đảo Crimea cho Ukraine. Nga dường như cũng chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với bất kỳ mối đe doạ nào nhằm vào Crimea khi liên tục tăng cường sức mạnh phòng thủ trên bán đảo này bằng việc triển khai hàng loạt vũ khí tối tân, thiện chiến của mình.

Về việc Ukraine cùng phương Tây tìm cách phong toả, bao vây và trừng phạt bán đảo Crimea, giới phân tích nhận định chính sách đó chỉ gây hại cho chính lực lượng thực hiện nó. Một chính sách như vậy sẽ đẩy người dân Crimea vào hoàn cảnh sống khó khăn và điều này khiến người Crimea thêm thù địch Ukraine và ngày càng phụ thuộc vào Nga.

Theo VNMedia