Trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh tin tức Rossiya-24 ngày hôm qua, Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Alexey Ulyukayev cho biết, chính phủ Nga đã quyết định áp đặt lệnh cấm vận lương thực đối với Ukraine từ ngày 1/1 năm tới.
"Do Ukraine tham gia vào các biện pháp trừng phạt chống lại Nga cả về kinh tế và tài chính, chúng tôi quyết định áp đặt các biện pháp bảo vệ mình dưới hình thức lệnh cấm vận lương thực”, ông Ulyukayev cho biết, đồng thời thêm rằng quyết định đó sẽ được “trì hoãn thực hiện cho đến ngày 1/1 năm tới”.
Nga phản đối kịch liệt việc Ukraine ký thoả thuận thương mại với Liên minh Châu Âu (EU), nói rằng điều đó sẽ phá hỏng mối quan hệ kinh tế và lợi ích của quốc gia Đông Âu.
Moscow tuyên bố, nước này sẽ áp dụng một lệnh cấm rộng khắp đối với các nguồn cung cấp lương thực từ Ukraine nếu Kiev tiếp tục thúc đẩy thoả thuận thương mại với EU. Ngày hôm qua, Bộ trưởng Ulyukayev tiếp tục nhắc lại lời đe doạ nói trên.
"Nhiều khả năng chúng tôi sẽ phải đơn phương bảo vệ thị trường của mình khỏi nguồn hàng không kiểm soát đi qua lãnh thổ hải quan của Ukraine cũng như nguồn hàng từ các nước thứ ba, đầu tiên và trên hết là các nước EU”, ông Ulyukayev nhấn mạnh trong cuộc trả lời phỏng vấn.
Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Nga còn cho biết thêm, Moscow sẽ áp dụng lệnh cấm vận lương thực với Ukraine như là đòn trả đũa cho việc Kiev cùng với phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga.
Mỹ, EU cùng với các đồng minh liên tục đổ lỗi, cáo buộc cho Moscow đã gây ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine, kích động cuộc xung đột ở miền đông nam Ukraine. Bất chấp việc Nga liên tục lên tiếng bác bỏ những cáo buộc trên, phương Tây do Mỹ dẫn đầu đã tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Nhiều trong số này là những biện pháp trừng phạt đang gây tổn hại nghiêm trọng đến nền kinh tế Nga khi nó nhằm vào các ngành then chốt như ngân hàng, năng lượng và quốc phòng. Ngoài Mỹ, EU, một loạt nước khác gồm Australia, Canada, Na-uy, Ukraine... đều tham gia vào chính sách trừng phạt Nga.
Đáp lại, Moscow cũng đáp trả bằng cách áp dụng một gói biện pháp trừng phạt nhằm vào tất cả các nước đang tham gia chiến dịch trừng phạt Nga. Lệnh trừng phạt của Nga là lệnh cấm nhập khẩu rau quả, thịt, cá, hải sản và các sản phẩm từ sữa có nguồn gốc từ những nước đang trừng phạt Nga.
Kểt quả là cả hai bên đều bị tổn thất từ cuộc chiến trừng phạt nói trên. Nếu như nền kinh tế Nga lao đao vì đòn trừng phạt của phương Tây thì bản thân nhiều quốc gia Châu Âu cũng đang “ngấm đòn đau” từ chính các biện pháp trừng phạt mà họ áp đặt lên Nga cũng như từ các đòn trả đũa của Moscow.
Tổn thất nặng, Ukraine vẫn tỏ ra cứng rắn
Phản ứng trước đòn bất ngờ của Nga, Ukraine hôm qua cho biết, nước này sẽ tổn thất khoảng 600 triệu USD trong năm tới khi lệnh cấm vận của Nga chính thức có hiệu lực.
Phát biểu trong cuộc họp của chính phủ, Thủ tướng Arseniy Yatsenyuk nói rằng, thoả thuận thương mại tự do giữa Ukraine và EU sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1 năm sau, "vì thế, chúng tôi sẵn sàng đối mặt với lệnh cấm vận từ Nga”.
Ông Yatsenyuk thậm chí còn khẳng định, trong vài năm vừa qua, Ukraine đã cắt giảm lớn sự phụ thuộc vào các thị trường của Nga.
"Nếu như cách đây 3 năm, sự phụ thuộc của chúng tôi trung bình là 35% thì hiện tại chỉ còn 12,5%”, Thủ tướng Yatsenyuk cho hay.
Xem ra mối quan hệ giữa hai nước láng giềng Nga và Ukraine chưa thể cải thiện. Trước đó, hy vọng đã nhen nhóm sau khi Tổng thống Putin trong hội nghị G20 vừa rồi bất ngờ thông báo sẽ tái cơ cấu lại khoản nợ 3 tỉ USD cho Ukraine – một sự thay đổi kỳ lạ bởi lâu nay Moscow luôn bác bỏ khả năng này. Thông báo của ông Putin được xem như một bước nhượng bộ, thoả hiệp với Kiev. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau đó, Nga lại tung đòn trừng phạt nhằm vào Ukraine.
Theo VnMedia