Năm 2023, sự phát triển và ứng dụng thiết bị không người lái trên biển ngày càng tăng tốc trên toàn cầu, đặc biệt tiềm lực tác chiến của tàu (xuồng) mặt nước không người lái trong cuộc xung đột Nga-Ukraine đang nhận được sự quan tâm lớn của các bên.
Ukraine dùng xuồng không người lái để tác chiến phi đối xứng
Đối với Ukraine, mặc dù lực lượng hải quân chủ lực của nước này đã bị tê liệt ngay trong giai đoạn đầu của cuộc xung đột Nga-Ukraine nhưng họ đã sử dụng thành công xuồng không người lái cảm tử để gây thiệt hại đáng kể cho Nga.
Tháng 8/2023, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã trao huân chương và danh hiệu danh dự cho các đơn vị quân đội, trong danh sách được khen thưởng có tên Lữ đoàn tàu mặt nước không người lái đặc biệt số 385 của Hải quân Ukraine. Được biết, Lữ đoàn 385 đã sử dụng nhiều loại xuồng không người lái để tác chiến kiểu tự sát.
Trong số các loại xuồng không người lái tự sát của quân đội Ukraine, MaguraV5 là nổi tiếng nhất. MaguraV5 do doanh nghiệp nhà nước SpetsTechnoExport của Ukraine thiết kế. Nó dài 5,5 m, tốc độ tối đa 42 hải lý/giờ, tầm hoạt động 833 km và trọng tải 320 kg. Nó có thể mang theo trung kế liên lạc vô tuyến hoặc vệ tinh để đảm bảo độ tin cậy và liên lạc liên tục với trung tâm chỉ huy.
Magura V5 có khả năng tấn công tự sát và đã được sử dụng trong nhiều vụ tập kích. Chiếc xuồng không người lái này vào ngày 4/8/2023 đã tấn công tàu đổ bộ Olenegorsky Gornyak bên ngoài cầu cảng căn cứ Novorossiysk của Hạm đội Biển Đen Nga ở Krasnodar Krai. Chiếc tàu đổ bộ này của Nga bị hư hại và nghiêng do nước tràn vào, phải dùng tàu khác lai kéo về cảng. Đêm 24/8, MaguraV5 lại tấn công tàu chở dầu thương mại SIG của Nga, không có thương vong nhưng buồng máy chiếc tàu chở dầu bị ngập nước không thể tiếp tục hoạt động được.
Ngoài ra, xuồng không người lái Sea Baby cũng là một trong những vũ khí quan trọng được quân đội Ukraine sử dụng trong các cuộc tấn công tự sát trên biển. Theo Cục An ninh Ukraine tiết lộ, chiếc xuồng không người lái này có thể mang được đầu đạn nặng 860 kg, lớn hơn nhiều so với các mẫu khác. Nó được sơn màu xám khó phát hiện, được trang bị tháp pháo quang điện và các cảm biến quan sát quang học, thiết bị liên lạc tầm xa, cho phép điều khiển từ xa, loại xuồng không người lái này đã tấn công cầu Crimea vào ngày 17/7/2023.
Quân đội Ukraine còn phát triển chiến thuật của tàu không người lái trong thực chiến. Theo trang web The Drive của Mỹ ngày 2/1/2024, tàu không người lái Sea Baby của Ukraine đã sử dụng phương thức phóng tên lửa dày đặc khi tấn công các mục tiêu của Nga gần cảng Sevastopol. Phương thức tác chiến này, hoàn toàn khác biệt với các cuộc tấn công tự sát trước đây, đã viết lại kỷ lục về tác chiến không người lái trên biển toàn cầu.
Theo The Drive, đoạn video giám sát do Cục An ninh Quốc gia Ukraine công bố cho thấy sau khi xuồng không người lái Sea Baby tiếp cận khu vực tấn công, nó đã phóng liên tục 14 quả tên lửa có thể là loại RPV-16 chỉ trong 15 giây để thực hiện đòn tấn công bao trùm. Hiện vẫn chưa rõ tên lửa do tàu Sea Baby phóng lần này hiệu quả đến đâu, phía Nga không đưa ra tin tức nào về thiệt hại của các tàu cũng như không rõ chính xác loại tên lửa mà xuồng không người lái Sea Baby sử dụng.
Tuy nhiên, khả năng tấn công tầm xa và phóng tên lửa điều khiển từ xa mà Sea Baby thể hiện trong cuộc tập kích này là điểm sáng về mặt công nghệ của nó, vì có yêu cầu cao về khả năng liên lạc tức thời từ bờ biển đến xuồng không người lái. Hiện không rõ liệu quân đội Ukraine có sử dụng "Starlink" hoặc phương tiện liên lạc tương tự cho vụ tập kích này hay không.
Nhìn chung, dù hiệu suất của Sea Baby có thể còn hạn chế, nhưng tư duy chiến thuật thể hiện qua chiếc xuồng không người lái này rất đáng được quan tâm. Đặc biệt, việc phát triển một nền tảng đa năng tích hợp các ý tưởng ứng dụng chiến thuật và thiết kế bố trí các mô-đun chiến đấu khác nhau trùng khớp ở một mức độ nhất định với khái niệm sát thương phân tán đang được Hải quân Mỹ thúc đẩy mạnh mẽ.
Nga phát triển và thử nghiệm xuồng không người lái chiến đấu đầu tiên
Để đáp trả, Nga cũng bắt đầu phát triển tàu không người lái tiến hành tác chiến có mục tiêu. Ngày 14/12, ông Mikhail Danilenko, tổng giám đốc Nhà máy chế tạo cơ khí Kingisep (KMZ) của Nga cho biết, nhà máy này đã chế tạo chiếc xuồng không người lái đầu tiên cho Bộ Quốc phòng Nga và sẽ được đưa tới khu vực diễn ra Chiến dịch quân sự đặc biệt để thử nghiệm.
Tên của loại xuồng không người lái mới này là "BBKN-Dandelion", sử dụng động cơ đẩy phản lực nước, tốc độ tối đa 80 km/h, trọng tải 600 kg, tầm hoạt động 200 km; ngoài việc thực hiện các cuộc tấn công tự sát, nó còn có thể đảm nhận các nhiệm vụ như vận chuyển binh lính, vật tư hoặc được gắn tên lửa, súng máy và hệ thống tác chiến điện tử để thực hiện các hoạt động đánh chặn chống xuồng không người lái của đối phương.
Mỹ phát triển xuồng chiến đấu không người lái cỡ lớn
Tháng 9/2023, 2 chiếc xuồng không người lái cỡ lớn "Marine" và "Ranger" thuộc "Dự án lãnh chúa Hạm đội Ma" (Ghost Fleet Overlord Program) của Hải quân Mỹ đã xuất hiện tại căn cứ Yokosuka của Hạm đội 7 ở Nhật Bản, nơi nó đóng quân.
Chiếc Ranger trước đó đã bắn thử thành công tên lửa phòng không tầm xa Standard-6. Căn cứ theo tầm nhìn của Hải quân Mỹ, cấu hình tương lai tàu không người lái và tên lửa Standard-6 sẽ đóng vai trò là nền tảng vũ khí trên biển và sẽ trở thành một phần quan trọng trong các khái niệm “tác chiến phân tán trên biển” và "căn cứ viễn chinh tiền phương " của Hải quân Mỹ. Việc Mỹ triển khai xuồng không người lái loại lớn tại Nhật Bản là bước ngoặt quan trọng đối với tàu không người lái của nước này đi từ thử nghiệm diễn tập đến triển khai thực tế, đánh dấu một giai đoạn mới trong quá trình phát triển và triển khai tàu không người lái của nước này.
Tàu ngầm không người lái
Bên cạnh tàu xuồng không người lái, phương tiện lặn không người lái cũng đang có những bước tiến vững chắc. Ví dụ, tháng 10/2023, Ukraine đã công khai trình diễn cuộc thử nghiệm loại tàu ngầm không người lái (AUV) tự sát mới "Marichka" do nước này tự phát triển. Con tàu này dài khoảng 6 m, rộng 1 m, chưa rõ trọng tải và vũ khí, chạy bằng điện, quãng đường di chuyển được cho là lên tới 1.000 km và tốc độ có thể lên tới mấy chục km mỗi giờ.
Đầu tháng 12 năm 2023, Hải quân Mỹ lần đầu tiên trình diễn một phương tiện dưới nước mới có tên "Yellow Moray", có thể phóng và thu hồi thông qua ống phóng ngư lôi tiêu chuẩn của tàu ngầm.
Một số nhà phân tích quân sự cho rằng "Yellow Moray" thuộc dòng phương tiện tự hành dưới nước REMUS và tương tự như các tàu ngầm "Razorback" và "Kingfish" hiện đang phục vụ trong Hải quân Mỹ. Hải quân Mỹ có kế hoạch bắt đầu triển khai loại thiết bị mới này vào năm 2024. Khi đó hàng chục tàu ngầm hạt nhân của Hải quân Mỹ trên khắp thế giới có thể sử dụng nó để thực hiện các nhiệm vụ như phát hiện thủy lôi và các mối nguy hiểm khác, bí mật thu thập thông tin tình báo và nâng cao khả năng phát hiện, nắm bắt các tình huống dưới nước.
Quân đội Ukraine lần đầu tiên đưa pháo tự hành 155 mm Archer của Thụy Điển vào chiến đấu
Công ty Đức Rheinmetall sẽ chuyển cho Ukraine 2 hệ thống phòng không tầm ngắn Skynex
Nga: Tuần dương hạm "Peter Đại đế" sẽ nghỉ hưu sau khi tàu "Đô đốc Nakhimov" được hiện đại hóa
Theo Thepaper, Huanqiu