Bụi mịn (PM 2.5) nguy hiểm như thế nào?
Hôm nay, người dân TP.HCM tiếp tục lưu thông trên đường trong không khí mù mịt. Tình trạng không khí ô nhiễm đã kéo dài suốt 1 tháng qua và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Trước đó, ngày 25/9, Trung Tâm quan trắc Tài nguyên và môi trường công bố kết quả cho thấy chất lượng không khí từ trong tháng 9 có sự gia tăng đột biến của các chất ô nhiễm như bụi lơ lửng, NO2, SO2, CO... Đặc biệt, mức độ ô nhiễm không khí tăng mạnh từ ngày 18 đến 20-9.
Người dân lưu thông trên đường trong không khí mù mịt |
Theo bác sĩ Nguyễn Hải Công - Trưởng khoa Lao và bệnh Phổi, Bệnh viện Quân y 175 - ô nhiễm không khí là tình trạng các hạt vô cơ hoặc hữu cơ (dạng rắn hoặc lỏng) tích tụ với mật độ cao trong không khí. Tình trạng này có nguyên nhân từ khí thải các công trình xây dựng, giao thông, nhà máy công nghiệp,...
Ô nhiễm không khí gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe. Đặc biệt nguy hiểm là tác hại của bụi mịn PM 2.5 (các hạt có kích thước siêu nhỏ - dưới 2,5 micromet) trong không khí. Người tiếp xúc với bụi mịn có thể gặp các vấn đề về sức khỏe như hắt hơi, sổ mũi, khó thở, khô mắt...
Đồng thời, việc tiếp xúc với bụi mịn lâu dài sẽ làm viêm mạn tính đường thở, xơ hóa phổi và gia tăng tỷ lệ giảm chức năng phổi, bệnh tim ở người bệnh. Thậm chí, bụi mịn có thể dễ dàng xâm nhập vào cơ thể thông qua đường hô hấp và gây ra các bệnh hô hấp cấp tính như: Viêm đường hô hấp, bùng phát đợt cấp của bệnh hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính...
Bên cạnh đó, bụi mịn có thể làm đẩy nhanh quá trình tiến triển của bệnh xơ gan và làm tăng nguy cơ mắc bệnh chuyển hóa, rối loạn chức năng gan. Nó cũng có khả năng len vào phế nang, xâm nhập qua màng phế nang - mao mạch để đi vào hệ tuần hoàn và gây các bệnh lý về tim mạch, thần kinh.
Nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cho thấy mối tương quan thuận giữa mức độ ô nhiễm không khí với tỷ lệ người mắc ung thư, đặc biệt ung thư phổi trong vài năm trở lại đây.
Đối với trẻ em, do cấu trúc đường thở, da niêm mạc đang giai đoạn phát triển mạnh nên khi tiếp xúc với bụi mịn rất dễ bị tổn thương. Ngoài ra, sức đề kháng cơ thể và hàng rào bảo vệ đường hô hấp của trẻ còn yếu nên khi sống trong không khí ô nhiễm sẽ dễ mắc bệnh hơn người lớn gấp nhiều lần.
Cách bảo vệ sức khỏe khi ô nhiễm không khí
Cho đến nay các cơ quan chuyên ngành chưa đưa ra kết luận đến khi nào thì tình trạng ô nhiễm không khi chấm dứt. Do đó, mỗi người dân cần trang bị cho mình những kiến thức về chăm sóc sức khỏe để bảo vệ mình.
Bác sĩ Nguyễn Hải Công - Trưởng khoa Lao và bệnh Phổi, Bệnh viện Quân Y 175 |
Để ứng phó với tình trạng này, bác sĩ Nguyễn Hải Công cho hay, người dân cần hạn chế sinh hoạt ở nơi ô nhiễm. Trong trường hợp bắt buộc phải ra ngoài, phải mang khẩu trang kín, nên chọn loại khẩu trang y tế có thêm than hoạt tính, nano bạc kháng khuẩn để ngăn chặn bụi mịn tấn công.
Đặc biệt với trẻ em và người lớn tuổi, chỉ nên ra đường khi thật sự cần thiết. Khi ra ngoài, phụ huynh cần che chắn cho các em cẩn thận, tránh để bé tiếp xúc với môi trường bị ô nhiễm. Sau khi đi ngoài đường về, nên rửa mắt cho trẻ bằng nước muối sinh lý.
Với người thường xuyên luyện tập thể dục ngoài trời, đi dạo, chạy bộ,... bác sĩ khuyên nên tránh các thời điểm sáng sớm và tối muộn. Đây là thời điểm bụi không khí rất cao do đặc trưng thời tiết, dễ ảnh hưởng đến sức khỏe
Bên cạnh đó, chúng ta cần bổ sung chế độ ăn giàu dinh dưỡng (nhiều rau xanh, trái cây, thịt, cá các loại,…) để tăng cường sức đề kháng, nâng cao hệ thống miễn dịch. Điều này rất quan trọng trong việc ngăn ngừa bệnh tật nói chung và các bệnh do ô nhiễm không khí gây ra.