Tự chủ bệnh viện công: Cần tháo gỡ nhiều “nút thắt’

VietTimes – Sáng 3/10, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã giải trình về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cơ chế tự chủ đối với bệnh viện công lập tại Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội. 

Bộ trưởng Bộ Y tế báo cáo tại phiên họp. Ảnh: Quang Khánh, Lao Động
Bộ trưởng Bộ Y tế báo cáo tại phiên họp. Ảnh: Quang Khánh, Lao Động

Tại phiên họp giải trình, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, đến thời điểm hiện tại, bệnh viện công vẫn đang trong tình trạng quá tải. Tính giá phải tính đúng và tính đủ thì chất lượng bệnh viện mới có thể nâng cao.

Sau khi nghe giải trình của Bộ trưởng Bộ Y tế, GS. TS. Nguyễn Viết Nhung – Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, tự chủ bệnh viện vẫn còn thiếu hành lang pháp lý, chưa có đủ văn bản để thực hiện. Mục tiêu chính của tự chủ bệnh viện là có dịch vụ cơ bản, cao cấp để chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho người dân.  

Mặc dù vai trò của y tế công cộng cực kỳ quan trọng nhưng tại một số bệnh viện công vừa tự chủ bệnh viện vừa tiến hành y tế công cộng nên còn gặp nhiều khó khăn.

Theo PGS. TS. Nguyễn Tiến Quyết - Phó Chủ tịch Tổng hội y học Việt Nam, Bộ Y tế cần có cơ chế và quy định về rủi ro đối với các bệnh viện thực hiện tự chủ.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, trong các thông tư hiện nay, Bộ Y tế đã quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của y tế cơ sở, các trung tâm y tế,… Để đổi mới, tăng cường năng lực cho y tế cơ sở, Bộ Y tế đang xây dựng thông tư danh mục các dịch vụ y tế công cộng và mức giá. Từ đó, đảm bảo ưu tiên chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, tăng cường sàng lọc bệnh cho người dân, đẩy mạnh y tế dự phòng.

Dự thảo kết luận phiên giải trình về chính sách pháp luật cơ chế tự chủ đối với bệnh viện công lập, bà Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, từ đầu năm 2000, Chính phủ và Bộ Y tế đã nỗ lực ban hành thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh viện tự chủ.  

Đến năm 2019, Chính phủ bắt đầu thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ. Việc thực hiện cơ chế tự chủ đã làm thay đổi diện mạo của bệnh viện công, từng bước đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân, đồng thời, giúp giảm gánh nặng ngân sách cho nhà nước.

Tuy nhiên, hành lang pháp lý đối với cơ chế tự chủ bệnh viện còn chưa đầy đủ. Thực hiện tự chủ đối với bệnh viện tuyến huyện, vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn, nhiều địa phương chưa quan tâm đầu tư thỏa đáng cho y tế cơ sở, chất lượng dịch vụ còn nhiều hạn chế.

Bên cạnh đó, bệnh viện được giao tự chủ nhưng chưa tự chủ thực chất. Giá dịch vụ y tế chưa tính đúng, tính đủ chi phí nên ảnh hưởng đến cân đối thu chi của bệnh viện. Trình độ của cán bộ nhân viên chưa đáp ứng, thanh tra còn mỏng dẫn đến tình trạng thực hiện cơ chế tự chủ thiếu minh bạch.

Hiện, Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm thực hiện tự chủ bệnh viện, đặc biệt là bệnh viện công. Do đó, Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội kiến nghị cần sớm ban hành Luật đầu tư, quan tâm phân bổ ngân sách nhà nước cho an sinh xã hội, đồng thời,  tiếp tục đẩy mạnh công tác giám sát việc thực hiện tự chủ bệnh viện, ưu tiên phân bổ ngân sách nhà nước.

Bộ Y tế cần chủ động phối hợp với các bộ, ngành có liên quan để ban hành các cơ chế, chính sách về tự chủ bệnh viện.