Phòng cháy chữa cháy (PCCC) luôn là một vấn đề đáng quan tâm ở Việt Nam. Đã có nhiều vụ cháy xảy ra với hậu quả rất đau lòng. Điều này đặt ra bài toán tìm giải pháp để hạn chế các vụ cháy nổ, trong đó cảnh báo sớm là hết sức cần thiết.
Tại triển lãm Secutech Vietnam vừa qua, Tổng công ty Giải pháp Viettel đã giới thiệu một số giải pháp hỗ trợ PCCC, cảnh báo sớm do công ty tự phát triển, rất đáng chú ý.
VietTimes đã có cuộc trao đổi với Trung tá Bùi Ánh Quang – Giám đốc Công nghệ, Tổng công ty Giải pháp Viettel xung quanh vấn đề PCCC.
PV: Xin ông chia sẻ về những nghiên cứu và tiếp cận của Viettel với hoạt động phòng cháy chữa cháy?
Trung tá Bùi Ánh Quang: Từ năm 2020, Viettel đã bắt đầu xây dựng hệ sinh thái các hệ thống thông tin thông minh phục vụ công tác an sinh xã hội. Cho đến nay, 3 sản phẩm đã được hoàn thiện và đưa ra phục vụ người dân gồm: Hệ thống truyền tin cảnh báo khẩn cấp SafeOne; Hệ thống Sa bàn ảo; Hệ thống thực tế ảo. Tất cả các hệ thống này đều tập trung giải quyết hai vấn đề cốt lõi đó là: phòng ngừa và phục vụ tác chiến khi có sự cố.
Hệ thống SafeOne được xây dựng với mục tiêu cơ bản là sử dụng công nghệ để giám sát tính sẵn sàng của các hệ thống phòng cháy chữa cháy tự động đã được trang bị, đảm bảo nó luôn sẵn sàng hoạt động khi có sự cố xảy ra.
Hiện nay cả nước có khoảng 500.000 - 600.000 các hệ thống PCCC tự động đã được trang bị cho các điểm quản lý nhà nước (QLNN) về cháy nổ. Tuy nhiên, chúng đang được giám sát bằng con người theo các kế hoạch định kỳ hàng năm và công tác giám sát phụ thuộc hoàn toàn vào ý thức của những người tại các cơ sở đó. Như vậy, vấn đề cần đặt lên hàng đầu là sử dụng công nghệ để quản lý hiệu quả tính sẵn sàng hoạt động của các điểm thuộc diện QLNN về cháy nổ. Điều quan trọng là hệ thống phải luôn sẵn sàng hoạt động, để khi có sự cố cháy nổ xảy ra, ta có thể đối phó kịp thời và hiệu quả.
Trên cả nước có khoảng 5 triệu hộ gia đình vừa kinh doanh vừa ở, các nhà máy kho tàng xây dựng trước luật chưa được trang bị các hệ thống PCCC. Hầu hết các vụ cháy nổ gây chết người và thiệt hại lớn đến tài sản đều xảy ra ở nhóm đối tượng này, khi cháy thường chỉ nhận biết được bằng mắt thường và khó có thể khắc phục được. Như vậy, mục tiêu thứ 2 của SafeOne là phải hợp tác với các trường đại học, nhóm sinh viên, các công ty công nghệ để phát triển các công nghệ mới như công nghệ không dây dễ sử dụng, lắp đặt, bảo trì bảo dưỡng, dễ di chuyển và đặc biệt là giá rẻ.
Mục tiêu thứ ba là phải truyền tin nhanh chóng trong trường hợp xảy ra cháy với thời gian cảnh báo không quá 10 giây. Hiện tại, hệ thống của Viettel đã đạt là 6 giây. Thêm nữa là phải cảnh báo được cho số đông để nhiều người cùng biết. Thực tế như hiện nay là khi cháy âm ỉ thì chưa được cảnh báo và khi có khói lửa mới biết thì không thể xử lý kịp nữa, gây ra những hậu quả nghiêm trọng về con người và tài sản.
Một mục tiêu quan trọng nữa mà chúng tôi đề ra là hệ thống phải được thiết kế mở để có thể tận dụng tất cả các hệ thống trí tuệ nhân tạo do Viettel hoặc các tổ chức khác phát triển, nhằm tăng tính thông minh và hiệu quả. Hiện tại, SafeOne đang tích hợp với nhiều hệ thống khác nhau để xác định vị trí của những người đang mắc kẹt và có thể cứu giúp họ bằng cách đục tường ở vị trí chính xác của họ. Hoặc là có thể tích hợp với hệ thống về phân tích hình ảnh (VMS). Nghĩa là dựa vào phân tích hình ảnh và quang phổ để dự đoán về nhiệt độ để đưa ra những thông báo trước cho mọi người.
Đối với các hệ thống Sa bàn điện tử và kính thực tế ảo, được phát triển để cung cấp cho cảnh sát PCCC và người dùng các bộ công cụ nhằm ảo hóa các mô hình thực tế sang số hóa phục vụ công tác xây dựng các phương án tác chiến đúng như thực tế khi có sự cố cháy nổ xảy ra, hay dùng chúng để đào tạo về PCCC cho tất cả mọi người tiết kiệm chi phí đào tạo thực tế.
Viettel đã hoàn thành các nền tảng về cảnh báo sớm và đến giờ có khoảng 2.000 khách hàng sử dụng. Tuy nhiên, để có thể đưa vào thực tế một cách rộng rãi thì cần có những cơ chế, chính sách của cơ quan quản lý. Các cơ chế và chính sách này phải được tạo ra để hỗ trợ và định hướng cho việc ứng dụng công nghệ cảnh báo sớm này vào thực tế một cách hiệu quả và bền vững, đồng thời đảm bảo an toàn và lợi ích cho cộng đồng rộng lớn.
PV: Vậy, cá nhân ông cũng như Viettel đang có mong muốn gì về chính sách với PCCC?
Trung tá Bùi Ánh Quang: Thật ra, Nghị định 136, Nghị định 144 và Thông tư 149 do Chính phủ và Bộ Công an ban hành đã quy định rõ ràng rằng dịch vụ truyền tin phải được xã hội hoá. Tuy nhiên, cần phải có sự hướng dẫn mạnh mẽ từ cấp cao nhất để đảm bảo tất cả mọi người đều hiểu và tuân thủ.
Cá nhân tôi có 4 đề xuất cụ thể là:
Thứ nhất, phải coi dịch vụ truyền tin cảnh báo khẩn cấp là một dịch vụ công nghệ thông dụng. Khi triển khai những dịch vụ này sẽ thay đổi bản chất tiếp cận thông tin báo cháy của lực lượng cảnh sát PCCC từ bị động (ngồi chờ tin báo) chuyển sang thế chủ động là giám sát trước, san tải công tác chữa cháy cho lực lượng cảnh sát PCCC xuống những người trực tiếp ở cơ sở. Khi đám cháy còn nhỏ mới bắt đầu và được phát hiện sớm thì người dân ở đó có thể xử lý nhanh và dễ dàng.
Thứ hai, đó là các cơ quan nhà nước nên sử dụng các nền tảng lớn đã được xây dựng bởi các tập đoàn công nghệ, như một nền tảng xã hội thông thường, để thu thập dữ liệu và truyền thông tin cảnh báo khẩn cấp. Các hệ thống phần mềm nhỏ hơn chuyên dụng cho lực lượng cảnh sát PCCC có thể được tích hợp để phân tích, đánh giá và đưa ra quyết định kịp thời. Viettel sẵn lòng hợp tác với Cục và các đơn vị khác để sử dụng hệ thống SafeOne như một nền tảng cốt lõi trong công tác truyền tin nhanh.
Vì sao như vậy? Các mô hình tương tự như vậy đã và đang được các nước phát triển áp dụng rất hiệu quả. Một bộ, ban, ngành không thể đủ chi phí xây dựng vận hành nó…Hơn nữa, hàng ngày hàng giờ nó cần phải cập nhật các công nghệ mới và điều này cần có nguồn nhân lực trình độ cao với chi phí lớn.
Ví dụ hàng ngày chúng ta vẫn sử dụng các nền tảng như Facebook, Zalo…để trao đổi thông tin và đó là những nền tảng xã hội lớn được vận hành bởi các tập đoàn công nghệ theo cơ chế thị trường. Trách nhiệm của cảnh sát PCCC là tiếp nhận thông tin báo cháy qua đường dây 114 và việc tiếp nhận thông tin qua các ứng dụng công nghệ tiên tiến cũng là trách nhiệm của họ.
Thứ ba, việc ban hành các quy định, quy chế và quy chuẩn cho các dịch vụ công nghệ mới, càng nhanh càng tốt. Cụ thể là phải nhanh chóng ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật cho các hệ thống không dây áp dụng cho nhóm đối tượng hộ gia đình vừa kinh doanh vừa ở. Cần có quy định rõ ràng đối với các nhà sản xuất và cung cấp thiết bị PCCC để yêu cầu họ cung cấp các giao thức kết nối cho khách hàng.
Thứ tư là nên xây dựng những cơ chế, chính sách khuyến khích động viên với thế hệ trẻ, các nhóm sinh viên, các đề tài nghiên cứu khoa học để phát triển các công nghệ mới mang tính đón đầu trong PCCC. Các công nghệ phục vụ trong lĩnh vực PCCC là những công nghệ thông thường và thực tế thiết bị công nghệ của nước ngoài không có gì hơn chúng ta. Chúng ta phải làm sao thúc đẩy và khuyến khích sử dụng sản phẩm và công nghệ trong nước để tránh tổn thất an ninh quốc gia, thúc đẩy phát triển nền sản xuất trong nước và tránh chảy máu ngoại tệ khi cứ phải mua thiết bị từ nước ngoài.
PV: Vậy xin ông cho biết về giá thành các thiết bị cảnh báo cháy do Viettel sản xuất có thực sự cạnh tranh?
Trung tá Bùi Ánh Quang: Trước hết, Viettel chỉ phát triển và làm chủ công nghệ cho hệ thống công nghệ lõi. Về thiết bị đầu cuối Viettel sẽ chuyển giao xã hội hóa để thúc đẩy sản xuất ngoài Viettel cho các công ty bên thứ ba, và hỗ trợ họ toàn bộ công nghệ và kết nối tới SafeOne.
Còn về giá thành thì phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Cốt lõi nhất là muốn cạnh tranh về giá thì số lượng sản xuất phải đủ lớn. Muốn làm được việc đó thì phải có sự đồng thuận về chính sách cho phép và đồng loạt triển khai. Khi đó, các đơn vị về lĩnh vực này sẽ sản xuất với số lượng lớn thì giá mới rẻ đi.
Bản chất vấn đề là các thiết bị và công nghệ của nước ngoài có chi phí đắt khi bán vào Việt Nam là do họ dựng lên một câu chuyện nào đó để đội giá lên. Linh kiện phần cứng thì có giá rất rõ ràng, phần chênh lệch không nhiều. Còn phần mềm, một khi chúng ta làm chủ được thì sao không thể cạnh tranh được? Vì thế, khi có chính sách rõ ràng thì đó không phải vấn đề lớn về giá cả.
PV: Như nhiều người vẫn nói, quan trọng nhất vẫn là ý thức của người dân cho vấn đề PCCC. Xin ông cho biết quan điểm của mình về thực tế này!
Trung tá Bùi Ánh Quang: Ý thức về PCCC của người dân và doanh nghiệp, tổ chức cho cơ sở của mình là rất quan trọng. Đó gọi là quản trị rủi ro.
Tuy nhiên, cá nhân tôi lại có suy nghĩ thế này: Người dân chúng ta không phải là không có ý thức về PCCC. Vấn đề là sự lựa chọn về PCCC cho họ là cái gì? Còn về bản chất vấn đề của nhà ống hay “chuồng cọp” ở chung cư là do thực tế cuộc sống. Như vậy phải có nhiều giải pháp PCCC để người dân được quyền lựa chọn phù hợp với họ. Cung cấp các phương án PCCC linh hoạt và đa dạng, sao cho người dân có thể lựa chọn những giải pháp dễ sử dụng, giá cả phải chăng và dễ bảo trì bảo dưỡng. Chúng ta cần hướng đến việc đáp ứng nhu cầu và điều kiện thực tế của người dân.
Trong thực tế chúng ta đã cung cấp các lựa chọn đó cho người dân chưa? Những hệ thống có dây chắc chắn rất đắt tiền. Rồi còn phải thẩm định, cấp phép, thi công, nghiệm thu…Khi làm xong thì bảo trì, bảo dưỡng khó khăn… Vì thế, với những công nghệ không dây rất dễ dùng và rẻ tiền, dễ dàng thay thế, di chuyển… thì tại sao lại không có?
Vì thế, không nên đổ lỗi cho ý thức của người dân về PCCC, bởi vì an toàn và sinh mạng của họ là quan trọng nhất. Tất cả đều mong muốn có ngôi nhà và cơ sở của mình được bảo vệ an toàn. Thực tế là vấn đề đặt ra là chúng ta phải đưa ra các lựa chọn phù hợp và hợp lý, để người dân có thể chọn lựa và đảm bảo an toàn cho môi trường sống của mình.
PV: Xin cảm ơn ông!