Cục Cảnh sát PCCC và CNCH vừa có văn bản trả lời người dân, làm rõ thông tin Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội đã thiết kế, phê duyệt thiết kế ga ngầm S9 thuộc tuyến đường sắt đô thị số 3 đoạn Nhổn - ga Hà Nội gây tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ, ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của các hộ dân sinh sống tại đây.
Theo quy định tại Điều 5, 8, 7 của QCVN 08:2009/BXD “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia công trình ngầm đô thị, phần 1: Tàu điện ngầm”, khoảng cách từ các trạm thiết bị thông gió trên mặt đất của thông gió đường hầm đến các phố và đường chính, các bến xe ô tô kín hoặc hở, các khu thương mại, và các cửa sổ của nhà và công trình không được nhỏ hơn 25m; đến các trạm tiếp nhiên liệu cho ô tô, các kho chứa dầu và các sản phẩm dầu, khí đốt, vật liệu gỗ, đường ống dẫn khí và dầu các hạng mục công trình chế biến dầu và công nghiệp hóa chất không nhỏ hơn 100m. Trong điều kiện xây dựng đô thị chật hẹp, các trạm thiết bị thông gió làm việc thường xuyên ở chế độ xả được phép đặt cách phần lưu thông của đường nhỏ hơn 25m.
Tuy nhiên, Văn bản của Cục Cảnh sát PCCC và CNCH nêu rõ: “Hiện tại, chủ đầu tư công trình tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội chưa trình hồ sơ, bản vẽ thiết kế gửi Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ để thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy, chữa cháy theo quy định”.
Trong quá trình thẩm duyệt, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH có trách nhiệm yêu cầu chủ đầu tư và các đơn vị thiết kế phải tuân thủ theo quy định của tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành để đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy cho công trình ga ngầm S9 và các công trình xung quanh.
Dự án đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội được khởi động từ năm 2006 nhưng đến năm 2010 mới chính thức khởi công. Tuyến đường dài 12,5 km, gồm 8,5 km trên cao và 4 km đi ngầm. Đoạn đi ngầm dưới lòng đất gồm 4 ga từ S9 đến S12, trong đó có 2 ga kết nối và trung chuyển là Cầu Giấy và Cát Linh. Tổng cộng tuyến đường sắt này có 12 nhà ga, đi qua quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm.
Dự kiến công trình hoàn thành vào tháng 9/2017 với nhiều lý do dự án liên tục bị chậm tiến độ, và phải xin lùi đến năm 2022. Tổng mức đầu tư dự án sau hai lần tăng giá, đến nay đã lên đến gần 36.000 tỷ đồng.
Vào tháng 5/2017 vừa qua, Thanh tra Chính phủ cũng đã công bố quyết định thanh tra các nội dung tố cáo của công dân liên quan đến việc thực hiện dự án Đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội (tuyến số 3).